- Vấn đề được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế “Chiến lược ngoại ngữ trong xu thế hội nhập" tổ chức tại Trường ĐH Hà Nội sáng 10/11.
Học theo Nhật?
TS Nguyễn Đức Hoạt, nguyên chủ nhiệm khoa Tiếng Anh Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội chia sẻ về Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEFR) cho đào tạo tiếng Anh tại Việt Nam.
Theo ông Hoạt, CEFR là hệ thống chuẩn sử dụng ngôn ngữ được thiết kế khoa học, có hệ thống nhằm tạo điều kiện thống nhất chuẩn đào tạo, công nhận lẫn nhau về bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển tự do nguồn nhân lực trong EU và phát triển môi trường đa văn hóa, đa ngôn ngữ.
Tuy nhiên để hiện thực hóa đề án này, TS Hoạt cho rằng cần phải có cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ và có các bước đi phù hợp với điều kiện riêng về nhu cầu, mức độ sử dụng ngoại ngữ của từng đối tượng đào tạo ở Việt Nam.
TS Nguyễn Đức Hoạt (Ảnh: Văn Chung) |
Cần xây dựng chuẩn CEFR-V (phiên bản Việt Nam) như phiên bản CEFR – J của Nhật để phù hợp với khả năng, điều kiện sử dụng cụ thể của quốc gia song vẫn bảo đảm gắn kết, không phá vỡ tính hệ thống của CEFR.
Dự án xây dựng chuẩn CEFR-Japan bắt đầu khởi động từ năm 2008 đến nay mới hoàn thành 4 khâu: Tập hợp đặc tả chuẩn (Descriptors – Bản CEFR-J Alpha, viết lại các đặc tả cho phù hợp (đặc biệt đối tượng học sinh phổ thông) trên cơ sở khảo sát giáo viên và ý kiến góp ý của các chuyên gia – Hoàn thiện bản Beta CEFR-J – Thử nghiệm và đánh giá thực tế tại trường học – Bản CEFR version 1. Hiện nay họ đang tiến hành báo cáo tổng kết để triển khai.
Ngoài việc viết lại chuẩn đầu ra, Nhật Bản còn bổ sung, chia nhỏ hơn nữa 6 bậc châu Âu thành 12 bậc chứ không áp dụng y nguyên như Việt Nam.
Việc áp dụng chuẩn CEFR sẽ giúp hoạt động giáo dục ngoại ngữ Việt Nam theo hướng hội nhập phù hợp với chuẩn năng lực quốc tế. Tuy nhiên việc dạy và học ngoại ngữ ở các cấp nhất định phải gắn với năng lực, điều kiện dạy và học cũng như nhu cầu sử dụng ngoại ngữ của người Việt ở cả trong nước lẫn trong môi trường làm việc nước ngoài….
Bộ GD-ĐT đang làm gì?
TS Vũ Thị Tú Anh - phó Trưởng Ban thường trực Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết: Tháng 1/2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho VN.
"Chúng tôi đang xây dựng khung ngoại ngữ 6 bậc của người Việt Nam dựa trên kinh nghiệm quốc tế. Khung tham chiếu châu Âu là khung tham chiếu phổ biến nhất hiện nay, được phổ biến trên 135 nước trên thế giới" - bà Tú Anh nói.
TS Vũ Thị Tú Anh (Ảnh: Văn Chung) |
Khung này không bắt buộc, chỉ mang tính chất để định hướng nhà làm chương trình xây dựng chương trình ban đầu, các nhà quản lí và chuyên môn tiếp tục soạn thảo chương trình bồi dưỡng chuyên môn định kỳ cho các giáo viên ngoại ngữ các môn.
Trên cơ sở đó, đã định nghĩa các công cụ đo quốc tế như TOEFL, iELTS, HSK,… các công cụ đo này dựa trên khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của VN. Khung này sẽ tiếp tục được cập nhật trong quá trình sử dụng để phù hợp đối tượng người Việt học ngoại ngữ.
Báo cáo thêm về đề án, bà Tú Anh cho biết Bộ GD-ĐT đang rất quan tâm công tác đào tạo ban đầu. Mỗi năm VN đưa vào trong nước khoảng 3.000 cử nhân tiếng Anh để bổ sung vào 100.000 giáo viên tiếng Anh.
"Với định chuẩn mới là B2 hay bậc 4, C1 hay là bậc 5 thì cũng cần quá trình lâu dài, 100.000 giáo viên mới đạt được. Hồng Kông làm nhiều năm nhưng mới có 57% giáo viên trung học đạt chuẩn bậc 5, 37% giáo viên tiểu học đạt chuẩn bậc 4. Italia làm trước VN 13 năm, đến giờ vẫn chưa đạt 50% đạt định chuẩn" - bà Tú Anh cho biết.
- Văn Chung