Bức thư chê bai đàn ông Việt của một cô gái gây xôn xao cư dân mạng, vòng bán kết giải đấu hiphop diễn ra kịch tính, sốt clip giao thông Sài Gòn dựng từ 10.000 bức ảnh, hội thao học sinh khuyết tật toàn quốc,...là những thông tin nóng nhất về thế giới trẻ trong ngày 12/12.

Cư dân mạng choáng với thư chê đàn ông Việt

Lá thư với lời tuyên bố 'Ế chồng cũng không lấy đàn ông Việt', vì 'các anh không chỉ kém thông minh, không lãng mạn mà còn rất gia trưởng và tinh vi' đang tạo làn sóng 'ném đá' trong cư dân mạng.

Những ngày qua, trên internet bỗng xuất hiện một bức thư của cô gái tự xưng là Quách Thu Trang, với tiêu đề Ế chồng cũng không lấy đàn ông Việt. Không điều tra được bức thư xuất phát từ đâu, nhưng chỉ riêng với tiêu đề như vậy, bức thư ngay lập tức đã thu hút mọi người.
Tác giả bức thư chê đàn ông Việt không lãng mạn và không ga lăng - Ảnh: Tiền Phong (Ảnh có tính chất minh họa) .
Cô gái viết: "...Còn đàn ông Việt Nam thì sao, thu nhập thì cũng chẳng khá khẩm hơn vợ là bao nhiêu, nhưng lại tự cho mình nhiều “quyền” quá. Nên đi làm về là có quyền đi bia rượu bù khú với bạn bè, về đến nhà là có quyền ngồi vắt chân chữ ngũ xem tivi, đọc báo và đợi vợ bê cơm đến ăn. Lên xe bus thì tranh nhau chỗ ngồi với trẻ em, người già và phụ nữ có thai..."

Sau một hồi phân tích thói hư tật xấu của đàn ông Việt, cô gái kết luận: "Cũng xin nói thật với các anh, là một cô gái sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng tôi rất có ác cảm với đàn ông Việt Nam. Vì các anh không chỉ kém thông minh, không lãng mạn mà còn rất gia trưởng và tinh vi. Tôi cũng tuyên bố luôn, sau này thà ế chồng chứ nhất định tôi không bao giờ lấy đàn ông Việt Nam làm chồng. Mà chả riêng gì tôi, rất nhiều cô gái Việt Nam thành đạt cũng lấy chồng Tây đó thôi, và xu thế này sẽ còn tiếp tục, tôi tin là như thế."

Càng đọc nội dung thì các quý ông càng bất bình, trong khi phái nữ thì chia làm hai luồng dư luận, một bên cho rằng đàn ông Việt cũng rất nhiều người tốt bụng, ga lăng, một bên thì thừa nhận không ít lí lẽ của cô là không sai.

Nội dung bức thư gây sốc

Gửi các anh đàn ông!

Lâu lâu lại đọc được đề nghị nên có ngày tôn vinh đấng mày râu trên trang báo mạng, tôi thấy thú vị quá. Thú vị hơn nữa là lại thấy một số đàn ông so sánh rằng, đàn ông Tây còn có ngày của bố, còn đàn ông Ta thì chẳng có ngày gì để được tôn vinh. Uh, cũng đúng thôi, vì đàn ông Tây họ đàn ông ra đàn ông, còn đàn ông ta thì ông chả ra ông, mà bà chẳng ra bà thì tôn vinh cái gì? Giá như các anh đề nghị chúng tôi tôn vinh cái cỡ “xăng pha nhớt” thì Ok ngay, còn tôn vinh đàn ông thì hơi khó, vì các anh có phải đàn ông đâu mà tôn vinh. Các anh cũng làm sao mà so bì với đàn ông Tây được?

Hồi làm sinh viên, tôi nhớ có lần một cô giáo của tôi có kể, ở bên Đức, đàn ông phải xếp sau cả con chó khi đến những nơi công cộng như lên tàu xe. Có nghĩa là, khi đi đến nơi công cộng ví dụ như lên tàu xe, phụ nữ là người được ưu tiên nhiều nhất, kế đến là người già trẻ em, rồi đến con chó, sau cùng mới đến người đàn ông. Ở bên đó, phụ nữ cũng rất được yêu thương và chiều chuộng, ví dụ, gặp bất cứ một người phụ nữ nào xách đồ đạc nặng trên phố là cánh đàn ông thể hiện ngay sự quan tâm của mình bằng việc xách giúp đồ đạc. Trên xe buýt, đàn ông cũng luôn nhường chỗ ngồi cho phụ nữ một cách tự nguyện. Còn ở nhà, đàn ông Đức không ngại ngần việc rửa chén bát và làm việc nhà, thậm chí cả giặt đồ lót cho vợ.

