Từ đầu năm tới nay, phân khúc căn hộ chung cư tại Hà Nội không còn sự sôi động. Khảo sát tại nhiều dự án cho thấy, tình hình giao dịch tương đối chậm. Song, tại một dự án ở khu vực Hà Đông xuất hiện tình trạng căn hộ đang được rao bán với mức giá chênh, thậm chí chênh tới 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Đức Toàn, một môi giới bất động sản, cho hay, căn hộ tại dự án này có mức giá tương đối thấp chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2, tính trung bình mỗi căn chưa tới 1,5 tỷ. Tuy nhiên, do chủ đầu tư xây dựng khá thông thoáng, mật độ thấp và cảnh quan xung quanh hoàn thiện khiến mức giá chênh xuất hiện.
“Từ khi mở bán cách đây 2 năm, dự án chung cư này có giá chênh từ vài chục triệu đồng/căn. Tuy nhiên, hạ tầng hiện tương đối tốt nên các căn đẹp có mức giá chênh lên cao”, ông nhận định. Ông Toàn đang rao bán nhiều căn hộ 2 phòng ngủ, với giá chưa tới 1 tỷ đồng.
Căn hộ bình dân bị đẩy giá cao |
Theo ông Toàn, trước đây, khách hàng phải trả một khoản chênh lệch lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng để được sở hữu một căn hộ chung cư, thì nay mức chênh đã giảm nhiều.
Giới đầu cơ không còn ôm cả sàn chung cư như trước đây. Tỉ lệ sốt, nóng theo các thời điểm và khu vực là không có. Trên thực tế, nhu cầu của người dân vẫn nhiều nhưng không phải ai cũng mua được.
Tương tự, tại quận Hoàng Mai cũng xuất hiện nhiều chung cư bán giá chênh. Đơn cử tại một dự án ở Pháp Vân, mức giá chủ đầu tư khoảng 18-21 triệu/m2, tương đương từ 1,3-2 tỷ đồng tuỳ diện tích căn hộ. Nhưng giá bán thực tế cao hơn, tiền chênh từ 100-460 triệu đồng.
Cũng tại dự án dành cho cán bộ tại quận này, khách hàng mua căn hộ tại đây đều phải trả một khoản tiền giá chênh lên tới hàng trăm triệu đồng so với hợp đồng mua bán. Giá gốc là 19-21 triệu đồng/m2 nhưng giá giao dịch là 24-26 triệu đồng/m2.
Thực tế, các dự án được bán với giá chênh chỉ tập trung vào phân khúc nhà giá rẻ và có hạ tầng hoàn thiện, tiến độ tốt. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư khác cũng đang gặp khó trong quá trình mở bán sản phẩm.
Bình dân vẫn đắt khách
Theo báo cáo của CBRE Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm 2019, thị trường Hà Nội ghi nhận 17.700 căn mở bán mới, một trong những nửa đầu năm với nhiều nguồn cung mới nhất, trong đó, quý 2 ghi nhận mở bán 6.400 căn. Theo đó, phân khúc trung cấp và bình dân chiếm lĩnh thị trường với khoảng 98% tổng nguồn cung mở bán mới.
Tương tự, báo cáo của HH môi giới BĐS cũng cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS Hà Nội đánh dấu sự sụt giảm cả về nguồn cung và lượng giao dịch. Một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do chính sách giảm tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS.
Hạ tầng đẩy giá BĐS |
Đánh giá triển vọng thị trường, đại diện CBRE Việt Nam cho rằng, lượng mở bán mới trong năm 2019 dự kiến rơi vào khoảng trên 33.000 căn - mức tương đương với giai đoạn 2016-2018.
Phân khúc trung cấp tiếp tục dẫn dắt thị trường, dự đoán chiếm khoảng 70-80% tổng nguồn cung mở bán mới, cho thấy thị trường Hà Nội vẫn hướng đến phân khúc người mua để ở. Tuy nhiên, các sản phẩm khu đô thị gần đây cũng thu hút bộ phận các nhà đầu tư nội địa.
Trong khi các quận nội thành trở nên đông đúc hơn, nguồn cung nhà ở dự kiến sẽ chuyển dịch ra xa dần bán kính 10 km từ khu vực trung tâm hiện hữu. Các dự án khu đô thị sẽ tập trung nguồn cung chính mang lại tiện ích đồng bộ và các sản phẩm đa dạng. Với hạ tầng ngày càng phát triển và những sự hợp tác gần đây giữa các tập đoàn lớn, các dự án này dự kiến sẽ thu hút sự chú ý của thị trường trong các năm tới.
Từ nay đến cuối năm, giá nhà chung cư sẽ còn giảm mạnh, khoảng cách giữa giá trong hợp đồng và giá giao dịch sẽ xích lại gần nhau, tức thị trường sẽ minh bạch hơn. Đây là cơ hội cho người có tiền và nhu cầu thực bởi sau một thời gian thị trường trầm lắng, BĐS sẽ dần trở về giá trị thực.
Mời độc giả xem clip tự tạo từ bài viết:
Duy Anh