Trong khi một cô giáo trẻ phải nhập viện vì món “canh gà Thọ Xương”, thì những người đào tạo ra cô lại phát kiến ra một khái niệm hoàn toàn mới cho văn học thế giới, khiến nhà văn vừa đoạt giải Nobel Mạc Ngôn phải đỏ mặt.
Từ mấy hôm nay, món canh gà bỗng dưng trở thành đề tài thời sự vô cùng nóng bỏng trên tất tần tật các báo, từ những tờ vốn tự coi mình là nghiêm túc đến những nơi được gán mác lá cải. Theo những thông tin đầu tiên từ các em học sinh trường Lomonoxop tại Hà Nội, thì món canh gà này được cô giáo Hà Thu Thủy nhắc đến khi giảng bài ca dao trứ danh “Gió đưa cành trúc la đà…”
Nghe nói nhà văn Mạc Ngôn vẫn chưa hết ngỡ ngàng với món canh gà Thọ Xương thì đã choáng váng với dòng thơ sexy Việt Nam. |
Ngay lập tức, các nhà báo cùng đông đảo cộng đồng mạng đã nhiệt tình bình luận, bên cạnh những hòn đá hòn chì, còn có không ít những câu chuyện tiếu lâm như thể lâu lắm rồi xã hội mới có một ca đáng cười đến thế. Để rồi, sau một ngày, lại có những tiếng nói cho rằng không nên quá nặng tay với cô giáo trẻ này như vậy, rằng đây không phải là lỗi nhận thức mà chỉ do người dạy còn ít kinh nghiệm… Thậm chí, người ta còn lập hẳn một trang ủng hộ cô giáo Thủy trên Facebook, với những lời van xin thống thiết từ phía học trò.
Trước tiên, ta cứ phải dành những lời ca ngợi cho cánh nhà báo và cả dư luận xã hội đã không tiếc những lời mỉa mai, những cái cười khẩy. Hẳn nhiên, điều đó chứng tỏ rằng người ta có quyền thể hiện ý kiến của mình trước những vấn đề xã hội, từ bé như con kiến đến to như con voi. Cứ cho là cô Thủy không có lỗi đi, thì cũng xin cô đừng oán hận dư luận, bởi nghĩ cho cùng thì hình như cái đám đông rầm rầm như muốn ăn sống nuốt tươi cô cũng chẳng có lỗi gì.
Quý vị hãy thử bình tâm lại một chút, sẽ thấy những hòn đá ném về phía cô Thủy không phải chỉ dành cho cô, nhưng có khi ngay cả những người ném nhiệt tình nhất cũng không biết họ muốn ném vào đâu. Canh gà Thọ Xương có thể chỉ là một pha sểnh miệng, nhưng ai bảo cô lại chọn nghề giáo viên, tức là một phần trong ngành giáo dục vốn có rất nhiều thành tựu của Việt Nam.
Về chất lượng dạy dỗ, đào tạo, thì cứ nhìn đội ngũ sinh viên ra trường tiếp thu được nhiều kiến thức đến nỗi hầu như doanh nghiệp nào cũng phải đào tạo lại là đủ để quý vị tự đưa ra kết luận, khỏi phải nói nhiều. Còn thứ quan trọng hơn, theo đúng thứ tự trong khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” mà bất cứ trường nào, lớp nào cũng treo trang trọng như một thứ phép màu, thì còn nhiều ví dụ sinh động, chân thực hơn nữa: Trong khi clip thi tốt nghiệp Đồi Ngô minh họa hùng hồn cho quyết tâm nói không với tiêu cực và bệnh thành tích, thì cơ số clip nữ sinh choảng nhau vì ti tỉ lý do trên trời dưới biển lại khẳng định cho mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực…
Trong bối cảnh ấy, "bát canh gà" của cô giáo Thủy đương nhiên sẽ có được cái vinh dự là nơi đón nhận sự hậm hực và điên tiết của người đời, nhất là khi các bậc phụ huynh đang thở dài ngao ngán với đủ mọi khoản tiền trường đầu năm, hiện đang được báo chí đồng thanh ca cẩm như dàn nhạc ve mùa hè đinh tai nhức óc. Trời đất quỷ thần ơi, nói mãi nói hoài mà chẳng thấy có vị đạo cao đức trọng nào mở miệng trả lời, dù là qua quấy, để chứng tỏ rằng các vị vẫn chưa điếc hẳn.