Còn đàn ông Việt Nam thì sao, thu nhập thì cũng chẳng khá khẩm hơn vợ là bao nhiêu, nhưng lại tự cho mình nhiều “quyền” quá. Nên đi làm về là có quyền đi bia rượu bù khú với bạn bè, về đến nhà là có quyền ngồi vắt chân chữ ngũ xem tivi, đọc báo và đợi vợ bê cơm đến ăn. Lên xe buýt thì tranh nhau chỗ ngồi với trẻ em, người già và phụ nữ có thai. Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều nam thanh niên to khỏe lực lưỡng nhưng lại bị “mù”. Tại sao tôi nói vậy, bởi vì trên xe buýt bao giờ cũng có ghi là nhường ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai, nhưng các anh không hiểu sao vẫn không thực hiện, nên tôi bảo chắc chỉ có bị mù mới không nhìn thấy những dòng chữ như thế. Thậm chí, đến khi anh phụ xe buýt ra nhắc nhở thì còn chửi lại, vậy thử hỏi các anh văn minh ở đâu, mà dám đòi hỏi được tôn vinh và yêu cầu có ngày tôn vinh cho người đàn ông Việt Nam?

Chẳng nói ra chả sao. Nói ra đâm thêm coi thường đàn ông Việt Nam, chưa làm được gì đã muốn được tôn vinh. Mà tôn vinh cái gì, tôi rất thích comment của một độc giả nào đó nói, chẳng lẽ tôn vinh cái sự: Hôm nay 8.3, tôi giặt cho bà cái áo của tôi à? Không nên có ngày tôn vinh cho đàn ông Việt Nam vì các anh không xứng đáng được tôn vinh.

Cũng xin nói thật với các anh, là một cô gái sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng tôi rất có ác cảm với đàn ông Việt Nam. Vì các anh không chỉ kém thông minh, không lãng mạn mà còn rất gia trưởng và tinh vi. Tôi cũng tuyên bố luôn, sau này thà ế chồng chứ nhất định tôi không bao giờ lấy đàn ông Việt Nam làm chồng. Mà chả riêng gì tôi, rất nhiều cô gái Việt Nam thành đạt cũng lấy chồng Tây đó thôi, và xu thế này sẽ còn tiếp tục, tôi tin là như thế.

Anh tài Hiphop "đọ" độ nóng

Tối 11/12/2011, đêm tứ kết giải đấu Hiphop đa phong cách Hanoi Jam All Style Battle đã diễn ra tại trường Đại học Luật Hà Nội. Sân khấu như bùng nổ với 8 đội chơi là 8 anh tài cá tính, phong cách và cực chất.
Các chàng trai nhí nhảnh của Last Fire với những bước nhảy được chuẩn bị kĩ lưỡng, các động tác với sự phối kết hợp độc đáo, kĩ thuật tốt. (Ảnh Ione)
Những cô gái cuồng nhiệt của CAP. (Ảnh Ione)
Street Dance mang tới màn biểu diễn kết hợp đẹp mắt trong các động tác tập thể kĩ thuật. Đặc biệt sự lôi cuốn bởi sức 'nóng' của các nữ dancer. (Ảnh Ione)
Với hình thức đấu loại trực tiếp giữa hai đội chơi, BGK nhiều pha đau đầu vì sự cân tài cân sức của các đội, điển hình như cuộc tranh tài của Street Dance và The Wind. Một đội chơi với thế mạnh là sự kết hợp đội hình ăn ý với một đội chơi có ưu thế kĩ thuật của từng cá nhân khiến cho bộ 3 BGK phải quyết định cho thi thêm 2 lượt phụ để quyết định đội nào giành tấm vé đi tiếp.

Cuối cùng trên nền nhạc Cô gái tự tin, các chàng trai, cô gái đường phố Street Dance với sự kết hợp đồng đội đẹp mắt đã rộng đường vào vòng trong.

