TIẾP NHẬN BẰNG MỌI GIÁ

Cách đây 30 năm, giới đầu tư quốc tế dõi mắt về nước Mỹ để chờ đợi một tín hiệu mới trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố bãi bỏ cấm vận đối với Việt Nam, để rồi hơn 1 năm sau, tháng 7/1995, hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ song phương.

Cho dù đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài từ năm 1987, cho đến thời điểm 1994, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài vẫn khá khiêm tốn, vì rào cản cấm vận. Giới đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Mỹ, chờ đợi một khuôn khổ quan hệ ngoại giao mới an toàn hơn, chắc chắn hơn, và với việc Mỹ bỏ cấm vận, dòng chảy FDI bắt đầu tăng mạnh.

Ford và CocaCola là hai trong số những nhà đầu tư Mỹ có mặt từ năm 1995, trở thành biểu tượng của việc mở cửa, tái hòa nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới. Năm 1995, bức ảnh chụp tấm biển quảng cáo CocaCola trên một đường phố ở TP.HCM được một tờ báo đăng tải, với slogan “Vui mừng gặp lại các bạn”, được xem như là một thông điệp. Làn sóng đầu tư thứ nhất đã hình thành trong giai đoạn này như một hiệu ứng, cho dù sau đó chững lại bởi cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực năm 1997.

Ford và CocaCola, cũng như hàng loạt dự án FDI trong giai đoạn đó, là điển hình của hình thức FDI cổ điển. Tức là, nhà đầu tư đăng ký xin cấp phép dự án, chuyển tiền vào xây dựng nhà máy, sản xuất ra sản phẩm để bán thẳng cho thị trường nội địa thu lợi nhuận. Cơn khát vốn đầu tư để phát triển kinh tế đưa đến những hệ lụy. Một là cuộc đua thu hút đầu tư bằng mọi giá, trong đó có việc đưa ra quá nhiều ưu đãi về đất đai, thuế…, hai là sẵn sàng tiếp nhận những dự án, những công nghệ mà thế giới đã bắt đầu đào thải, hoặc không chấp nhận cấp phép. Quá trình này diễn ra một cách từ từ, được cổ vũ bởi những kết quả ngắn hạn về thu thuế, giải quyết việc làm, đảm bảo cán cân thương mại… cho đến khi những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến môi trường được phát giác.

Đầu tiên, phải kể đến thảm kịch sông Thị Vải do Vedan, nhà sản xuất bột ngọt của Đài Loan (Trung Quốc) gây ra và bị phát hiện vào năm 2008. Một đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Công ty Vedan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, ước tính lên tới 5.000 m3/ngày. Công ty này sau đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường với tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng.

tang truong xanh.jpg
Hướng tới phát triền bền vững.

Từ sau vụ việc của Vedan, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung, vấn đề bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp FDI nói riêng được công luận đặc biệt quan tâm. Các vụ việc vi phạm của các doanh nghiệp như nhôm TungKwang tại Hải Dương, Mi- won ở Phú Thọ… và đặc biệt là của Formosa tại Hà Tĩnh đã đặt ra vấn đề phải đánh giá lại toàn bộ quá trình tiếp nhận FDI. Như trong vụ việc tại Formosa, thực tế Việt Nam đã chấp nhận các điều kiện thấp hơn nhiều so với chuẩn chung của thế giới và đó là lý do khiến nhà đầu tư lựa chọn.

Tín hiệu tích cực là từ đó, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã bắt đầu nói không với các dự án tiềm ẩn gây ô nhiễm. Năm 2018, Hải Phòng đã từ chối Dự án Nhà máy sản xuất giấy của Tập đoàn Giấy Cửu Long tại KCN Nam Đình Vũ do lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh Long An và một số tỉnh thành khác cũng đã xin chuyển đổi các dự án nhiệt điện than sang loại hình khác cũng với lý do tương tự.

Nhưng câu chuyện giờ đã khác…

XANH HOÁ LÀ BẮT BUỘC

Nghiên cứu về các xu hướng phát triển của thế giới, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa mới đây đã đưa ra cảnh báo rằng nền sản xuất của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ đào thải rất lớn của thị trường toàn cầu trong giai đoạn sắp tới. Theo ông, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ “gặp khó” nhiều hơn khi mà thế giới ngày càng đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn về môi trường.