Thế là, cô giáo trẻ vừa mới chân ướt chân ráo ra trường bỗng nhiên trở thành một mục tiêu vô cùng hấp dẫn, và cũng vô cùng cần thiết, để người ta dồn vào đấy đủ mọi bực dọc, như thể cô có đủ nghìn mắt nghìn tay để làm hỏng cả một thế hệ con em ưu tú vậy. Cả một trận cuồng phong đổ xuống đầu, cô giáo này không phải nhập viện mới là chuyện lạ.
Người viết bài này, cũng từng nuôi một vài đứa con học hành cũng tạm gọi là đến nơi đến chốn, chỉ ngạc nhiên một điều là tại sao cô giáo này lại sớm ngã lòng làm vậy. Như trên đã nói, ngành Giáo dục ngày nay dường như đã mắc bệnh lãnh cảm kinh niên, cho nên phụ huynh và giáo viên có kêu ca thì cũng là chuyện thường ngày ở huyện, cô có mắc căn bệnh thời đại ấy âu cũng lẽ thường tình và ngành Giáo dục cũng chẳng vì thế mà bớt phần thành tích.
Câu chuyện canh gà đến hôm Thứ Sáu lại được tiếp nối bằng một bài báo ít gây sốt nóng hơn. Báo điện tử Kiến Thức cho hay, hiện nhiều sinh viên đang hết sức quan tâm tới cuốn giáo trình văn học Việt Nam trung đại (tập 2) của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.
Cô giáo Hà Thu Thủy là sản phẩm của cơ sở đào tạo sư phạm uy tín nhất Việt Nam này, người ta cũng không rõ liệu có phải cô được dạy về món “canh gà Thọ Xương” ở giảng đường đại học không, nhưng cứ nhìn cuốn giáo trình, người nào nỡ nặng lời với cô cũng cảm thấy hơi áy náy.
Viết về tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục”, cuốn sách hùng hồn khẳng định, “những bài thơ của Nhị Khanh (truyện Cây gạo), của Liễu Nhu, Đào Hồng, Hà Nhân (truyện Cuộc kì ngộ ở trại Tây)… đã thực sự tạo thành một dòng thơ sexy trong văn học Việt Nam trung đại. Bởi vậy, Nguyễn Dữ không chỉ là cha đẻ của loại hình truyện ngắn Việt Nam, cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn, mà còn là cha đẻ của dòng thơ sexy Việt Nam”.
Chẳng biết các nhà phê bình văn học có bình luận gì không về cái dòng thơ sếc xi này, nhưng độc giả Việt Nam đã được một phen nghẹn ngào xúc động trước phát kiến mới của các giáo sư trường Đại học Sư phạm. Hình như cho đến giờ, thế giới vẫn chưa hề có dòng thơ nào gọi là dòng thơ sếc xi hết, nên sau đúng một đêm trằn trọc vì so bì ghen tị với người Trung Quốc, khi họ có nhà văn thứ 2 đoạt giải Nobel, ta có thể bạo mồm mà khẳng định rằng Nguyễn Dữ là cha đẻ của dòng văn học sexy toàn cầu. Ái chà chà, “Phong nhũ phì đồn” (vú to mông nẩy, đã dịch ra tiếng Việt dưới nhan đề Báu vật của đời) của Mạc Ngôn bên Tàu là cái đinh gỉ gì chứ, người Việt Nam ta còn biết làm thơ sếc xi từ hẳn thế kỷ 16 kia.
Biết đâu đến một lúc nào đó các nhà phê bình văn học nước nhà sẽ cho rằng bài ca dao mà cô giáo Thủy gặp hạn là khởi đầu cho dòng thơ ẩm thực Việt Nam?
(Theo Tam Thái - Phunutoday)