Nguyên nhân khiến động cơ ô tô nóng khi đang di chuyển
Theo tin tức trên trang otosaigon, có rất nhiều nguyên nhân khiến động cơ ô tô bị nóng. Đối với động cơ xăng, thời điểm đánh lửa và tỉ lệ hỗn hợp khí đóng vai trò quyết định đến công suất của động cơ. Hệ thống nhiên liệu của động cơ xăng có chức năng điều chỉnh tỷ lệ xăng – không khí để có được khí hỗn hợp tối ưu cho mọi chế độ làm việc khác nhau của động cơ.
Thông thường để đốt cháy hoàn toàn 1 gam xăng cần 15 gam không khí, ta có tỷ lệ 1/15. Khí hỗn hợp với tỷ lệ 1/13 gọi là đậm xăng và 1/17 là nghèo xăng. Vì vậy để động cơ hoạt động tối ưu thì thời điểm đánh lửa và tỉ lệ hỗn hợp khí phải được điều chỉnh đúng theo yêu cầu kĩ thuật của nhà sản xuất. Ngoại trừ dòng xe phun xăng điện tử EFI tỷ lệ xăng với không khí luôn được điều chỉnh theo tỷ lệ tối ưu tuỳ theo điều kiện vận hành.
Động cơ ô tô nóng khi đang trên đường rất nguy hiểm nếu không xử lý kịp. |
Với xe sử dụng bộ chế hòa khí thì do điều chỉnh không đúng yêu cầu kĩ thuật các chế độ hoạt động của xe như: chế độ không tải, chế độ tăng tốc,… nên hỗn hợp quá đậm hoặc quá nhạt làm tổn hao công suất động cơ gây hiện tượng nóng máy.
Với xe sử dụng hệ thống phun xăng điện tử thì có thể do tắc vòi phun, hỏng bộ điều áp, hư hỏng bộ cảm biến, các đầu nối ống xăng bị hở làm cho lượng xăng phun ra không yêu cầu về lưu lượng và áp suất phun gây nên hiện tượng nóng máy.
Với động cơ Diesel thì việc điều chỉnh bơm cao áp không đúng (về thời điểm phun và lưu lượng phun) cũng gây hiện tượng máy nóng, khói đen.
Dấu hiệu rõ nhất khi động cơ máy đang quá nhiệt chính là tăng tốc khó khăn, khí thải khác lạ có thể phụt lửa, vô lăng rung lắc...
Ngoài ra khi quan sát đồng hồ đo nhiệt, nếu kim nhiệt độ của đồng hồ báo nhiệt độ xe ô tô nằm ở vị trí vạch đỏ thì chắc chắn xe đang bị quá nhiệt. Bên cạnh đó, động cơ tỏa ra hơi nước cũng là dấu hiệu thông báo động cơ ô tô bị sôi nước. Vậy khi gặp trường hợp này, nhất là khi đang lái xe trên đường tài xế cần phải làm gì để hạn chế rủi ro?
Dừng xe vào lề đường sớm nhất có thể
Tin tức trên trang Danchoioto, xe ô tô bị nóng sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới xe ô tô, tuy nhiên người lái có thể an tâm rằng tính mạng của những người ngồi trên xe vẫn được đảm bảo an toàn. Nếu tình trạng này xảy ra quá lâu thì xe có thể bị hư hỏng nặng.
Mở nắp ca pô khi hơi nước không còn bốc ra
Két nước bị sôi khiến hơi nước bốc ra từ động cơ xe. Vì vậy người lái không nên mở nắp ca pô của xe khi vẫn thấy hơi nước, điều này sẽ khiến người lái bị bỏng tay. Sau khi hơi nước không còn tỏa ra, người lái có thể tắt máy xe và mở nắp ca pô. Tuy nhiên nếu nắp ca pô vẫn còn nóng, hãy đợi đến khi nó nguội hẳn rồi mở để tránh bị bỏng. Hơi nước tồn đọng trong xe sẽ được thoát ra ngoài nhờ thao tác này. Việc đợi nắp ca pô nguội có thể kéo dài tù 30 đến 45 phút nhưng nó sẽ giúp người lái an toàn.
Lưu ý, khi mở nắp ca pô, người lái tắt máy nhưng vẫn để chìa khóa ở chế độ “on”. Các bộ phận trong xe sẽ vấn được hoạt động để tiếp tục việc làm mát cho xe.
Kiểm tra ống tản nhiệt phía trên két nước
Người lái xác định tình trạng hệ thống tản nhiệt bằng cách bóp nhẹ ống tản nhiệt (bóp bằng tay). Nếu ống quá cứng và khó bóp thì người lái không nên mở nắp két nước vì áp suất trong ống đang rất cao và việc mở nắp két nước là rất nguy hiểm. Lưu ý, ống tản nhiệt có thể có nhiệt độ khá cao nên người lái cần sử dụng một mảnh vải sạch hoặc khăn để cầm vào ống. Hạn chế cầm trực tiếp bằng tay.
Vặn nắp két nước đúng cách
Để vặn nắp két nước một cách an toàn nhất, người lái hãy sử dụng một tấm vải dày để lót nắp két nước. Chất lỏng bên trong két sẽ nhanh chóng nguội khi két nước được mở nắp. Đối với những loại két nước không có ren, người lái cần ấn nó xuống sau khi nới lỏng ngay lập tức. Nắp két nước có thể được mở hẳn theo cách này.
Kiểm tra liệu động cơ có bị rò rỉ không
Rò rỉ nước ở hệ thống làm mát cũng là một trong những nguyên do khiến xe ô tô bị quá nhiệt. Việc rò rỉ này sẽ dẫn tới tình trạng nước làm mát quá ít hoặc đã cạn kiệt. Do đó, người lái cần kiểm tra phía bên dưới gầm xe để xem có bị rò rỉ nước làm mát hay không. Đặc trưng của nước làm mát là có mùi dễ chịu và có thể tìm thấy ở những vị trí như ống dưới gầm xe hoặc phần nắp của két nước. Đặc biệt là loại dung dịch này không khác nước thường quá nhiều và không đậm đặc như dầu. Với một số hãng nước làm mát, dung dịch này có thể có màu xanh lá, xanh lam, vàng, đỏ…
Bổ sung nước và dung dịch làm mát
Khi kiểm tra và xác nhận nước làm mát đã hết, người lái hãy cung cấp thêm nước làm mát cho xe. Nếu không chuẩn bị sẵn nước làm mát dự phòng, người lái có thể đổ trực tiếp nước sạch vào để thay thế.
Hãy khởi động xe để chắc chắn rằng kim chỉ nhiệt độ không còn nằm ở vạch đỏ nữa. Nếu kim chỉ nhiệt vẫn chưa thay đổi, hãy tắt máy và chờ đến khi kim nhiệt trở về bình thường.
Trường hợp nghiêm trọng gọi ngay xe cứu hộ
Nếu tình trạng quá nhiệt không giảm đi và ngày càng nghiêm trọng, người lái nên gọi cứu hộ. Nhiệt độ nước làm mát quá cao hoặc đầu máy quá nóng sẽ khiến động cơ gặp hư hại nghiêm trọng.
(Theo Viet Q)