-

Viện trưởng Viện Quản lý châu Á-TBD (ĐH Kinh tế Quốc dân) Nguyễn Văn Thắng dẫn lại lời của 1 công chức trong lần thảo luận nhóm về tuyển dụng.

 

>> Mẹ bổ nhiệm con, chồng quy hoạch vợ sao tìm ra người tài?

Sáng nay, Ngân hàng thế giới (WB) cùng Thanh tra Chính phủ công bố báo cáo Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công. 

Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát 2.647 người gồm người dân, DN, cán bộ công chức (CBCC) tại 10 tỉnh thành và 5 bộ ngành.

{keywords}

Kết quả khảo sát về mức độ quan trọng của các yếu tố trong tuyền dụng, bổ nhiệm.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, bổ nhiệm, tuyển dụng là hoạt động luôn có nhiều tình huống xung đột lợi ích ở VN. Kết quả khảo sát cho thấy bức tranh hoàn toàn tương phản trong đánh giá của CBCC so với DN và người dân.

Cụ thể, CBCC cho rằng yếu tố quan trọng nhất khi tuyển dụng, bổ nhiệm trong cơ quan nhà nước là có đào tạo bài bản, năng lực, kinh nghiệm và thành tích công tác tốt. 

Còn người dân và DN lại khẳng định yếu tố con cháu, người có quan hệ thân thiết và lợi ích vật chất mới quan trọng nhất.

Tuy nhiên, nhiều CBCC nói biết rõ trường hợp người có thẩm quyền bố trí, đề bạt, tuyển dụng người thân. Họ cũng thừa nhận hiện tượng giúp đỡ người thân trong tuyển dụng và bổ nhiệm nhân sự vẫn còn khá nặng nề trong khu vực công.

Ông Thắng dẫn lời kể của một công chức trong quá trình thảo luận nhóm: ““Bộ em tuyển dụng 100 bạn. Hồ sơ dự tuyển 500 bạn, trong đó cơ quan em tuyển 10 người. Sếp em nói gửi gắm từ cấp vụ trở lên hơn 100 con em trong ngành, chưa kể ngoài ngành nên sức ép kinh khủng luôn. Vì tuyển hay không còn là quan hệ ngoại giao qua lại nữa”.

{keywords}

Nguyên Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sỹ Dũng.

Ngoài ra, ông Thắng còn cho hay, có công chức còn nói thẳng: “Vấn đề bổ nhiệm cũng có tiêu chí nhưng những tiêu chí này đều đã “gọt chân cho vừa giày” nên chẳng qua chỉ là cách hợp thức hóa việc cân nhắc người quen”.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng VN chất lượng cao cho rằng, luật Phòng chống tham nhũng có nói hạn chế đưa người thân vào những vị trí của các cơ quan nhà nước nhưng chữ “hạn chế” không biết là hạn chế làm sao, cấm hay không, chế tài như thế nào?

Xin CBCC đừng nhũng nhiễu

Một nội dung liên quan đến xung đột lợi ích được nhóm nghiên cứu phân tích là chuyện tặng quà.

Ông Thắng cho hay, gần 70% DN và CBCC biết rõ mục đích của việc tặng, nhận quà là giúp giải quyết công việc, tặng quà đã trở thành trào lưu, thông lệ, thậm chí là luật chơi.

Nhiều DN tặng quà để không bị phân biệt đối xử, trong khi CBCC tặng quà cho cấp trên để thể hiện “sự biết điều”. Quà tặng phổ biến là tiền mặt hoặc hiện vật và được đưa trực tiếp.

Ông Thắng còn cho biết, một số CBCC nói rõ việc từ chối tặng/nhận quà là đi ngược với trào lưu và vấp phải thái độ thiếu thiện cảm của đồng nghiệp. Ông dẫn lời của một số công chức: “Thấy người khác tặng quà thì mình cũng phải tặng để không khác người”, “nhận thành quen, thấy ai không tặng thì bảo không biết điều”…

Với góc nhìn của DN, bà Kim Hạnh dẫn lại câu chuyện chính bà nghe được từ một số công ty cổ phần kể lại, chính những người trong gia đình của những người có trách nhiệm rất cao gọi điện mua cổ phần, ghi nhưng không đóng tiền.

“Tôi nghĩ cái này còn nghiêm trọng hơn tặng quà”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Bà cũng cho biết, khi hỏi các DN cần hỗ trợ gì thì họ trả lời: “Chúng tôi không xin hỗ trợ mà chỉ xin CBCC đừng có nhũng nhiễu”.

Quy định chống xung đột lợi ích từ 400 năm trước

Nguyên Phó chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sỹ Dũng cho biết 400 năm trước, cha ông ta đã ban hành luật Hồi tỵ không chấp nhận anh em bà con làm chung một nơi, không chấp nhận thủ trưởng của tỉnh đó hay ông quan ở huyện đó mua bất động sản, kinh doanh tại địa phương mình.

“Quy định chống xung đột lợi ích có từ 400 năm trước nhưng tại sao lại chết yểu trong thời đại của chúng ta như vậy?”, ông Dũng đặt câu hỏi.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, xung đột lợi ích ở ĐBQH là rất lớn và ở tầm rất cao, không thể bỏ qua. Tránh xung đột lợi ích phải là một đòi hỏi quy chế đạo đức công vụ. Một người vào làm việc ở một thể chế công nào thì điều đầu tiên đòi hỏi là phải tránh xung đột lợi ích.

“Quy chế đạo đức nghị viện cũng vậy, 1 doanh nhân làm ĐBQH khi thảo luận luật có lợi cho DN anh phải công bố đây là xung đột lợi ích và tôi xin không tham gia.

Nếu có quy chế đó thì sẽ không xảy ra chuyện ngày hôm sau bỏ phiếu tín nhiệm thì hôm trước các bộ trưởng mời ĐB đi ăn cơm”, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH nói.

Thu Hằng