- Tôi ly dị vợ cũ và kết hôn với vợ mới đã được 15 năm. Con riêng của tôi với vợ đầu hiện đang sống ở nước ngoài, mang quốc tịch Mỹ.

Nay tôi muốn làm di chúc nhưng sổ đỏ của gia đình vẫn đang thế chấp ngân hàng thì có được không? Người con hiện đang mang quốc tịch Mỹ thì có được cho hưởng thừa kế như người con thứ hai không? Cảm ơn luật sư tư vấn.

{keywords}
Tôi muốn làm di chúc cho cả người con đã mang quốc tịch nước ngoài (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, tài sản đang thế chấp có được di chúc lại không.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 348 Bộ luật Dân sự thì bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp.

Tuy nhiên, tại khoản 4, Điều 349; khoản 4, Điều 718 Bộ luật Dân sự quy định về quyền của bên thế chấp tài sản, thế chấp quyền sử dụng đất như sau:

4. Được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã thế chấp nếu được bên nhận thế chấp đồng ý;

Như vậy, bạn vẫn được lập di chúc cho con bạn thừa kế mảnh đất đó, tuy nhiên cần có sự xác nhận của ngân hàng đang nhận thế chấp. Nếu bên nhận thế chấp (ngân hàng) không đồng ý thì không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp.

Thứ hai, quyền thừa kế di sản của người con đang mang quốc tịch Mỹ.

Về thừa kế có yếu tố nước ngoài, Bộ luật Dân sự 2005, Điều 767. Thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài

1. Thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết.

2. Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

3. Di sản không có người thừa kế là bất động sản thuộc về Nhà nước nơi có bất động sản đó.

4. Di sản không có người thừa kế là động sản thuộc về Nhà nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết.

Tùy từng trường hợp, pháp luật sẽ cho phép người hưởng di sản là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu tài sản được nhận thừa kế hay được hưởng phần giá trị đối với tài sản được thừa kế.

Để biết mình có thuộc trường hợp được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam hay không, bạn tham khảo Điều 8 Luật nhà ở 2014 như sau: Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở:

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

- Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây: Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc