“Cho mượn xe” là chủ đề vô tận, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả trong thời gian qua.
Dưới đây là tình huống khó xử của anh Nguyễn Thành Vinh (38 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa chia sẻ với VietNamNet và mong muốn nhận được lời khuyên từ bạn đọc.
Vợ chồng tôi làm kinh doanh, quanh năm khá bận rộn nên dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi quyết định đưa cả gia đình đi du lịch Phú Quốc. Kỳ nghỉ dài ngày là dịp tốt vừa để nạp lại năng lượng, vừa có thêm trải nghiệm thú vị ngày Tết ở phương xa.
Kế hoạch này được ông bà hai bên nhiệt tình ủng hộ, còn các con tôi thì háo hức vì cả năm qua chưa được đi chơi xa lần nào. Việc đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, sắp xếp lộ trình,… đã được bà xã tôi chuẩn bị xong.
"Cho mượn xe" là vấn đề muôn thuở với nhiều câu chuyện bi hài phía sau. |
Cách đây 3 hôm, trong một cuộc nhậu với các “chiến hữu”, tôi đã chia sẻ việc năm nay sẽ không ăn Tết ở Hà Nội, cả gia đình sẽ đi Phú Quốc khoảng 5-6 ngày.
Thấy vậy, một trong những người bạn đã không ngần ngại hỏi mượn ô tô của tôi để đi Tết vì cậu này chưa có xe, quê hai vợ chồng đều quê xa, lại có 2 con nhỏ.
Nghĩ rằng cả gia đình đi du lịch đến gần 1 tuần liền, ô tô để một chỗ không đi đến trong khi bạn lại đang cần, cộng thêm có chút "húng" trên bàn nhậu nên tôi đã đồng ý luôn.
Các “chiến hữu” còn chốt với nhau thêm mấy chén để chứng kiến, đồng thời chúc mừng cậu bạn kia vì đã mượn được “xế hộp”, yên tâm đưa gia đình về quê ăn Tết.
Thế nhưng, khi về nhà nói chuyện này với vợ tôi thì cô ấy lại “nhảy dựng” lên, tỏ vẻ không đồng ý. Vợ tôi cho rằng, chiếc xe là tài sản lớn, đâu có thể dễ dàng cho mượn cả tuần trời được, nhất là dịp Tết.
Tuy gia đình không dùng đến xe trong mấy ngày đi du lịch nhưng trước và sau khi đi về thì vẫn phải cần xe để sắm đồ, rồi đi chúc Tết, thăm thân nữa. Chẳng nhẽ lúc đấy cả nhà lại bắt taxi?
Vợ tôi còn phân tích là trong ngày Tết rất đông xe, anh bạn tôi ít cầm lái, lại chưa quen xe, chở vợ con đi đường dài hết quê này đến quê khác sẽ không an toàn.
Cộng thêm tập quán ở nông thôn những ngày Tết rất hay uống rượu,… nhỡ lái xe xảy ra vấn đề gì thì lại ân hận. Hoặc nếu có va vấp, xước sát thì thì ngay đầu năm mới ai lại nỡ bắt đền,…
Cuối cùng, vợ tôi chốt một câu xanh rờn: “Không cho mượn!”
Chiếc xe vừa là phương tiện, vừa là tài sản với nhiều gia đình. |
Lúc đầu, tôi nghĩ bà xã đã quá hẹp hòi, chiếc xe chỉ là phương tiện, mình ít đi đến thì cho bạn mượn, coi như giúp bạn những lúc khó khăn. Nhưng sau khi nghĩ kỹ lại thì tôi thấy cô ấy nói cũng nhiều chỗ đúng, tuy rằng hơi… phũ.
Gia đình tôi đang sử dụng chiếc Honda CR-V đời 2012, đây là chiếc xe tôi mua lại của một người quen cách đây 3 năm. Tuy không quá “xịn sò” nhưng nó là tài sản có được nhờ vào sự nỗ lực, tiết kiệm của cả hai vợ chồng. Do đó, có thể hiểu được tâm lý “của đau con xót” của cô ấy.
Đến hôm nay, tôi vẫn đang rất phân vân không biết có nên cho bạn mượn xe đi Tết như đã hứa hay nghe theo vợ và tìm cách từ chối khéo.
Nếu vẫn cho bạn mượn, bà xã chắc chắn sẽ không ngừng “lèo nhèo”, đồng thời bản thân tôi cũng cảm thấy bất an. Còn nếu từ chối, tôi sẽ phải nói sao đây để cậu bạn kia hiểu và thông cảm, lại đỡ bị mang tiếng “ki bo”.
Mong nhận được lời khuyên từ mọi người!
Độc giả Nguyễn Thành Vinh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Bạn có lời khuyên gì trong tình huống trên? Hãy để lại bình luận hoặc gửi bài viết về Ban Ô tô Xe máy - báo VietNamNet qua địa chỉ: otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Cho mượn xe - "ngàn lẻ một" câu chuyện nóng nhất năm qua
Ô tô là tài sản sau nhiều năm làm việc, tích cóp mới có được. Nhiều người yêu quý, nâng niu chiếc xe như “vợ hai”, thế nên ai đấy mượn, tuy trong lòng không muốn nhưng vẫn phải “cắn răng” đưa chìa khoá vì ngại.