Được khởi công xây dựng vào tháng 6/2022, Mammoth là nhà máy thu và lưu trữ không khí trực tiếp (DAC+S), do Công ty Climeworks của Thụy Sĩ vận hành. Đây là nhà máy thu khí trực tiếp thương mại thứ hai của Climeworks, có công suất gấp hơn 10 lần so với Orca, nhà máy hoạt động vào năm 2021. Toàn bộ hoạt động sẽ được cung cấp năng lượng địa nhiệt sạch và dồi dào của Iceland.

Theo thiết kế, các module với không gian dành cho 72 hộp thu gom, bộ phận chân không của máy thu giữ carbon từ không khí có thể xếp chồng lên nhau và di chuyển xung quanh dễ dàng. 

Nhà máy có công suất tối đa hút 36.000 tấn carbon từ khí quyển mỗi năm, tương đương với việc loại bỏ khoảng 7.800 ô tô chạy bằng xăng trong một năm.

nha may 1.jpg
Nhà máy có hệ thống khổng lồ hút CO2.

Việc thu giữ carbon được thực hiện tại điểm phát thải, trước khi chúng có thể đi vào khí quyển. Sau đó, carbon được bơm sâu xuống lòng đất, tái sử dụng hoặc chuyển hóa thành các sản phẩm rắn. 

Climeworks đã hợp tác với Công ty Carbfix để phát triển công nghệ DAC+S. Năm 2016, Carbfix tạo ra đột phá quan trọng với công nghệ khoáng hóa CO2 trong chưa đầy 2 năm, thay vì hàng trăm hoặc hàng nghìn năm như thông thường.

Tại Mammoth, Carbfix trộn CO2 với nước và bơm nó vào độ sâu 1.000m. CO2 phản ứng tự nhiên với đá bazan, biến thành đá.

Carbfix cho biết quá trình khoáng hóa này mất khoảng hai năm. 

Climeworks không tiết lộ chi phí để loại bỏ và lưu trữ CO2. Ông Jan Wurzbacher, đồng sáng lập và đồng giám đốc điều hành của Climeworks, cho hay, mục tiêu chi phí là đạt mức 300 đến 350 USD/tấn vào năm 2030 trước khi đạt 100 USD/tấn vào khoảng năm 2050.

nha may 3.jpg
12 trong số 72 thùng chứa CO2 của nhà máy đã hoạt động.

Bất kỳ tổ chức nào cũng có thể trả tiền cho Climeworks để loại bỏ CO2 nhằm cân bằng lượng khí thải của họ.

Theo lãnh đạo Climeworks, Mammoth chỉ là giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch mở rộng quy mô loại bỏ carbon lên tới 1 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030 và 1 tỷ tấn vào năm 2050.

Stuart Haszeldine, Giáo sư về thu hồi và lưu trữ carbon tại Đại học Edinburgh, cho rằng nhà máy mới là một bước quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong tương lai, nhà máy sẽ tăng kích thước của thiết bị để thu giữ carbon dioxide. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một phần rất nhỏ.

Hiện thế giới thải hơn 30 tỷ tấn CO2 vào khí quyển mỗi năm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tất cả thiết bị loại bỏ carbon trên thế giới chỉ có khả năng loại bỏ khoảng 0,01 triệu tấn carbon mỗi năm, thấp hơn nhiều so với mục tiêu về khí hậu toàn cầu.

nha may 2.jpg
Nhà máy hút CO2 trực tiếp từ khí quyển lớn nhất thế giới.

Climeworks sẽ cần nhiều nhà máy như Mammoth và Orca để giải quyết vấn đề ô nhiễm.

Tổ chức bảo tồn biển OceanCare cho rằng, nếu sử dụng nước biển như công ty Carbfix đang thử nghiệm, việc này có thể có tác động tiêu cực đến môi trường sống ở đại dương.

Bên cạnh đó, những người không đồng tình cũng chỉ ra chi phí rất lớn. OceanCare cho hay nhà máy Orca của Climeworks cô lập CO2 với chi phí hơn 1.000 USD (929 euro) mỗi tấn.

Triển vọng của Climeworks thúc đẩy các doanh nghiệp dầu mỏ lâu đời như Occidental Petroleum (Mỹ) phát triển các chiến lược thu giữ carbon trực tiếp từ khí quyển. Nhiều công ty khởi nghiệp từ Australia tới London cũng phát triển công nghệ nhằm giảm lượng CO2 trong khí quyển.

Trong khi đó, các công ty công nghệ Microsoft, Stripe và Shopify đã đồng ý trả trước cho Climeworks để mua tín chỉ carbon chất lượng nhằm bù đắp cho lượng khí thải carbon trong tương lai của họ. 

(Theo Euronews, CNN)