Cô giáo Nguyễn Lê Bảo Tâm (SN1998) hiện đang tham gia giảng dạy tại một trung tâm Anh ngữ vào các buổi chiều tối. 

Ngoài thời gian này, đa số thời gian còn lại trong ngày Bảo Tâm dùng để tham gia dự án dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ khiếm thính giúp các em có thể tốt nghiệp lớp 9.

Cô giáo Bảo Tâm cùng học sinh khiếm thính của mình.

VietNamNet có cuộc trò chuyện cùng cô giáo trẻ đầy đam mê và tâm huyết này.

Chào bạn, hiện tại công việc của Bảo Tâm ở trung tâm Anh ngữ thế nào? 

Công việc chính hiện tại của mình là giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm Anh ngữ. Ngoài việc lên lớp mỗi ngày, mình dành phần lớn thời gian để soạn giáo án, học tập, trau dồi chuyên môn và kỹ năng, hỗ trợ trung tâm trong các sự kiện, dự án… 

Là một giáo viên, điều khiến mình quan tâm nhất là sự tiến bộ, động lực học tập, và niềm vui của học sinh. Vì vậy, mình luôn nỗ lực mỗi ngày để bài giảng không chỉ mang lại sự bổ ích, mà còn khơi gợi niềm hứng thú, tò mò trong các em. 

Bảo Tâm bắt đầu công việc dạy miễn phí cho những trẻ em khuyết tật từ khi nào và bạn có thể chia sẻ cụ thể hơn về công việc này?

Khoảng đầu năm 2021, khi tình cờ thấy thông tin tuyển dụng tình nguyện viên dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thính, mình đã rất tò mò vì không thể hình dung ra việc dạy tiếng Anh cho người câm điếc sẽ như thế nào, khi họ không thể nghe, nói, giao tiếp như người bình thường. 

Trước khi ứng tuyển, mình đã lên mạng tìm kiếm thông tin về tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thính Hear.Us.Now, mình cũng xem rất nhiều các video giảng dạy tiếng Anh bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Đồng cảm, khâm phục và hào hứng để chia sẻ một phần cuộc sống của bản thân với những người kém may mắn hơn là những gì mình suy nghĩ lúc đó.

Cô giáo 9X xinh đẹp.

Sau khi đăng ký trở thành tình nguyện viên, mình bắt đầu công việc tại trường giáo dục chuyên biệt Anh Minh với vị trí trợ giảng. Công việc chính là hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giáo án, ra đề thi, hướng dẫn và giảng bài cho học sinh. 

Đến học kỳ thứ hai, mình trở thành giáo viên chính sau khi đã quen hơn trong việc giao tiếp với các em. Lúc này, mình dành thời gian chuẩn bị bài, đứng lớp, cũng như soạn đề thi nhiều hơn. 

Cũng may việc dạy ở trung tâm Anh ngữ là vào các buổi chiều tối nên những buổi sáng trong tuần sẽ là thời gian dành cho việc giảng dạy trẻ em khiếm thính. Sau khi tan làm vào buổi tối, mình thường tranh thủ soạn bài, nhập điểm, hoặc chuẩn bị đề thi.

Quá trình Bảo Tâm dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thính có khó khăn gì?

Việc học một ngoại ngữ mới đối với người bình thường là không dễ, đối với trẻ khiếm thính thì điều đó khó khăn hơn rất nhiều. Đa phần các em không thể nói và nghe, hoặc nếu có thì cũng rất ít, nên tình nguyện viên thường sẽ viết, dùng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp. 

Giáo viên sẽ cố gắng nói lớn hơn mức bình thường để các em có thể nghe được. Sau đó, cả trợ giảng và giáo viên sẽ đến gần từng em để xem các em có hiểu, có làm được bài hay không. 

Mình nhớ, một lần giảng xong hết bài nhưng có một em học sinh hầu như không nắm được gì.

Mình nhận ra có lẽ phương pháp hoặc cách truyền đạt của bản thân chưa đủ tốt và lại cặm cụi tìm cách giảng tiếp cho em đó hiểu. Mặc dù gặp không ít trở ngại trong giao tiếp, nhưng mình vẫn cố gắng mỗi ngày để hiểu và giúp đỡ các em nhiều hơn, vì mình tin rằng, có một ngôn ngữ vượt lên trên lời nói, đó là ngôn ngữ của tình yêu thương.

Món quà đặc biệt mà học sinh gửi tặng cô giáo Tâm.

Ngoài những khó khăn ở trên lớp, việc nhắc nhở các em ôn bài cũ ở nhà cũng là một thử thách đối với mình. Thời gian đầu, rất nhiều em không làm bài tập về nhà, kết quả là các em không nắm được bài và ảnh hưởng không nhỏ đến bài kiểm tra. 

Sau này, ngoài việc ra bài tập trực tiếp các em, mình còn gửi bài tập, nội dung đã học lên các nhóm Zalo để phụ huynh có thể cùng mình nhắc nhở và giúp đỡ các em. 

Bên cạnh đó, mình cũng tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi để các em vui và hứng thú khi học tiếng Anh. Sau gần một tháng với cách làm này, hầu như tất cả các em luôn hoàn thành đầy đủ và đúng hạn bài tập, cũng như ôn bài trước khi đến lớp.

Mình rất vui vì nhờ đó kết quả học tập của các em được cải thiện. Nhưng điều khiến bản thân hạnh phúc đó là các em dần hình thành được thói quen học tập cũng như dần thích tiếng Anh. 

Mình nhận ra rằng, không chỉ mình dạy trẻ khiếm thính, mà chính các em cũng đang dạy mình rất nhiều điều. Tiếp xúc với các em khiến mình cảm thấy trái tim rộng lớn hơn, kiên nhẫn và cảm thấy bản thân có trách nhiệm hơn. 

Trong tương lai, mình vẫn muốn gắn bó và phát triển trong lĩnh vực giáo dục. Mình đang có dự định học Thạc sĩ giáo dục trong một năm tới để hoàn thiện và phát triển bản thân với mong muốn có thể “chạm” đến nhiều cuộc đời hơn nữa.

Cảm ơn Bảo Tâm về cuộc trò chuyện! Chúc bạn sẽ luôn thành công với những dự định trong tương lai!