- Đó là câu hỏi đầy khơi gợi đối với tân sinh viên (SV) của nhân viên mạng lưới bán hàng đa cấp (BHĐC). Những người này thường núp bóng CLB thâm nhập vào giới SV chào mời. Sau khi có địa chỉ, số điện thoại từ phiếu thăm dò thì bắt đầu chào mời mật ngọt. Không ít tân SV đã thâm nhập vào mạng lưới BHĐC. Tuy nhiên, đã có SV phải lầm lũi về với mẹ đứt đoạn học hành vì mộng kiếm tiền...
SV năm cuối up thông tin về BHĐC để tránh rủi ro cho tân sinh viên |
Trăm kiểu chào mời
Sau khi điền thông tin cá nhân vào phiếu thăm dò, nhiều SV Học viện Ngân hàng nhận được điện thoại: “Xin chúc mừng, bạn đã được tham gia vào CLB của SV thành đạt…”
Theo chỉ dẫn của người có nick name Hải Yến, nhiều bạn SV Học viện Ngân hàng đã tìm đến địa chỉ do Yến giới thiệu. Nằm trong một con ngõ nhỏ trên đường Láng (Hà Nội). Không gian nơi đây khá chật hẹp so với những gì được giới thiệu: “CLB lớn nhất Việt Nam…!”
Bước vào bên trong, họ được những thành viên trong CLB tiếp đón nhiệt tình bằng những câu hỏi đầy tính “khêu gợi” như: Em có cần tiền không? Với 3 triệu/tháng em sẽ làm gì? Liệu em có muốn trở thành 1 SV năng động theo đúng nghĩa?
Sau màn chào hỏi sẽ là lời hướng dẫn tận tình của nhân viên. Theo lời giải thích của họ thì có 2 công việc chính với mức thu nhập khác nhau, một người có thể cùng lúc đảm nhận 2 công việc: Bán hàng và giới thiệu khách hàng đăng kí làm thành viên.
Dù biết đây là công việc bán hàng đa cấp (BHĐC), nhưng với mức phí tham gia khá thấp, khoảng trên dưới 100.000 đồng, cộng với lời “dụ dỗ” siêu ngọt của nhân viên về mức lương hấp dẫn, không ít SV đã háo hức đăng kí để được đi làm ngay.
Không chỉ tìm đến các trường học, cộng tác viên BHĐC còn “chăm chỉ” dán tờ rơi tuyển nhân viên ở nhiều nơi. Đặc điểm tờ rơi thường mô tả công việc cụ thể là kinh doanh và quản lý nhân sự; mức lương cao và làm việc trong thời gian ngắn (2 đến 3h/ngày; thu nhập khoảng 3 triệu/tháng); không có địa chỉ làm việc cụ thể; Cuối tờ rơi thường đi kèm dòng chú thích “Ưu tiên U93, 94”.
Không dừng lại ở đó, công ty BHĐC này còn thường xuyên tổ chức buổi soi da miễn phí thu hút lượng người tham gia để quáng cáo về công việc. “Buổi soi da tổ chức ngay tại trường nên mình cũng tham dự. Nhưng đến nơi lại được tư vấn miễn phí về việc làm. Nhiều bạn hào hứng vì lợi nhuận và sự thành công của các anh chị nhân viên BHĐC mà đã đăng kí tham gia luôn” - Ngọc Anh – Trường CĐ SP Hà Tây chia sẻ.
Mời không thành thì… ép!
Nếu chỉ phải bỏ ra trên dưới 100.000 đồng mà có thể thu về một khoản hậu hĩnh thì có lẽ nhiều người cũng muốn “lao vào”. Tuy nhiên, ở một công ty BHĐC khác lại đòi hỏi ở nhân viên với số tiền đầu tư… gấp hơn 40 lần!
