Các chính sách thuế nhập khẩu vàng mới không làm nản lòng Mousumi Rao khi bà cầm một chiếc vòng cổ bằng vàng lấp lánh trị giá 5.000 USD, món đồ có thể giúp con gái bà trở nên lộng lẫy hơn trong ngày cưới.

TIN BÀI KHÁC:



Tuy nhiên, phải mất ít nhất vài năm nữa cô con gái 12 tuổi của Rao mới đến lúc kết hôn.

Vì phong tục yêu cầu cô dâu phải mang theo trang sức vàng trong ngày cưới nên không phải là quá sớm khi một gia đình Ấn Độ bắt đầu chuẩn bị, đặc biệt là những món đồ có giá trị lớn ngay khi con gái họ còn nhỏ.

"Tôi phải chuẩn bị đồ cho con gái từ bây giờ vì khi con gái tôi lớn lên và kết hôn, tôi sẽ không có đủ vàng cho nó," Rao nói. "Trao vàng cho con gái là một trong những điều tốt đẹp nhất đối với chúng tôi."

Vàng đã ăn sâu vào nền văn hóa Ấn Độ từ hàng ngàn năm qua. Ngày nay, Ấn Độ đã trở thành thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới và việc nhập khẩu mặt hàng này đã tạo gánh nặng lên nền kinh tế vốn đang phát triển chậm chạp. Năm ngoái, Ấn Độ đã nhập khẩu 864 tấn vàng, khoảng 1/5 lượng vàng bán ra trên thế giới, tổng giá trị lên tới 2,5 nghìn tỷ rupee (45 tỷ USD), đứng thứ hai chỉ sau nhập khẩu dầu. Cơn khát vàng và trang sức vàng đã làm tăng thâm hụt thương mại Ấn Độ, đồng rupee bị mất giá và đẩy giá nhập khẩu các mặt hàng như dầu mỏ đắt đỏ hơn.

"Mọi người dân Ấn Độ đều muốn vàng. Hiện đang là mùa cưới và tôi đang thấy một sự gia tăng về nhu cầu bất chấp các chính sách thuế mới," chủ tiệm trang sức Arun Kaigaonkar cho hay. "Giá cả đã tăng trong vài năm qua nhưng mọi người vẫn tới mua tấp nập."

Ông cho biết không chỉ có trang sức bằng vàng mà nhu cầu về vàng miếng và tiền vàng cũng tăng cao bởi ở nhiều khu vực nông thôn không có ngân hàng. 'Tại các vùng quê, cách tiết kiệm duy nhất của người dân là mua vàng tích trữ."

Năm ngoái, sức mua vàng của người dân Ấn Độ giảm nhẹ trong 6 tháng đầu năm nhưng lại tăng trở lại vào 6 tháng cuối năm. Vào tháng 1 vừa qua, lượng vàng bán ra tăng vọt khi các chủ cửa hàng trang sức và nhà đầu tư ồ ạt đi mua vàng trước khi chính sách tăng 6% thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này được áp dụng vào cuối tháng này.

"Văn hóa vàng tại Ấn Độ rất mạnh. Thật khó để kìm hãm lại nhu cầu này chỉ bằng cách tăng thuế nhập khẩu," nhà kinh tế Samiran Chakraborty tại Ngân hàng Standard Chartered, Mumbai cho hay.

Đối với các bậc phụ huynh ở Ấn Độ, trao vàng cho con là một biểu tượng của sự giàu có. Tuy nhiên, nó cũng đảm bảo để cho một cuộc hôn nhân bền vững.

"Ấn Độ không chỉ là một quốc gia nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới mà còn là nơi tích trữ vàng nhiều nhất," Albert Cheng, giám đốc quản lý của Hội đồng Vàng Thế giới cho hay. Theo ước tính của tổ chức này, có khoảng 18.000 tấn vàng được gửi trong các ngân hàng và được cất giữ trong các gia đình trên khắp Ấn Độ.

Chakraborty cho biết lượng vàng "không hữu ích" như vậy tại Ấn Độ có trị giá khoảng 1 nghìn tỷ, bằng một nửa GDP của quốc gia này.

"Vàng được coi là tinh khiết trong văn hóa của chúng tôi và chúng tôi dành cho nó cái nhìn thiện cảm. Cần phải mua một số lượng vàng nhất định," Rohini (26 tuổi), một nhà vật lý trị liệu tại Mumbai nói khi cô đang lướt qua một cửa hàng trang sức.

Mẹ cô, bà Jaishri, cũng đồng ý với ý kiến này. "Tất nhiên, không ai có thể mua nhiều vàng như chúng tôi đã từng mua. Ngày trước, chúng tôi đã mua tới 1 kg," bà nói. "Tuy nhiên giá bây giờ, chúng tôi chỉ có thể mua những đồ trang sức cần thiết."

Sầm Hoa (Theo AP)