- Chuyện thật 100%, hơn 100 tỉ đồng đã và đang được rót vào trường quay Cổ Loa - Hà Nội, biến nơi đây thành trường quay lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam.


Chưa khai trương đã đắt hàng


Một số bối cảnh cho phim "Thái sư Trần Thủ Độ" được dựng tại Cổ Loa.


Trong khi rất nhiều hãng phim tư nhân phía Nam đã xây trường quay riêng từ lâu thì phía Bắc lâu nay vẫn rơi vào cảnh đói trường quay. Ai cũng biết vai trò của một phim trường đối với nền công nghiệp sản xuất phim ảnh, nhất là trong giai  đoạn "nhà làm làm phim, người người làm phim" như hiện nay.  Cả giới làm phim điện ảnh và truyền hình lúc nào cũng đứng ngồi không yên vì chuyện tìm bối cảnh. Ngay cả khi bỏ cả triệu bạc mỗi ngày ra thuê nhà dân làm bối cảnh vẫn nơm nớp lo sợ đủ thứ chuyện, chỉ sợ gia chủ đuổi đi bất cứ lúc nào.


Nhu cầu về một trường quay đã thực sự lên đến đỉnh điểm khi năm 2008, Hãng phim truyện I được giao thực hiện dự án phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ. Chính vì không có trường quay chuyên nghiệp nên cả đoàn đã phải kéo nhau sang Hoành Điếm, Trung Quốc thuê bối cảnh, chưa kể việc thực hiện nhiều bối cảnh ở nhiều nơi trong nước như Huế, Ninh Bình... Tận dụng diện tích có sẵn ở trường quay Cổ Loa, rất nhiều bối cảnh đã được dựng lên để phục vụ các cảnh quay. Tuy nhiên, vì chỉ phục vụ một dự án phim duy nhất là Thái sư Trần Thủ Độ nên bối cảnh cũng chỉ được dựng tạm với chất liệu dễ thay thế.


Nhiều bối cảnh chỉ được sử dụng cho một phim rồi bỏ.


Sau này rất nhiều bối cảnh của bộ phim tiền tỉ Thái sư Trần Thủ Độ đã được tận dụng cho một số cảnh quay của một dự án phim lịch sử truyền hình khác cũng do Hãng phim truyện I phối hợp sản xuất là Huyền sử Thiên đô. Song rất nhiều bối cảnh đã hư hỏng và không thể tái sử dụng cho các phim sau mặc dù phải mất cả tháng trời dựng lên với chi phí lên tới hơn 400 triệu đồng ở thời điểm năm 2008. Đại diện trường quay Cổ Loa cho hay họ chỉ đơn thuần cho các hãng phim mượn đất để dựng bối cảnh nên dù biết lãng phí nhưng họ cũng không làm gì được.


Thực hiện một dự án phim lịch sử trong điều kiện không có trường quay cực kỳ khó khăn và tốn kém. "Khi chúng ta chưa có một cái gì trong tay thì sự tốn kém là vô cùng. Hiện nay chúng ta đang rơi vào tình trạng không có cái để quay và không tiết giảm được chi phí. Nếu có những trường quay như Cổ Loa hay những bối cảnh vốn đã có sẵn thì chi phí khấu hao cho từng dự án sẽ rẻ đi rất nhiều. Việc có một trường quay là nhu cầu cực kỳ bức thiết trong tương lai gần. Nó sẽ giúp nhà sản xuất chủ động lịch sản xuất phim, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo được chất lượng nghệ thuật của bộ phim", nhà sản xuất Nguyễn Hữu Trọng nói.



Tường thành được xây dựng để sử dụng cho các cảnh quay ngoại.


Cổ Loa thực ra không phải là trường quay mới bởi nó từng được chuyên gia các nước Nga, Đức và sau đó là Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng theo quy chuẩn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà trường quay này cả một thời gian dài bị bỏ quên cho đến khi nhận được quyết định khôi phục trở lại cách đây vài năm với số tiền đầu tư lên tới 108 tỉ đồng (tương đương 5 triệu đô la Mỹ).

Sau gần 3 năm tiến hành cải tạo giai đoạn I, hiện tại Cổ Loa đã có hình hài của một trường quay hiện đại. Riêng trường quay nội đã được khôi phục  từ trường quay cũ do chuyên gia Nga xây dựng. Trường quay vừa lắp đặt hệ thống ánh sáng và thiết bị trường quay điều khiển bằng máy tính vô cùng hiện đại với sự trợ giúp của các chuyên gia Đức. Được biết riêng chi phí cho thiết bị của trường quay nội này cũng đã lên đến 1,5 triệu đô la.



Dàn đèn hiện đại của Đức mới được lắp đặt trong trường quay nội.


Ngoài trường quay nội có diện tích 400m2, toà nhà mới được xây mới còn có khu phụ trợ với các phòng hoá trang, phòng phục trang và phòng nghỉ ngơi cho diễn viên...  với tổng diện tích khoảng 300m2. Khi trường quay đã hoạt động ổn định, một quán cafe ngoài trời sẽ được mở trên nóc toà nhà này để phục vụ các đoàn làm phim. Trên diện tích 12,2 ha, ngoài trường quay nội, Cổ Loa còn có trường quay phim dưới nước, trường quay ngoại cảnh (Thành cổ, phố cổ Hà Nội), phòng thu âm... và sắp tới là một cụm rạp chiếu phim riêng. Hiện tại khoảng 80 tỉ đồng đã được rót cho trường quay Cổ Loa. Các chuyên gia của Hàn Quốc cũng đang giúp phía Việt Nam quy hoạch và khai thác trường quay này trong giai đoạn 2. Trong thời gian đó, ngay trong năm 2011 này đã có hàng loạt dự án phim cả điện ảnh lẫn truyền hình sẽ được thực hiện tại đây.


