- Ban đầu, sinh viên đến với Trung tâm Live & Learn vì tò mò, với ý nghĩ "tham nhũng là chuyện của người lớn"...

Các bạn trẻ biết tự thay đổi bản thân hôm nay sẽ là những người lớn chống tham nhũng hiệu quả trong tương lai. Ảnh: Dự án Live & Learn
Tham nhũng đang ảnh hưởng không trừ một ai, trong đó có thanh niên. Thanh niên tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội với tư cách sinh viên, các nhà hoạt động xã hội, công nhân, khách hàng hay cử tri... Cũng như nhiều người dân bình thường, thanh niên đang quen dần với ý nghĩ  "có lót tay  mới được việc" khi đi làm thủ tục.

Cộng đồng quốc tế đang khuyến khích thanh niên chủ động tham gia chống tham nhũng. Vì họ là lực lượng tạo ra sự thay đổi. Nhiệt huyết, sức mạnh, sự sáng tạo và niềm hy vọng của họ có thể thay đổi cả một thế hệ xã hội.

Trên thực tế, những người trẻ ở Việt Nam đã bước đầu được lôi kéo vào các hoạt động chống tham nhũng. Ví dụ, một tổ chức có tên Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao hiểu biết của sinh viên về minh bạch và phòng chống tham nhũng qua những hoạt động ngoại khoá, phong trào...

Ban đầu sinh viên đến với các hoạt động này vì tò mò, bởi họ vẫn nghĩ "tham nhũng là chuyện của người lớn". Rồi họ dần nhận ra chính mình cũng đang “dính dáng” đến tham nhũng từ những việc nhỏ nhặt ngay trong môi trường học tập. Live & Learn chọn cách tiếp cận sinh viên bằng những buổi nói chuyện, trao đổi vui vẻ, tương tác, với những chuyện thật người thật về "tham nhũng vặt" có liên quan mật thiết đến đời sống sinh viên.

Tham gia dự án “Xã hội minh bạch và bền vững trong tay thế hệ trẻ” của trung tâm, một số bạn trẻ đã thay đổi từ nhận thức đến hành động. Họ cho biết "khi đi tham dự hội thảo hay sự kiện, luôn hỏi rõ những quyền lợi hoặc nghĩa vụ trước khi đặt bút ký xác nhận tên mình trong danh sách" hay "từ bây giờ làm gì em cũng suy xét xem đó có phải tham nhũng không".

Một số bạn tuyên bố "sẽ cố gắng để không 'đi thầy' mà vẫn thi đỗ" hoặc "đi xe buýt mà người ta không đưa vé thì phải hỏi lại ngay vì bỏ qua cũng là hành vi tiếp tay cho tham nhũng".

Hay như ông Nguyễn Trí (GĐ Trung tâm tư vấn chuyển giao công nghệ), chia sẻ về ý tưởng "Nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú Võ Nhai" đã được đưa vào thực hiện. Việc lồng ghép nội dung chống tham nhũng vào các bài học đạo đức, lịch sử, văn học, địa lý..., tổ chức thi diễn thuyết cho học sinh lớp lớn, khuyến khích các em làm báo tường, tập san, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác nhạc, thậm chí là nhạc hip hop... chống tham nhũng, đã giúp học sinh quan tâm nhiều hơn đến chủ đề "đau đầu" này.

Đoàn thanh niên bệnh viện Nhi Trung ương cũng huy động sinh viên trường Y làm các "điều tra viên độc lập" thực hiện điều tra, khảo sát bệnh nhân và người nhà để tìm cách điều chỉnh phương pháp tiếp bệnh nhân, khám và trả kết quả... sao cho tiết kiệm thời gian và công sức cho người bệnh.

Đó chỉ là một vài ví dụ dược chia sẻ tại các diễn đàn về chống tham nhũng gần đây, và nhìn chung, các ví dụ này đều là những hoạt động chống "tham nhũng nhỏ".

