Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an), cho biết thực trạng này là vấn đề nhức nhối.

Theo ông, vụ tai nạn giao thông làm 4 người chết và hàng chục người bị thương ở Long An là điển hình nguy hại của lái xe sử dụng ma túy. Thực tế kiểm tra xe container cho thấy đăng kiểm còn thời hạn, phanh xe rất tốt nhưng lái xe đã không phanh được.

“Ở trường hợp này, có thể lái xe có đạp phanh nhưng đạp trượt vì trên đường không có dấu vết phanh nào cả. Do dùng ma tuý nên lái xe không làm chủ được tình huống", ông Sơn nhận định.

{keywords}
Hiện trường vụ tai nạn ở Long An

Nhớ lại gần 10 năm trước, khi còn công tác tại Cục CSGT, Đại tá Trần Sơn cho hay có thời điểm kiểm tra hơn 12.000 lái xe ô tô tải ở Đắk Lắk thì có tới gần 50% dương tính với ma túy. Khảo sát cách đây 6 năm của ngành y tế giao thông cũng cho thấy vẫn còn gần 40% lái xe tải dương tính với ma túy.

Dẫn lại một phóng sự trên VTV, ông Sơn nói: Chính lái xe container ở Đồng Nai cho biết, hầu hết xe chạy xuyên đêm do ban ngày bị cấm đi qua đô thị, để có thể tỉnh táo, nhiều lái xe đã sử dụng chất kích thích, trong đó có ma túy. 

Trách nhiệm doanh nghiệp ở đâu?

Vụ trưởng An toàn giao thông (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thạch nhận định, hiện nay cơ quan nhà nước đưa ra quy định quản lý DN và lái xe khá chặt chẽ. Lái xe phải khám sức khoẻ định kỳ, không được cầm lái quá 10h/ngày và không quá 4h liên tục... Trách nhiệm của DN là lắp thiết bị giám sát hành trình để theo dõi, quản lý lái xe thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Thế nhưng qua những vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng vừa qua, có lỗi lớn từ việc quản lý lái xe của DN vận tải.

“Sau vụ tai nạn tại Long An, vấn đề đặt ra là lái xe container nghiện ma tuý DN có biết không? DN có kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho lái xe không?... Rõ ràng đây là lỗi của DN. Sau khi có kết quả điều tra sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm của lái xe và cả DN”, ông Thạch nói. 

Ông Trần Sơn thông tin thêm, hiện nay các DN vận tải chỉ nghĩ đến việc tuyển thời vụ tài xế có giấy phép lái xe hợp lệ, nhưng lại không quan tâm đến sức khoẻ tài xế như thế nào, có nghiện ma tuý hay không.

Hơn nữa, trong quá trình di chuyển trên đường việc kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng cũng có vấn đề nên không đảm bảo tính răn đe; ý thức chấp hành luật của lái xe kém do nhờn luật…

Lỗ hổng từ khám sức khoẻ

Theo quy định, DN phải tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho lái xe. Đơn vị y tế sẽ tiến hành khám sức khoẻ, trong đó có xét nghiệm ma túy. Trung tâm y tế cấp chứng nhận sức phải chịu trách nhiệm trước kết quả khám sức khỏe.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Đại tá Trần Sơn, công tác quản lý lái xe đang bị buông lỏng từ chính khâu khám sức khỏe. Những người thực thi vẫn tìm mọi cách lách luật.

Khi kiểm tra sức khoẻ cho lái xe, DN rầm rộ thông báo lái xe đến lấy mẫu nước tiểu, nhưng khi khám, lái xe nghiện ma tuý có thể tráo mẫu nước tiểu của người khác vào.

Theo ông Sơn, ma tuý chỉ tồn tại trong nước tiểu 3 ngày, sau thời gian này xét nghiệm rất khó phát hiện.

Từ thực tế trên, ông Sơn cho rằng, khi khám sức khoẻ cho lái xe phải khám đột xuất và lấy máu xét nghiệm thì mới chính xác vì chất kích thích ma tuý tồn dư trong máu tới 3 tháng trong khi nước tiểu chỉ 3 ngày.

Tai nạn 4 người chết ở Long An: 'Xe container quét người và xe như sóng thần'

Tai nạn 4 người chết ở Long An: 'Xe container quét người và xe như sóng thần'

 “Xe container chạy nhanh nhưng không bóp còi. Những người đang chờ đèn đỏ ở ngã tư chỉ kịp nhìn lại rồi hiện trường như cơn sóng thần mới quét qua".

Vũ Điệp