Sau phim ảnh là du lịch

Rất nhiều trường quay trên thế giới đã trở thành những điểm du lịch nổi tiếng và kiếm bộn tiền từ khách du lịch trong và ngoài nước. Điển hình nhất là trường quay phim Hồng Lâu Mộng nằm giữa thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc mà rất nhiều khách du lịch Việt Nam đã được tới thăm quan. 



Trường quay Hồng Lâu Mộng tại Bắc Kinh.


Beijing Daguanyuan Garden được xây dựng làm trường quay cho bộ phim truyền hình nổi tiếng Hồng Lâu Mộng. Nằm trên diện tích 13ha, Beijing Daguanyuan Garden có phong cảnh tuyệt đẹp với những vọng lâu, hồ sen, vườn hoa với cảnh sắc kỳ thú. Hơn 2 thập niên qua,  trường quay Hồng Lâu mộng đã thu hút hàng chục triệu khách du lịch. Nhiều đôi khi đến đây đã không tiếc tiền thuê những bộ cánh của hai nhân vật Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc để chụp hình. Những món quà lưu niệm tại đây cũng bán rất chạy.

Nổi tiếng không kém là trường quay bộ phim truyền hình Nàng Dae Jang Geum của Hàn Quốc cách trung tâm Seoul khoảng một giờ lái xe. Khách vào thăm quan Dae Jang Geum theme park phải trả 5000 won (tương đương với 5 đô la hay 100.000 đồng). Không chỉ được thấy tận mắt những bối cảnh, trang phục, vật dụng... từng xuất hiện trên phim với hình ảnh các diễn viên chính xuất hiện mọi nơi, người xem còn được trải nghiệm cuộc sống ở một làng quê truyền thống hay một cung điện của thế kỷ 16. Tại Hàn Quốc, tỉnh Gyeonggi được coi là Hallyu-wood của nước này bởi đây là địa điểm quay của rất nhiều bộ phim truyền hình. Ước tính năm 2011, Gyeonggi thu hút 70 triệu khách du lịch mà trong số này là chủ yếu là khách nước ngoài, những người muốn cảm nhận Seoul cổ kính thực sự. 



Kinh doanh du lịch tại trường quay phim "Nàng Dae Jang Geum".


Giới làm phim Việt Nam thì ấn tượng hơn cả với trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc, nơi rất nhiều đoàn làm phim của VN đã sang thuê bối cảnh quay. Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Trọng từng có một thời gian dài đóng đô ở Hoành Điếm để chuẩn bị dự án phim Thái sư Trần Thủ Độ đã rất kinh ngạc vì cách làm việc chuyên việc cũng như khả năng kinh doanh của những người phục vụ trong trường quay Hoành Điếm. Nếu như ở VN, cần huy động vài trăm người cho một cảnh quay trong khoảng thời gian ngắn là chuyện không dễ thì tại đây, chỉ cần thông báo và tối hôm trước, sáng hôm sau nhà làm phim đã có trong tay cả ngàn diễn viên quần chúng. Tất cả những người tham gia để phải ký vào một bản hợp đồng chặt chẽ và người thuê chỉ cần làm việc với các trưởng nhóm. Tại đây người ta có thể tìm được bất cứ bối cảnh nào, thuộc thời đại này. Đạo cụ cho phim dù là "hiểm" đến đâu cũng được đáp ứng nhưng bù lại, họ lại rất biết "chặt chém" các đoàn làm phim.

Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, Cổ Loa không chỉ là địa điểm lý tưởng cho các đoàn làm phim mà hứa hẹn sẽ trở thành một điểm du lịch hút khách trong tương lai. Nhà quay phim Nguyễn Văn Nhiêm, giám đốc trường quay Cổ Loa cũng không giấu tham vọng biến đây thành trung tâm du lịch của khu vực phía bắc sông Hồng. Dù chưa được nhiều người biết đến nhưng mùa cưới vừa qua rất nhiều cặp đôi đã tới xin chụp ảnh cưới tại các bối cảnh phim lịch sử tại đây. Hiện tại họ được miễn phí thuê bối cảnh nhưng trong tương lai sẽ không có chuyện đó. Sự ra đời của một trường quay không chỉ làm giải toả cơn khát bối cảnh của các đoàn làm phim mà còn đáp ứng một phần nhu cầu giải trí của người dân khi Cổ Loa chính thức đưa vào khai thác các hạng mục, trong đó có việc kinh doanh du lịch.



Các nước Hàn Quốc và Trung Quốc rất biết cách kinh doanh từ phim ảnh.


Mô hình của Cổ Loa là sự hoà trộn của nhiều loại trường quay trên thế giới, tức là vừa có những công trình kiên cố kết hợp quay phim và du lịch, vừa có những nội cảnh dùng cho vài bộ phim rồi giữ lại những bối cảnh hấp dẫn nhất để khai thác du lịch. Mục tiêu của trường quay Cổ Loa trong giai đoạn II của dự án (từ 2012-2015) sẽ xây dựng những bối cảnh kiên cố để phục vụ các đoàn làm phim lâu dài và sau đó là khai thác du lịch.


Hạnh Phương - Nguyễn Hoàng