- Cuối tuần vào mạng chuẩn bị cho công viêc mới, trên Facebook bạn bè và một số trang liên quan tới công việc, những hình ảnh "cô giáo mầm non khoe ngực" đập vào mắt.
Một bức tranh khỏa thân tên là The Sleeping Bather (The Sleeper) của danh họa Pierre-Auguste Renoir |
Lại nhớ cả tuần rồi, chị đồng nghiệp cùng phòng thỉnh thoảng lại hỏi: "Trường mầm non V.A ở đâu hả em? Cô giáo G.C hot quá! Sao ngực cô ấy đẹp thế!" Tuy có thể tìm thấy nhiều thông tin sau vài phút tìm kiếm trên mạng, nhưng tôi chẳng muốn nạp vào tâm trí những mẩu chuyện đó nên nói không biết. Nhưng, đúng là sống thời "cư dân mạng" nên có những thứ muốn bỏ qua cũng chẳng được.
Đó là hình ảnh cô gái trẻ có bộ ngực đầy đặn, săn chắc với những kiểu tạo hình quen thuộc của giới trẻ, môi rất đỏ và da rất trắng. Rất nhanh chóng, với sự đối nghịch giữa "cô giáo" và "khoe ngực", các hình ảnh được lan truyền nhanh, cùng với nhiều bình luận khác nhau, phần nhiều chê trách và so sánh không khác gì việc những người trong giới showbiz cố tình khoe thân.
Giải thích về sự cố, cô giáo G.C cho biết, những hình ảnh khoe trên Facebook là hình chụp khi đi bơi, tập thể dục hoặc trước khi đi ngủ. Cô cũng biện minh "Giáo viên cũng như mọi người, có quyền xinh đẹp và ăn mặc theo sở thích cá nhân, sao cho mình thấy thoải mái và tự tin nhất., miễn là luôn làm tròn trách nhiệm của mình trong vai trò là giáo viên".
Tôi đã làm cuộc tham khảo "bỏ túi" nhanh với bạn bè của mình, cũng là những phụ huynh đang hoặc đã có con ở lứa tuổi mầm non. Một chị bạn là phóng viên giáo dục nhiều năm, nay đã chuyển qua theo mảng văn hóa - nghệ thuật, nhìn nhận:
Những bức ảnh này chưa tới độ "phản cảm" như nhiều bức hình "tự sướng" của thế hệ 9X nhan nhản trên mạng ở các kênh blog và Facebook. Nhưng cũng như nhiều hình "tự sướng" khác, nó thể hiện sự nghèo nàn về thẩm mỹ, nghiêng về gợi dục trong khi chủ nhân ảnh thì nghĩ thế là quyến rũ. Sở dĩ, một bộ phận giới trẻ ngày nay vẫn ngộ nhận vì trên thế giới, trong nhiều thập kỷ qua, hình ảnh cơ thể người phụ nữ bị khai thác mạnh mẽ cho quảng cáo, những diễn viên, ca sĩ nổi tiếng vẫn tung ra những bức hình gợi dục nhiều hơn.
Một anh bạn là nhà tâm lý học phân tích: Một bức ảnh nude có thể gợi dục và không gợi dục. Không phải trường học hay cha mẹ nào cũng biết cách dạy con về cách ứng xử với những xu hướng đang phát triển rất mạnh trong thời buổi công nghệ hiện nay. Rất khó cấm bọn trẻ không nhìn những hình ảnh thiếu thẩm mỹ.
Thay vì cấm, các thầy cô, cha mẹ hãy chủ động giải thích cho con thế nào là một bức tranh, ảnh nude đẹp. Khi đã hiểu được cái đẹp, thì đứng trước cái xấu, chúng sẽ không bị ảnh hưởng. Đồng thời, cũng hạn chế những hành vi ngộ nhận về cái đẹp. Tuy nhiên, nhà trường Việt Nam đã dạy quá nhiều thứ. Ai sẽ là người định hướng cho giới trẻ về một chủ đề rất tinh tế và rất khó này?
Một cô bạn làm nghề tư vấn cho các công ty luật nhớ lại: Hồi đi học, sách Tiếng Việt lớp hai có bài “Đẹp mà không đẹp!”. Câu chuyện như thế này:
“Thấy bác Thành đi qua, Hùng liền hỏi:
-Bác Thành ơi! Bác xem con ngựa của cháu vẽ có đẹp không?
Bác Thành nhìn bức tranh rồi trả lời:
-Cháu vẽ đẹp đấy nhưng có cái không đẹp
Hùng vội hỏi:
-Cái gì không đẹp hở bác?
Bác trả lời:
-Cái không đẹp là bức tường đã bị vẽ bẩn cháu ạ!”.
"Nhưng cái chuyện dạy học sinh thế nào là bức ảnh hay tranh khỏa thân đáng xem thì tôi và nhiều bạn bè cùng thế hệ cũng chưa từng được học ở trường hay được gia đình chỉ dẫn. Ngày nay, trước khi trông đợi nhà trường giáo dục toàn diện về nhận thức thẩm mỹ cho học sinh, tôi sẽ chú tâm tới việc dạy con phân biệt về những hành vi "đẹp mà không đẹp" khi tham gia các hoạt động chốn công cộng" - chị nói.
Song Nguyên