Theo báo cáo tài chính quý II của Tổng công ty Sông Đà - CTCP (SJG), doanh thu của tổng công ty đạt 1.559,9 tỷ đồng, giảm 5,6%. Đặc biệt, xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi trong quý này, SJG ghi nhận lỗ 1.838,68 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 38,12 tỷ đồng.
Trong báo cáo SJG nếu rõ, do chi phí quản lý tăng đột biến, chủ yếu nợ phải thu khó đòi 1.536,6 tỷ đồng, con số này so với cùng kỳ là 8,3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, SJG ghi nhận doanh thu đạt 2.443,2 tỷ đồng, giảm 16,8%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.086,4 tỷ đồng, gấp 10,24 lần so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm của SJG ghi nhận giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà Sudico (SJS) từ 36,65% về còn 0% sau khi đấu giá thành công toàn bộ 41,7 triệu cổ phiếu SJS.
Cụ thể, ngày 19/4, SJG đã bán thành công với mỗi cổ phiếu đạt 102.000 đồng, tăng 100 đồng so với giá khởi điểm SJG đưa ra. Sau khi hoàn tất, SJG thu về tương đương 4.258 tỷ đồng, cao hơn 3.386 tỷ đồng so với thời điểm mua vào. Số tiền này so với doanh thu tài chính của SJG gần như tương đương.
Nhà đầu tư đã chi mạnh tay hơn 4.000 tỷ đồng mua trọn 41,7 triệu cổ phiếu SJS là CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát, được Sông Đà Sudico ghi nhận là cổ đông lớn trong bản báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm. Báo cáo ghi rõ, SJG thoái vốn nhà nước, còn công ty An Phát nhận chuyển nhượng theo phương thức đấu giá. Tỷ lệ sở hữu của An Phát tương đương với tỷ lệ SJG thoái vốn.
Kết thúc quý II, tổng tài sản của SJG đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với đầu năm, trong đó tài sản cố định chiếm 33,5% đạt 8.576,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối nợ phải trả chiếm hơn 17 nghìn tỷ đồng, nợ ngắn hạn hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Năm 2022, SJG đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 6.830 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 418 tỷ đồng. Với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 1.304,3 tỷ đồng, SJG đạt đạt hơn 300% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2022.
Dư địa tăng
Theo CTCK SSI, thị trường chứng khoán tiếp tục xây nền tích lũy trên mốc tâm lý 1.250 điểm, chỉ số Vn-Index duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian trước khi đóng cửa tại 1.256,7 điểm (+0,3%). Khối lượng giao dịch đạt 600 triệu cổ phiếu, cải thiện so với phiên liền trước cũng như vượt lên mức bình quân 20 phiên. Sau khi hoàn tất nền tích lũy, nhiều khả năng chỉ số Vn-Index sẽ hướng về các vùng mục tiêu tiếp theo quanh vùng khoảng trống giảm giá (Gap-down) 1.261-1.285 điểm.
Theo CTCK Rồng Việt, dòng tiền vẫn đang tích cực tham gia và tìm kiếm cơ hội, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm vốn hóa lớn tạm thời vẫn ở thế giằng co và chưa lôi cuốn dòng tiền nhưng nhìn chung diễn biến của nhóm này vẫn đang ổn định.
Dự kiến thị trường vẫn theo hướng dẫn tăng điểm trong thời gian tới sau tín hiệu tích cực của tuần đầu tháng 8, với vùng cản cần lưu ý là vùng biên trên của Gap giảm trong phiên 13/6, tương ứng vùng quanh 1.285 điểm.