6 học sinh Việt Nam giành HC Olympic Khoa học trẻ


Tin từ Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho biết cả 6 học sinh Việt Nam tham dự Olympic khoa học trẻ quốc tế lần thứ 8 được tổ chức tại TP Durban, Nam Phi từ ngày 5 đến 10/12 đều giành được huy chương.

Trong đó, các em Lê Minh Đức, Trần Minh Tuấn và Vũ Đặng Minh Quân giành huy chương bạc; các em Nguyễn Văn Minh, Hoàng Trọng Nam Anh và Lương Việt Hoàng giành được huy chương đồng. Cả 6 em đều là học sinh của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

Olympic khoa học trẻ quốc tế là kỳ thi dành cho 3 môn khoa học tự nhiên Vật lý, Hóa học và Sinh học. Diễn ra từ 5-10/12, kỳ thi năm nay thu hút sự tham gia của gần 600 thí sinh là học sinh phổ thông dưới 15 tuổi đến từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Học sinh khuyết tật thi hội thao, nhận học bổng


Sáng 11/12, 182 học sinh tham gia hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 4 tại Thái Bình đã được nhận học bổng “Thắp sáng tương lai” trị giá 207 triệu đồng.

Đây là những học sinh tuy gặp khó khăn về thể chất nhưng vẫn cố gắng vươn lên, vượt qua rào cản bản thân, tham gia hoạt động cộng đồng.
Học sinh khuyết tật ngày càng được quan tâm và có cơ hội vươn lên khẳng định mình (Ảnh DT).
Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 4 do Bộ GD-ĐT phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức từ ngày 7 đến 14/12. Đối tượng tham dự hội thi là các em học sinh khuyết tật dưới 16 tuổi, tranh tài 22 nội dung của sáu môn thi đấu gồm điền kinh, cờ vua, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, kéo co. Hội thi sẽ trao tổng cộng 56 bộ huy chương với tổng số 480 chiếc huy chương.

Học bổng “Thắp sáng tương lai” do Công ty Miwon Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện. Ba đối tượng chính sách mà Miwon hướng tới hỗ trợ là học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo và nạn nhân chất độc da cam.

“Sốt” clip giao thông Sài Gòn dựng từ 10.000 bức ảnh

Clip thể hiện hình ảnh về giao thông Sài Gòn từ sáng đến đêm dài hơn 2 phút. Các địa danh nổi tiếng của của TPHCM như chợ Bến Thành, phà Thủ Thiêm, bùng binh Phù Đổng Thiên Vương… được tái hiện một cách sinh động, nhộn nhịp và vô cùng đẹp mắt.

Đoạn clip này là của tác giả Rob Whitworth - một nhiếp ảnh gia 29 tuổi người Anh hiện sống và làm việc tại Việt Nam. Tác giả đã dựng từ hơn 10.000 bức ảnh theo dòng chảy của giao thông tạo cho người xem sự di chuyển, chuyển động rất ranh của phương tiện, cảnh vật xuất hiện trong clip.

Với cái nhìn về một thành phố năng động, lung linh bên trong “vỏ bọc” của sự xô bồ, tấp nập của giao thông TPHCM, clip trên được cộng động mạng không ngừng lan truyền cho nhau cùng với nhiều lời khen ngợi. Nhiều người ngỡ ngàng vì qua clip họ mới thấy được thành phố của mình đẹp đến vậy.



Giới trẻ Sài thành 'ôm tự do'


Cuối tuần qua, các bạn trẻ tại TP.HCM đã có những khoảnh khắc khó quên trong buổi free hug (ôm tự do).
Ảnh Zing.
Đây là một hoạt động có tính xã hội xâm nhập vào Việt Nam từ khoảng 5 năm nay, với mục đích giúp con người thân thiện, cởi mở với nhau hơn giữa những quay cuồng của cuộc sống.

Trong những ngày SG có chút lạnh, các bạn trẻ đã tập trung tại khu vực nhà thờ Đức Bà, quận 1, và cùng nhau free hug. Khoảng 15 bạn trẻ đã tự tay viết những tấm bảng ngộ nghĩnh, đưa ra trước ngực để mọi người có thể ôm.

K. Minh (tổng hợp)