- “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt”, Thủ tướng Chính phủ  nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội thảo – Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 5/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Các quốc gia trên thế giới đều có những đối sách khác nhau nhằm tận dụng được xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như Chương trình “Công nghiệp 4.0” của Cộng hòa Liên bang Đức; Chương trình “Hợp tác Sản xuất Tiên tiến” của Mỹ với sáng kiến “Cộng đồng Công nghiệp Internet”;... Hầu hết các nước phát triển và đang phát triển ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều đã đưa ra những chiến lược phát triển kinh tế số, thúc đẩy công nghiệp thông minh.

“Nhiều tập đoàn như Alibaba, Facebook, Amazon… đã trở thành những người khổng lồ trong thương mại điện tử, mạng xã hội và có tác động lan tỏa, kết nối mạnh mẽ trong nền kinh tế toàn cầu”, Thủ tướng đánh giá.

{keywords}

Trước xu hướng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều giải pháp quan trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tập trung xây dựng, phát triển nền kinh tế số và công nghiệp thông minh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời nêu rõ một số nội dung trọng tâm như tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cho phát triển nền kinh tế số, công nghiệp thông minh. Xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia.

{keywords}
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, chúng ta không thể bỏ lỡ và cần chủ động nắm bắt. Phải hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, phát huy mọi lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển. Phải có thái độ ứng xử cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm những mô thức mới. Phải tạo dựng môi trường thể chế, chính sách, pháp luật thông thoáng, sẵn sàng thích ứng và kiến tạo, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển”, Thủ tướng cho biết.

“Việt Nam đang ở đâu?”, Thủ tướng đặt vấn đề và mong muốn các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng của nền kinh tế Việt Nam trên phương diện ứng dụng công nghệ mới, phát triển công nghiệp thông minh, nhất là những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức…

“Chúng ta hãy cùng nỗ lực, biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể; chuyển hóa được công nghệ và ý tưởng sáng tạo thành giá trị gia tăng, giải quyết được vấn đề của thực tiễn đặt ra, tạo được việc làm và sản phẩm, dịch vụ mới. Tập trung nắm bắt xu hướng công nghệ mới, trang bị đủ năng lực, sẵn sàng tiếp nhận các mô hình kinh doanh mới, dũng cảm từ bỏ, cải cách mô hình cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng”, Thủ tướng nêu rõ.

{keywords}

Dẫn ngạn ngữ Nga có câu "Ngày đi, tháng chạy, năm bay. Thời gian nước chảy, chẳng quay được về", ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 3.0 trước đây, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện chiến tranh, Việt Nam đã không thể bắt nhịp ngay từ đầu, vì vậy, đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội vàng, phải kiên trì vượt qua các thách thức để phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Tuy vậy, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, nếu chỉ quá kỳ vọng mà không phân tích kỹ lưỡng thời cơ và thách thức sẽ rất nguy hiểm và phải trả giá đắt.

Người Nhật Bản có câu "Một hành trình dài luôn bắt đầu từ một hành trình ngắn", nên theo ông Nguyễn Văn Bình, trong điều kiện trình độ phát triển tại nhiều vùng miền còn khác nhau, nhiều nơi còn đang áp dụng cách mạng công nghiệp 3.0, thậm chí 2.0, 1.0, đòi hỏi chiến lược riêng về công nghiệp 4.0 của Việt Nam cần phải được thiết kế có những lộ trình cụ thể, với bước đi phù hợp, có các chính sách cụ thể, rõ ràng và khả thi.

“Những ưu tiên quan trọng nhất là phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia, tạo thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số với động lực chính từ khu vực tư nhân, hình thành đồng bộ hạ tầng số quốc gia. Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo lại đối với các lao động, sớm xây dựng và có các cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi hiệu quả chiến lược phát triển nhân lực công nghiệp đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Nguyễn Văn Bình nói.

Lương Bằng