(VEF.VN) - Trong bối cảnh hiện tại, một cơ chế thị trường chưa hoàn hảo đang nhất thời tạo ưu thế lớn cho hệ thống tài chính, ngân hàng, vượt qua các ngành công nghiệp khác.
LTS: Sau những con số về mức lãi mà các ngân hàng công bố mới đây, đặc biệt là từ bài viết Ngân hàng lãi lớn hay 'ăn vào vốn"? của TS. Nguyễn Quang A, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - báo VietNamNet, nhận được ý kiến tranh luận của tác giả Cảnh Thái. Tác giả bài viết này lại cho rằng, các ngân hàng đang có lãi thực, và đó là nhờ những ưu thế mà một thị trường chưa hoàn hảo đem lại cho họ.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet xin giới thiệu bài viết với độc giả, mời các bạn tiếp tục tham gia tranh luận.
Tham khảo trên các website nước ngoài (1) về mức lợi nhuận bình quân của hệ thống ngân hàng thế giới, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (Return on equity - ROE) hay lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) trong tình hình hiện nay thấy rằng, mức lợi nhuận bình quân trên vốn chủ sở hữu của họ khoảng 5,4% tới 13,3% và đã giảm xuống mức 5,4% do tình hình kinh doanh khó khăn chung trên thế giới.
Trong khi đó, theo thống kê, ROE của các ngân hàng Việt Nam hiện đang ở mức trên 13%, thậm chí lên đến 20%.
Điểm qua một số ngân hàng có lãi cao trên ngàn tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2011, như các ngân hàng: Vietcombank lãi hơn 3.000 tỷ đồng, ROE đạt 14,5%; Vietinbank lãi 3.600 tỷ, đạt ROE 19,6%; Eximbank lãi 1.690 tỷ, đạt ROE 12,78% (2)! Còn các doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất trên 20%/năm, thuộc loại cao nhất thế giới, phải đối diện nguy cơ đã và đang cắt giảm hoạt động kinh doanh, thậm chí phá sản.
![]() |
Thực sự tương quan ROE của ngành ngân hàng trong nước (hơn 10-13%) so với bình quân thế giới (5,4%-13,3%) là rất cao |
Muốn biết tình hình chỉ tiêu ROE của ngân hàng nào, chúng ta dễ dàng tham khảo trang web của ngân hàng đó và xem bản cáo bạch của họ.
Ví dụ, chỉ tiêu của Sacombank là ROE đạt 14-16% (3), còn của ngân hàng Á Châu (ACB) trong các năm trước 2009 thì luôn đạt ROE hơn 36% (4) và ROA - lợi nhuận trên tổng tài sản - luôn trên mức 2%, trong khi trên thế giới thì các ngân hàng thường có ROA thấp hơn 1%.
Chúng ta nên nhớ là phần trăm trên tổng tài sản của ngân hàng là con số rất lớn, chẳng hạn ngân hàng có vốn chủ sở hữu là 10.000 tỷ đồng nhưng có tổng tài sản đang quản lý có thể lên tới trên 100.000 tỷ, bao gồm cả tiền của người dân gửi; nếu có lãi 3.000 tỷ đồng/năm thì đã có ROE là 30% và ROA là 3%, các con số rất tốt đối với ngân hàng.
Điều này phản ánh, thực sự tương quan ROE của ngành ngân hàng trong nước (hơn 10-13%) so với bình quân thế giới (5,4%-13,3%) là rất cao.
Ở góc độ khác, các ngân hàng trong nước bỗng nhiên sợ công bố lợi nhuận năm 2011 vì e ngại lời dị nghị từ các lĩnh vực ngành nghề khác bởi mức lãi cao của mình so với tình hình chung của xã hội, với mức lương bình quân, theo thông tin báo chí, của ngành ngân hàng lần đầu tiên vượt lên dẫn đầu mọi ngành nghề, hơn cả dầu khí và dược phẩm, và lại liên tục ở trong nhóm đầu trong những năm qua.
Điều này được giải thích là do mức chênh lệch giữa đầu vào, lãi suất huy động, và đầu ra, lãi suất cho vay, được kéo giãn ra hơn mức bình thường 3-5%, vì lãi suất huy động được khống chế mức 14% trong khi ngân hàng có thể cho vay trên mức 21%.
Ai cũng thấy tình hình hiện tại, do mức lương và thu nhập cao và hấp dẫn của ngành ngân hàng nên các trường đào tạo kinh tế, tài chính, ngân hàng đang thực sự hút sinh viên đầu vào cao hơn nhiều so với khối kỹ thuật, lâu dài sẽ gây khó khăn cho xã hội vì "thị hiếu" và "nhu cầu" này sẽ có độ trễ và thay đổi.
Có những tiếng nói cho rằng lợi nhuận của ngành ngân hàng thực sự không cao (5) và phải chịu rủi ro cao vì nợ xấu nói chung của cả nền kinh tế hay ngân hàng tuy có lãi cao hàng ngàn tỉ nhưng so với vốn chủ sở hữu hay vốn tài sàn thì chưa cao, lại chịu lạm phát làm mất giá đồng tiền.
Tuy vậy, vấn đề lạm phát là thiệt hại chung cho toàn nền kinh tế, tác động xấu đến mọi người và mọi doanh nghiệp chứ không riêng gì ngành ngân hàng. Các ngân hàng cũng đã được lợi nhờ phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, nhập lãi vào vốn, hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng, nhà đất thời kỳ trước cổ phần hóa, đồng thời qua mấy đợt tăng vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tăng nhanh, củng cố sức mạnh tài chính của mình.
Thiết nghĩ, cán cân quyền lực thương lượng hoặc phân bổ lợi nhuận giữa người đi vay, doanh nghiệp đi vay so với ngân hàng - người cho vay - vẫn còn nghiêng về phía ngân hàng rất nhiều. Dù rằng, cơ chế thị trường rồi sẽ tự điều chỉnh các chênh lệch của quyền năng thương lượng này, song, trong bối cảnh hiện tại, một cơ chế thị trường chưa hoàn hảo đang nhất thời tạo ưu thế lớn cho hệ thống tài chính, ngân hàng, vượt qua các ngành công nghiệp khác.
Cảnh Thái
__________________
Xem thêm:
1, http://www.banklawyersblog.com/3_bank_lawyers/2010/02/banks-average-roe-expected-to-plummet-no-fake-its-simple-financial-math.html http://www.housingwire.com/2010/02/17/doomsday-regulation-scenario-laid-out?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=doomsday-regulation-scenario-laid-out
2, http://vef.vn/2011-09-20-ngan-hang-lai-lon-hay-an-vao-von-
3, http://www.sacombank.com.vn/nhadautu/Docs/BCB_STB.pdf
4, http://www.acb.com.vn/codong/images/pdf08/bc08-20.pdf
5, http://cafef.vn/20110729073015868CA34/ngan-ty-loi-nhuan-ngan-hang-van-la-thap.chn