Sàn Nasdaq giảm 3,8% trong tuần này, đánh dấu tuần thứ 7 liên tiếp. Đây là chuỗi giảm giá dài nhất đối với chỉ số gắn liền với các doanh nghiệp công nghệ trong vòng 21 năm.

(Ảnh: Reuters)

Lạm phát, lãi suất tăng, cuộc chiến tại Ukraine và phong tỏa Covid-19 tại Trung Quốc đã tạo nên một thị trường “thảm hại” và đặc biệt căng thẳng đối với các nhà đầu tư công nghệ cũng như cổ phiếu tăng trưởng nói riêng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) báo hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát, dẫn đến lo ngại chi phí vốn cao hơn sẽ kết hợp với niềm tin người dùng suy giảm làm bào mòn biên lợi nhuận.

Từ khi đạt đỉnh ngày 19/11/2021, Nasdaq đã giảm hơn 29%, đóng cửa ngày 20/5 ở 11.354,62 điểm. Chỉ số S&P 500 dù chưa thiệt hại nặng như vậy song cũng đã chạm vào biên giới “thị trường gấu” vào cùng ngày, đồng nghĩa với mức giảm 20% từ đỉnh.

Cisco nằm trong số các công ty công nghệ tổn thất nặng nhất tuần khi giảm 13% sau khi gã khổng lồ này dự báo doanh thu giảm bất ngờ trong quý II. Từng được xem là chỉ báo của nền kinh tế xét tới sự phổ biến của nó trong các doanh nghiệp, Cisco cho biết dự phóng của họ dựa trên quyết định ngừng hoạt động tại Nga và Belarus, cộng với gián đoạn nguồn cung do phong tỏa Covid-19 tại Trung Quốc và bất ổn về thời điểm mọi thứ sẽ cải thiện.

“Với sự bất định này, chúng tôi đang thực tế về môi trường hiện tại và thận trọng với triển vọng của chúng tôi theo từng quý một”.

Cổ phiếu của Dell, công ty công bố kết quả kinh doanh ngày 19/5, giảm hơn 11% trong tuần. Shopify, hãng chuyên bán phần mềm cho nhà bán lẻ, giảm gần 10%. Công ty phần mềm đám mây Workday giảm khoảng 9%, còn nhà sản xuất phần mềm bảo mật Okta giảm 14%.

Cổ phiếu gắn với tỷ phú Elon Musk cũng không thoát khỏi cảnh giảm giá. Twitter, mạng xã hội đang trong quá trình bán mình cho ông Musk, giảm 6% xuống 38,29 USD. Cổ phiếu Tesla giảm 14%.

Trong số các Big Tech, Apple giảm 6,5%, giảm tuần thứ 8 liên tiếp. Alphabet giảm 6% và Amazon giảm 5%.

Du Lam (Theo CNBC)