Theo bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, thị trường Việt Nam đang rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp Đan Mạch, có thể nói xu hướng đầu tư từ Đan Mạch vào Việt Nam đang rất tích cực.
Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực: nội thất, nông ngư nghiệp, thực phẩm… Nhiều doanh nghiệp mới vào Việt Nam như như chuỗi bán lẻ đồ nội thất Jysk, hay nhà sản xuất phong điện Vesta, bên cạnh những doanh nghiệp đã hoạt động lâu đời tại đây như Carlsberg hay Maersk đã hoạt động trong nhiều năm.
Nhiều doanh nghiệp Đan Mạch đang bước chân vào thị trường Việt Nam và đánh giá cao tiềm năng của thị trường này. Theo bà Charlotte Laursen, xu hướng đầu tư từ Đan Mạch vào Việt Nam đang rất tích cực.
Gần đây nhất, là việc Carlsberg có ý định mua lại cổ phần Công ty bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco). Theo bà Charlotte Laursen, nếu như thỏa thuận được hiện thực hóa, chắc chắn sẽ là một bước vững chắc củng cố sợi dây bền chặt giữa hai quốc gia, vốn đã được tạo lập trên nền tảng tôn trọng, tin tưởng và hợp tác mạnh mẽ trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện.
Hay như quỹ Tuborg lần đầu tiên mở rộng phạm vi hỗ trợ ra ngoài biên giới Đan Mạch bằng việc tham gia một sự kiện mới đây tại Việt Nam. Quỹ này được biết tới như nhà mạnh thường quân của hàng loạt hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam. |
Trong khi đó, bà Charlotte Laursen cũng mong muốn thấy các dòng vốn nước ngoài đổ vào Đan Mạch. Nhìn vào quan hệ thương mại giữa hai nước, Đan Mạch nhập khẩu từ Việt Nam nhiều mặt hàng nông nghiệp, thực phẩm chế biến, và ngược lại xuất sang Việt Nam các sản phẩm tương tự. Dòng xuất nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp được lưu chuyển giữa hai nước. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm tới thị trường Đan Mạch.
Năm 2016 đánh dấu cột mốc 45 năm quan hệ ngoại giao Đan Mạch – Việt Nam. Đan Mạch là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1971 và là một trong những nước đóng góp ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam kể từ năm 1993.
ODA của Đan Mạch tại Việt Nam tập trung vào các dự án nước sạch, vệ sinh, nông nghiệp, môi trường, cải cách hành chính. Việt Nam cũng được xem như điển hình thành công của nguồn vốn ODA Đan Mạch trên toàn cầu. Quan hệ song phương giữa hai nước đã phát triển lên một tầm cao mới dựa trên nền tảng tin tưởng và sự tôn trọng lẫn nhau trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Toàn diện giữa hai nước.
Nhiều hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Điển hình là việc Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch tới thăm Việt Nam, và Bà Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã dẫn một phái đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang thăm và làm việc tại Đan Mạch cũng trong tháng 10.
Nam Hải