- Nhiều học sinh có mẹ là giáo viên than phiền vì bị ép học quá nhiều. Thậm chí bị ghép vào những mĩ từ "phải xuất sắc, giỏi toàn diện, phải đi đầu"...khiến một số em trở nên stress và nghĩ "kế" đối phó.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Một số học sinh bị áp lực vì con cô giáo “phải ngoan và giỏi” (minh họa)

Phải đi đầu...

Vào lớp 1, Minh Ngọc (lớp 7, THCS N.T) đã không có ngày nghỉ như các bạn cùng lứa vì mẹ là giáo viên. Cuối tuần nào Ngọc cũng phải hoàn thành hết “nhiệm vụ” mẹ giao xong mới được chơi, mà khi giải quyết xong "núi" bài tập thì đã đến thời gian đi...ngủ. Khi vào cấp 2, gánh nặng càng nhiều vì chương trình mỗi lúc một khó, Ngọc phải học từ cơ bản đến nâng cao, và phải tuân thủ “lệnh” của mẹ: “Con phải xuất sắc toàn diện, giỏi mọi mặt”.

“Con là con cô giáo, con đừng để mẹ xấu hổ với các thầy cô trong trường”, “con giáo viên phải ngoan, học giỏi” là điệp khúc mà ngày nào em cũng được nghe...” – Ngọc nói. Vì thế em nghĩ, học không chỉ cho mình mà còn phấn đấu để giữ hình ảnh cho mẹ nên áp lực điểm số luôn đè nặng.

Theo Ngọc, năm nào cũng phải đạt danh hiệu học sinh giỏi, điểm thi nếu không xếp hạng nhất lớp thì phải đứng “top ten”. Ngoài ra, con cô giáo còn phải gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào và không được là chính mình khi ở trường vì “nhất cử nhất động” trên lớp đều đến tai mẹ ngay tức thì.

Hồng Vân, học sinh lớp 11 một trường THPT vẻ mặt đau khổ khi kể về hàng loạt những điều con cô giáo phải chịu. Nào là mẹ ép học, đồng nghiệp của mẹ quá quan tâm, bạn bè thường xuyên để ý, và là mục tiêu “super soi” của các anh chị học sinh lớp mẹ chủ nhiệm. "Nếu bị điểm thấp thì mình sẽ bị tra tấn bởi những lời trách mắng của mẹ, của thầy cô. Rồi bị các bạn ở lớp bêu xấu: Con cô giáo học dốt…” – Vân than.

Cấm quá hóa nói dối

Không những phải ngoan, học giỏi, Phương Hoa (HS lớp 8, THCS Đ., Hà Nội) còn bị mẹ “thiết quân luật” bằng nhiều biện pháp khi ở nhà. Hoa cho biết, mẹ cấm không được đi sinh nhật bạn, không được đi chơi khi chưa có sự cho phép của bố mẹ, không dùng điện thoại, không sử dụng máy vi tính tùy tiện….

Hoa kể, có lần xin mẹ đi sinh nhật bạn nhưng mẹ không đồng ý. cô bé bèn nói dối qua nhà bạn Trang mượn sách Tiếng Anh. Ai ngờ bị mẹ theo dõi và “bắt quả tang” khi Hoa đang mang quà vào tặng bạn, về nhà cô bé bị một trận đòn nên thân.

“Lúc nào mẹ cũng có câu: “Mẹ cấm con không được làm cái này, cấm không được phép chơi cái kia…, nếu biết mà cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý ngay” – Hoa ấm ức.

Một số học sinh được hỏi đều cho rằng các em bị áp lực khi bị cấm đoán, đe nẹt quá nhiều bởi đôi khi phải làm những điều mình không thích rất khó chịu. Dẫn đến có em làm đối phó, lấy lệ chứ không cảm thấy thiết tha. Thậm chí có trường hợp bị cấm quá nhiều thứ nên các em “lách luật” bằng cách nói dối hoặc lén làm trái ý bố mẹ.

Có mẹ là giáo viên, Hữu Minh - học sinh (lớp 6) tiết lộ: “Ở trường mẹ có rất nhiều “tai mắt” nên không thể giấu giếm điều gì. Dù đi đâu, làm gì, với ai, như thế nào mẹ em đều biết. Em cảm giác như mẹ là thám tử vì em luôn bị theo dõi”.

Với những em học ngay lớp mẹ chủ nhiệm, áp lực càng nặng nề vì nếu điểm cao chót vót thì các bạn lại nói mẹ thiên vị, còn nếu học kém hơn các bạn lại bị “kết tội” con cô giáo mà học dốt....

  • Thu Thảo