Chúng nhỏ từ mục tiêu, như Bí thư Đoàn bệnh viện Nhi chia sẻ: "Không nên quá kỳ vọng, chỉ nên đặt ra những mục tiêu nho nhỏ và cố gắng đạt được để có thể nhân rộng". Chúng nhỏ đến cả cách thực hiện, như cách tiếp cận sinh viên, học sinh vẫn phải đặt yếu tố "vui vẻ, gần gũi, dễ hiểu" là ưu tiên. Và nhỏ cả đến hiệu quả đạt được khi chỉ xác định "nâng cao nhận thức" và "thu hút sự quan tâm" của người trẻ đến một vấn đề vốn dĩ họ phải suy nghĩ thật nghiêm túc.

Bạn Hoàng Lê Minh Hằng, một sinh viên tích cực trong các hoạt động của Live & Learn cũng chân thành chia sẻ: “Nếu đưa ra những khái niệm, thông tin quá nghiêm túc, quá phức tạp, sinh viên, thuộc nhiều ngành khác nhau, từ xã hội đến tự nhiên, kỹ thuật, sẽ khó mà hiểu và nhớ được, càng khiến họ thờ ơ với vấn nạn mà họ còn chưa nhìn thấy ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân. Truyền đạt vui vẻ, thông tin sẽ được nhớ lâu hơn".

Vậy phải chăng những hoạt động đưa người trẻ và việc chống tham nhũng lại với nhau vẫn còn dè dặt và thiếu tham vọng? Vì đúng là các bạn trẻ không muốn nghe những chuyện "đau đầu" hay còn vì lý do nào khác? Liệu chống tham nhũng có phải là quá sức với họ?

Ông Ngô Đức Hòa, Vụ trưởng Vụ 5, Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, trả lời "đúng là có sự dè dặt" trong việc lôi kéo sinh viên, thanh niên, người trẻ vào cuộc chiến này: "Chống tham nhũng cần trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch. Các bạn trẻ thiếu cái đầu lạnh, mà trong cuộc chiến cam go, nghiệt ngã, có thể bị trả thù ghê gớm như thế này, sự bồng bột, nông nổi, thiếu kiềm chế có thể đẩy họ đến những tổn thương sâu sắc".

"Cán bộ mấy chục năm công tác còn phát điên, phải vào nhà thương, sinh viên, thanh niên chịu sao nổi", ông Hòa nói. Những khó khăn mà những người lớn chống tham nhũng, đơn cử như 5 cá nhân chống tham nhũng tiêu biểu tham dự ĐH thi đua yêu nước toàn quốc mới đây, đã trải qua - bị đe dọa, trù dập, mất chức, mất nghề, người thân gặp nguy hiểm... - là những cảnh báo đáng quan tâm.

"Vì vậy, các bạn trẻ cần nâng cao nhận thức rồi biến đổi bản thân mình trước. Xét cho cùng, họ đâu phải là thủ phạm gây ra tham nhũng", ông Hòa nói.

Điều đó đúng, bởi những bạn trẻ biết tự thay đổi bản thân ngày hôm nay sẽ là những người lớn chống tham nhũng hiệu quả trong tương lai. Như một bạn trẻ tham gia trong chương trình của Live & Learn chia sẻ: "Chế tài pháp luật không thay đổi được, bản thân em và các bạn phải phấn đấu vào làm ở các vị trí có thể thay đổi pháp luật".

2011 được chọn là Năm thanh niên với phương châm "Hành động vì một môi trường xã hội lành mạnh cho tuổi trẻ". Năm 2011 cũng sẽ là năm công tác phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh với nhiều hoạt động, trong đó có Chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011 do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đồng tài trợ với chủ đề "Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả". Có thể năm 2011 sẽ chứng kiến sự tham gia tích cực hơn của người trẻ trong vấn đề này.

Thủy Chung