Việc nâng chuẩn này sẽ khiến cho việc bảo vệ môi trường không còn là việc nội bộ của Việt Nam nữa, mà là đòi hỏi về cạnh tranh. Nếu sản xuất
mà không đảm bảo môi trường thì sản phẩm làm ra cũng không tiêu thụ được, chứ không phải như trước là các phát triển đẩy phần sản xuất ô nhiễm sang các nước đang phát triển như Việt Nam.

Những chuyển động chính sách đã diễn ra khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tại COP 28 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu trong đó khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết phát thải ròng bằng0 vào năm 2050. Trong khi đó, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank), từ nay đến năm 2040, Việt Nam cần đầu tư bổ sung 368 tỷ USD, tương đương bổ sung khoảng 6,8% GDP mỗi năm để đạt mục tiêu trên.

Điều này chắc chắn sẽ đưa tới thay đổi trong định hướng và chính sách thu hút đầu tư. Gần như chắc chắn, các dự án trực tiếp hoặc tiềm ẩn gây ô nhiễm sẽ khó có cửa triển khai, đơn giản là sẽ làm chậm lại tiến trình đi đến phát thải ròng bằng 0. Các dự án đang gây ô nhiễm cũng sẽ bị đào thải dần, hoặc phải tự tìm cách hạ cấp độ gây ô nhiễm để tồn tại, vì nếu không chính thị trường cũng sẽ đào thải.

Mặt khác, những chuyển động thực tiễn trong vấn đề này cũng sẽ là sự khích lệ đáng kể. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Sau khi nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB, cơ quan này đã giải ngân toàn bộ, trong đó giải ngân tại trung ương hơn 34 tỷ đồng, tại các địa phương là hơn 962 tỷ đồng.

Từ năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm thị trườngcarbon và đến năm 2028 thì chính thức vận hành. Hiện nay, khuôn khổ pháp lý cho vấn đề này đang được xây dựng và hoàn thiện. Lợi ích thiết thực của hoạt động này đang đặt chính quyền các tỉnh thành và chính các nhà đầu tư trước câu hỏi: có nên tiếp tục tiếp nhận một nhà máy nhiệt điện, xi măng hay thép, hay chỉ nên dành nguồn lực để trồng rừng?

Theo dõi thị trường tài chính trong những năm gần đây, dễ thấy “Tài chính xanh” là một chủ đề được quan tâm đặc biệt. Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới thuộc COP 28, Tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã tiến hành trao Biên bản ghi nhớ cùng nhau hợp tác triển khai các giải pháp và dịch vụ tài chính ESG.

Theo đó, Standard Chartered Việt Nam hỗ trợ PAN trong việc tiếp cận các giải pháp và dịch vụ tài chính dựa trên các yếu tố môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (“ESG”) nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào các dự án phát triển bền vững. Ngoài các khoản tín dụng xanh và liên kết bền vững, chương trình cũng hỗ trợ tài chính cho các dự án như phát triển dây chuyền sản xuất hạt điều, thúc đẩy sản phẩm nuôi trồng thủy sản có giá trị gia tăng, và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), nguồn tín dụng từ ngân hàng là rất quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như tăng trưởng xanh. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những giải pháp hướng dòng vốn ưu tiên cho vay với các dự án xanh. Hiện tại đã có 40 tổ chức tín dụng báo cáo có tài trợ cho các dự án xanh với quy mô trên 500.000 tỷ đồng tương đương trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế, đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%/ năm, trong đó nông nghiệp là một trong hai ngành thu hút vốn xanh nhiều nhất với tỉ lệ 31% tổng dư nợ tín dụng xanh. 

Những tín hiệu này cho thấy “xanh hóa” đang là xu hướng trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh nói chung, đem lại những hy vọng về một nền kinh tế xanh trong tương lai gần cho Việt Nam.

Từ năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm thị trường carbon và đến năm 2028 thì chính thức vận hành. Hiện nay, khuôn khổ pháp lý cho vấn đề này đang được xây dựng và hoàn thiện. Lợi ích thiết thực của hoạt động này đang đặt chính quyền các tỉnh thành và chính các nhà đầu tư câu hỏi: có nên tiếp tục tiếp nhận một nhà máy nhiệt điện, xi măng hay thép, hay chỉ nên dành nguồn lực để trồng rừng?

Hoàng Anh Minh                                  
Nhà báo