Cần số tiền đầu tư lớn (hơn 4 triệu đồng), công ty BHĐC này buộc phải dạy thêm nhiều kỹ năng mềm cho nhân viên để họ khéo léo hơn trong việc lôi kéo khách hàng. Chính vì thế, CTV của công ty này có trình độ giao tiếp, lôi kéo khách hàng vô cùng đẳng cấp.
Đứng ở bất kì đâu, họ cũng tỏ ra là người tự tin với khả năng giao tiếp tuyệt vời. Khi có người để ý, họ không ngại tới làm quen, hỏi chuyện và… dẫn dắt. Số tiền đầu tư không bao giờ được đề cập đến trong quá trình “lôi kéo”. Họ sẽ nói những đặc điểm có thể hút hồn “gà”: Được học miễn phí những kĩ năng mềm, được thể hiện bản thân, được kiếm tiền với mức thu nhập cao… Và nếu như chưa đủ để thuyết phục đối tượng, họ sẽ “chốt” lại: Cứ đến xem thử, không làm thì thôi, cũng không ai ép và không mất gì cả!
Tuy nhiên, trên thực tế, công ty này đến thì dễ mà đi thì khó. Tại một địa điểm BHĐC trên ngõ Định Công, Hoàng Mai, đối tượng sau khi được dẫn đến đây sẽ được tham gia vào phòng giới thiệu sản phẩm mà người ở đây gọi là “Dự hội thảo”. Sau khi trình bày giới thiệu sản phẩm, MC chương trình nhanh chóng “tranh thủ” giới thiệu luôn việc làm ở công ty. Công việc đơn thuần chỉ là đưa người đến… và lĩnh hoa hồng! Nếu chẳng may không đồng ý nhận việc, “gà” sẽ được cả một đội ngũ nhân viên vây quanh để tư vấn và dồn đến bàn đăng kí.
“Đánh” vào tâm lý của sinh viên năng động, thích trải nghiệm, thành viên BHĐC đến các trường ĐH, CĐ và “rủ” sinh viên tham gia một CLB nào đó do hội SV Hà Nội tổ chức. Nhiều “gà” đã đi theo chỉ qua vài câu chào mời.
Coi chừng tiền mất tật mang?
“Đầu tư bây giờ, tương lai bạn sẽ có tất cả… Như tôi đây! Mức thu nhập của tôi bây giờ trên cả trăm triệu đồng/tháng”, lời của một nhân viên bán hàng đa cấp.
Số tiền hơn 4 triệu không quá lớn, nhưng đối với sinh viên, đó là cả một vấn đề. Nắm bắt được điều này, thành viên công ty sẵn sàng vạch lối chỉ đường cho họ.
Có 1001 cách, trong đó phổ biến vẫn là về xin gia đình, xin không được thì nói dối (?); vay mượn bạn bè; cầm cắm điện thoại hay những vật có giá trị khác (!)… thậm chí có người hào phóng còn sẵn sàng cho khách hàng vay tiền để họ đăng kí làm việc! Và một khi đã kí vào bản đăng kí, cách duy nhất để có thể thu hồi lại tiền (chưa kể lãi) không phải là đi bán mỹ phẩm hay vật dụng gì. Chỉ cần lôi kéo được thành viên đăng kí là có thể hưởng hoa hồng (400.000đồng/người).
Đã có mối quan hệ bạn bè bị sứt mẻ, rồi thù hằn nảy sinh từ BHĐC. Bởi khi “trót” nghe lời đăng kí thì phải đi “dụ” người tiếp theo vào cuộc để gỡ lại vốn đầu tư. Nhiều người trở thành “con nợ” sau khi tham gia BHĐC. Quan trọng hơn, việc học hành của họ ngày càng giảm, tỷ lệ thuận với số lượng bạn bè.
Còn SV Học viện Ngân hàng khẳng định “Nếu bạn em có tham gia BHĐC, có thể là nghỉ chơi luôn! ”.
- Minh Hiền