1.jpg
Ngày càng có nhiều thiết bị hỗ trợ người mù tiếp cận CNTT.

Dự án xây dựng website nói trên do Viện CNTT&TT (Đại học Bách khoa Hà Nội), Trung tâm Tin học Tia Sáng và nhiều tình nguyện viên thực hiện. Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Trang – Giảng viên bộ môn Công nghiệp phần mềm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, đồng thời cũng là tác giả của dự án, cho biết: Trang web được thiết kế theo chuẩn WCAG 2.0 (một chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận sử dụng CNTT).

Với thư viện sách nói (được thu âm, biên tập bởi các tình nguyện viên), dự án đã thu âm nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo từ cấp tiểu học đến cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, sau đó sẽ triển khai rộng sang một số hình thức thiết thực khác trong giai đoạn tiếp theo; được thiết kế giúp người khiếm thị dễ dàng tương tác bằng việc sử dụng “triệt để” phím tắt và đưa ra các hướng dẫn bằng tiếng nói giúp người khiếm thị có thể định hướng, thao tác dễ hơn.

Cùng đó, nhằm tạo điều kiện để người mù có khả năng đọc tin tức mà không cần phải mở nhiều trang tin điện tử, website cũng có khả năng tự động cập nhật thông tin mới nhất từ các báo khác nhau. Đặc biệt, trang web cũng xây dựng diễn đàn nhằm tạo điều kiện để người khiếm thị trao đổi, giao lưu với cộng đồng, đồng thời trở thành cổng thông tin cho người khiếm thị có thể tải về hoặc tự đăng tải, biên tập các thông tin.

Cùng với sự kiện tamhonvietnam.net ra đời, một tin vui nữa cũng sắp đến với người mù trong nước đó là giữa tháng 1/2010, phần mềm JAWS sau một thời gian do Bộ TT&TT phối hợp với Viện CNTT&TT (Đại học Bách Khoa Hà Nội) phát triển theo hướng “Việt hoá” đã được đưa ra nghiệm thu, cho tốc độ xử lý âm thanh nhanh hơn, ngôn ngữ đọc tiếng Việt rõ ràng… Dự kiến sau khi hoàn thiện, sắp tới phần mềm sẽ được đưa lên website của Bộ TT&TT, của Hội người mù Việt Nam để những người quan tâm có thể tải về sử dụng miễn phí.

Nhận định về thực trạng ứng dụng CNTT của người mù trong nước, ông Nguyễn Xuân Hưởng – Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cho biết: Hiện nay cả nước có khoảng 1000 người (trên tổng số khoảng 1,2 triệu người mù) được tiếp cận với CNTT, nhưng chỉ khoảng 300 người biết truy cập Internet. Đề cập đến con số hạn chế đó, ông Hưởng đã nói đến một số rào cản như thu nhập của người mù còn rất hạn chế, ít có điều kiện tiếp cận với máy vi tính.

Ông Hưởng hi vọng trong thời gian sắp tới, cùng với sự hỗ trợ của các phần mềm, website hướng tới cộng đồng người khiếm thị như tamhonvietnam.net và phần mềm JAWS “Việt hoá”, câu chuyện ứng dụng sẽ được cải thiện.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 13 ra ngày 29/1/2010