Đủ công nghệ, ngăn ngừa bách bệnh?
Tại một cửa hàng chuyên bán máy lọc nước trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM), nhân viên giới thiệu với chúng tôi nhiều sản phẩm máy lọc nước. Các sản phẩm này có điểm chung là sử dụng một trong hai công nghệ điện phân nước RO và Nano.
Nếu có nhu cầu sử dụng máy lọc nước, người tiêu dùng hãy chọn dòng máy bình thường theo nhu cầu, tình hình tài chính gia đình |
Trong đó, công nghệ RO sử dụng một loại màng lọc siêu mỏng, có cấu tạo đặc biệt gồm các lỗ siêu nhỏ (chỉ bằng một phần ngàn sợi tóc) nên có khả năng loại bỏ tạp chất kích thước 0,0001 micron, tức nhỏ hơn đường kính sợi tóc đến 500.000 lần. Nhờ vậy, dòng máy này có thể chặn 99,99% các chất ô nhiễm trong nước như kim loại nặng, vi khuẩn, thuốc trừ sâu và chỉ cho phân tử nước đi qua. Các chất bẩn, vi khuẩn, kim loại nặng không chui qua được nên ra ngoài theo đường nước thải.
“Còn máy lọc nước công nghệ Nano sử dụng lõi lọc màng Nano có kích thước khe hở lớn hơn so với màng RO nên ngoài khả năng lọc nước sạch còn có thể giữ lại khoáng chất cho cơ thể”, nhân viên tại đây nói.
Tại một cửa hàng khác trên đường Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM), một nhân viên cho rằng các loại máy lọc nước RO, Nano là thế hệ cũ. Loại máy “đỉnh của đỉnh” hiện nay là dòng máy lọc nước có công nghệ tạo ra ion kiềm giàu hydrogen. Có nhiều thương hiệu nổi tiếng sản xuất loại máy lọc nước công nghệ mới này như Panasonic, Fuji Smart, Fujiiryoki, Kangen LeveLuk, Impart Excel, Trim ion Hyper, Mitsubishi… với giá dao động từ 25-139 triệu đồng/sản phẩm.
Theo lời của nhân viên này, nước ion kiềm được sản xuất bởi công nghệ điện giải (còn gọi là điện phân) để tách nước thành ion H+ và OH-, có tính kiềm, giàu vi khoáng chất và chống ô-xy hóa. Nếu uống nước ion kiềm thường xuyên sẽ tránh được các bệnh ung thư, viêm đại tràng, tiểu đường, đau dạ dày, gout, cao huyết áp… Đồng thời, dùng nước này nấu ăn sẽ giúp món ăn ngon hơn, dùng rửa rau sẽ làm sạch các hóa chất độc hại bám trên bề mặt rau, dùng uống thực phẩm chức năng sẽ làm tăng hiệu quả…
Tại các siêu thị điện máy khác như Điện máy Chợ Lớn, Thiên Hòa, Điện Máy Xanh… cũng bán các sản phẩm máy lọc nước ion kiềm của các thương hiệu như Kangaroo với giá khá rẻ, dao động từ 8,9-9,5 triệu đồng/sản phẩm.
I4 UItrapure với thương hiệu Ecosphere Nuskin là một trong những công nghệ máy lọc nước mới nổi gần đây. Hiện dòng sản phẩm này được quảng cáo khá rầm rộ trên Facebook, “chợ” thương mại điện tử với những cụm từ thu hút người tiêu dùng như “lọc độc tố trong nước”, “lọc độc tố ngăn ngừa ung thư”. Theo lời quảng cáo, nhờ bốn bước lọc (lớp tiền lọc Polypropylene xếp gấp, khối carbon hoạt tính nén, màng lọc polyether sulfone, đèn UV cathode lạnh) nên có khả năng lọc đến 99,9999% những chất độc hại, chất hóa học, chlorine, chì cùng những tạp chất nhiễm khuẩn, vi-rút, ấu trùng… Cùng một sản phẩm nhưng giá bán mỗi nơi chênh nhau khá nhiều. Như tại Tiki, giá sản phẩm chỉ 10,3 triệu đồng nhưng tại trang Shopee, giá đến 14 triệu đồng còn tại trang sanphamnuskin.net, sản phẩm có giá chỉ 8,5 triệu đồng...
Các công nghệ chỉ là “bình mới rượu cũ”
Nói về các công nghệ lọc nước mới, nhất là công nghệ tạo ra các ion kiềm, tiến sĩ Hoàng Minh Nam - Khoa Hóa, Đại học Bách khoa TPHCM - cho biết thực tế vẫn có những công nghệ lọc như trên nhưng còn tùy nhà sản xuất sử dụng thiết bị gì, cấu tạo ra sao bởi không phải máy nào cũng có khả năng tạo ion kiềm. Hơn nữa, dù có khả năng lọc sạch vi khuẩn, bụi bẩn trong nước nhưng chắc chắn không thể có máy nào lọc được đến 99,99% như quảng cáo.
Với những máy quy mô gia đình, khả năng trên càng thấp. Riêng về khả năng lọc kim loại nặng đòi hỏi phải có những máy, thiết bị lớn. Những lõi lọc nhỏ trong các máy lọc nước chủ yếu có chức năng lọc cặn bẩn, lọc mùi, lọc màu. Thông thường, những máy lọc kim loại nặng có rất ít trên thị trường. “Để lọc được kim loại nặng phải có những cục trao đổi ion với giá thành cao. Trong khi đó, không phải máy nào cũng gắn cục trao đổi ion này trong bộ lọc” - tiến sĩ Hoàng Minh Nam nói.
Còn theo tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy - Khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa TP.HCM - cái được gọi là công nghệ tạo ra nước ion kiềm giàu hydrogen thực chất chỉ là “bình mới rượu cũ”, không phải là công nghệ hiện đại. Đây chỉ là công nghệ điện phân nước để sinh ra hydro nguyên tử. Công nghệ này đã có từ rất lâu, với việc cho nước đi qua các lõi lọc và màng RO để đảm bảo độ sạch của nước trước khi điện phân.
Ngoài ra, do bản thân hydro có tính kiềm nên nhiều người gắn vào cụm từ “nước ion kiềm”, “máy lọc nước ion kiềm” hoặc “nước điện giải” để thấy rằng đó là công nghệ hiện đại, mới. Nếu tính kiềm mạnh sẽ sinh ra ion hydro H-, một chất khử mạnh, nên cũng có thể khử được một số kim loại nhưng không phải tất cả kim loại.
“Thế nhưng không cách nào chứng minh hydro được sinh ra trong các máy lọc nước có tính kiềm bao nhiêu. Do đó, muốn biết loại nước đã lọc này có tăng cường sức khỏe, loại bỏ hết chất độc hại hay không... cần phải kiểm tra kỹ” - tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy nói.
Theo hai chuyên gia trên, nếu có nhu cầu sử dụng máy lọc nước, người tiêu dùng cứ chọn máy lọc nước có màng lọc RO bình thường bởi công nghệ điện phân qua màng lọc RO đã được chứng nhận, hiện đang được Bộ Y tế cho phép các công ty dược dùng xử lý nước làm dịch truyền, phục vụ sản xuất thuốc. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, đừng nghe theo quảng cáo mà sắm máy lọc nước vượt quá khả năng tài chính của gia đình trong khi công năng sản phẩm có thể không tương xứng với số tiền bỏ ra.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)