- Hơn chục năm trước, lần đầu tiên được mời đi ăn cưới ở nhà hàng, có người bảo tôi phải đưa theo vài cái túi nilon để mang thức ăn về. Tôi vô cùng ngạc nhiên nhưng đến khi “mục sở thị” mới hay là chuyện có thật.

Những túi nilon từ cỗ cưới đã nuôi dưỡng chúng tôi

“Đất lề, quê thói” mỗi nơi mỗi tục lệ khác nhau. Khoan nói về những điều xấu - đẹp - hay - dở của những cái tục ấy nhưng xét ở chiều sâu hơn mới thấy rõ những nét đáng yêu và cả đáng thương nữa.

Vợ đi ăn cỗ, chồng ở nhà hái sẵn rau thơm

Đi ăn cỗ nhưng lại về tay không, mẹ chồng tôi chép miệng và nói bằng cái giọng giận dỗi: "Chắc ăn đẫy mồm rồi, không biết đến ai..."

Chuyện đi ăn cỗ cưới ở nhà hàng gói thức ăn mang về được lý giải như sau: Cỗ cưới ở nhà hàng được chủ hôn (nhà trai hoặc nhà gái) trả tiền, nếu khách ăn không hết, chủ hôn cũng không mang được về mà phải bỏ lại. Nhà hàng sẽ để cho nhân viên ăn những món còn có thể hoặc đổ bỏ. 

Việc trên gây ra lãng phí, hơn nữa, tiền chủ hôn mua cỗ bàn thực chất cũng là tiền của khách mời mừng cưới. Khách bỏ ra tiền mừng coi như ứng trước nên mới được đãi một khẩu phần. Khách ăn không hết, gói mang về cũng là sòng phẳng, hợp lý.

Thời trước ở nông thôn, dịch vụ nấu ăn phục vụ cho việc cưới hỏi chưa có, chủ hôn thường nhờ những “thợ nấu” là bà con lối xóm đến giúp. 

Sau tiệc, phần thức ăn thừa còn lại sẽ được chủ nhà dồn chung vào một cái nồi to. Người ta cho thêm củ cải, trái su, trái chuối chát… nấu lên, nêm nếm thành món “xà bần” rất khoái khẩu đối với dân Nam bộ. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Món xà bần này sẽ được mang đi cho bà con lối xóm và những người thân quen đã “cực khổ” giúp chủ nhà trong mấy ngày đám cưới để tình làng, nghĩa xóm ngày càng thêm gắn bó, gần gũi, mến thương.

Mấy năm trở lại đây, có đến 80-90% các gia đình ở nông thôn Nam bộ nhờ dịch vụ nấu ăn khi tổ chức cưới hỏi và câu chuyện đi ăn cỗ cưới bỏ theo túi nilon mang phần về dần đã trở thành phổ biến.

Không phải chỉ khi tàn tiệc, có thức ăn thừa mà ngay trong quá trình bữa tiệc diễn ra, nhiều người cũng đã lấy phần cho mình. Khi một món thức ăn bày ra, có khách mời đã vội chọn miếng ngon cho vào túi nilon có sẵn và ngồi nhìn người khác ăn. Có người chậm hơn một chút thì chờ đến khi nhà hàng bày ra món mới mà có người không ăn thì bưng đĩa trút vào túi mình luôn. 

Có người còn bỏ công “xâm canh” sang bàn khác. Họ kêu gọi người khác làm theo, nếu ai đó lắc đầu thì “Vậy tui lấy luôn nghen!” và trút vội đồ ăn vào túi.

Việc làm này không chỉ ở các bà nội, bà ngoại hay mẹ, dì thương con cháu nên nhịn ăn mang về mà cánh đàn ông, thanh niên trai tráng cũng tham gia.

Trong khi các cô, các bà dù có bỏ túi nilon cũng còn giữ kẽ, kín đáo một chút bằng các cho vào túi xách thì các ông lại rất “công khai, minh bạch” bằng cách để trước mặt, treo sau ghế ngồi và khi về thì xách lủng lẳng trên tay. Nhiều người còn so xem ai được nhiều hơn. Tất cả họ đều lấy lý do: “Cỗ cưới đã đặt, tiền đã mừng, phần của mình thì gói thôi'.

Những khách mời lịch sự cũng thấy việc làm này thật xa lạ, kỳ cục, khó coi nhưng biết làm sao. Chủ gia đình tổ chức tiệc cưới cũng xót lòng nhưng cũng đành chịu vì nếu lên tiếng sẽ bị coi là nhỏ nhen. Lâu dần thành quen, nhiều nhà có đám cưới cũng không quên mua thêm túi nilon để khi khách hỏi xin còn có mà cho.

>>> Xem thêm: Khóc - cười mùa cưới

Lê Minh Hoàng (Tiền Giang)