|
Phụ huynh chỉnh lại mũ, khẩu trang cho con, chuẩn bị lên đường về nhà (Ảnh: Văn Chung) |
Độc giả Hoàng Thanh: "Chưa chắc nơi nào hạnh phúc hơn"
Như các bạn lớn tuổi, tuổi thơ tôi cũng phải vác cặp lội bộ đến trường, vì thế bây giờ mới có những kỷ niệm đáng nhớ thời đi học. Nhìn các cháu bây giờ cha mẹ phải đưa đón, đi học như cái máy mà thương. Âu cũng là hoàn cảnh thôi, nhiều khi các cháu muốn tự đi học cũng không được và cũng chẳng có cha mẹ nào yên tâm để các cháu tự đi nhất là các cháu nhỏ học xa nơi ở, ngoài đường hiện nay thì ... .
Chị Thu Hương (nhà ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nghề nghiệp: công chức, hành chính hiện có con gái đang học lớp 6: Phải đưa con đến trường
Nhà tôi cách trường nơi con đang theo học chỉ 5-7 phút đi xe máy. Gần thế cũng không thể yên tâm mà để cháu đi học một mình khi xã hội xung quanh các cháu có quá nhiều phức tạp.
Con tôi là con gái, nhà thì ở trong ngõ vắng. Nơi này cũng có hiện tượng (dù không nhiều) những thanh niên hư hỏng. Làm sao yên tâm khi mà đâu đó chuyện trấn lột, nghiện ngập vẫn rình rập con tôi.
Thậm chí để con đứng ở cổng trường đợi bố mẹ hơi lâu mình cũng đã lo lắng. Chỉ chờ vậy mà có thể có những xe ô tô lướt qua, nhanh lắm là họ đã kéo con mình lên xe, rồi không biết con sẽ đi về đâu hay thậm chí bị cho vào động mại dâm. Những phụ huynh có con học lớp 8, khi các cháu đang tuổi phát triển mạnh lại càng lo lắng.
Chưa kể chuyện giao thông. Tầm con đi học rồi tan học toàn rơi vào giờ cao điểm. Xơ xẩy là tai nạn ngay. Mình cũng muốn cho cháu tự đạp xe đạp đi nhưng phần lo con chưa hiểu hết luật, phần sợ giao thông hỗn loạn như bây giờ.
Thế nên vợ chồng bận mấy cũng phải thay nhau đưa con đến trường. Đấy là nhà mình gần. Còn nhà ở xa, phụ huynh càng có nhiều lý do để lo lắng.
Đấy, phụ huynh thành phố, đô thị chúng tôi cũng có sung sướng gì!
Anh Trịnh Quang Chiến (nhà ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội), nghề nghiệp: Luật sư, hiện có con trai đang học lớp 4: "Môi trường đô thị quá nhiều “ô nhiễm”
Chúng tôi thông cảm và xót xa cho hoàn cảnh đi lại vất vả của học sinh miền núi. Nhưng cũng cần phải nói rằng không thể so sánh học sinh giữa hai khu vực: miền núi và đô thị được. Xét cả về điều kiện địa lý, kinh tế đều có sự khác biệt rõ rệt.
Con tôi mới 4 tuổi mà đã phải đi học thêm (không học là nhiều chuyện với trường lớp, các cô), rồi các khoản đóng góp, ủng hộ. Chưa kể ăn mặc, sinh hoạt. Tốn kém đã đành, phụ huynh còn nơm nớp lo sợ chuyện con dễ hư hỏng.
Và thẳng thắn thì phụ huynh chúng tôi không thể để con đi lại một mình được. Lý do thì rất nhiều.
Nhìn vào giao thông ở Hà Nội hiện nay với những ngã 3, ngã tư, ngã 5, đoạn đường nào cũng đông như nêm, người người chen lấn. Bản thân chúng tôi là người lớn còn sợ huống chi trẻ nhỏ. Tai nạn luôn rình rập các cháu. Giả sử con có muốn để tự đi học phụ huynh mình cũng lo, không đành lòng.
Cần phải nói thêm nhiều cháu ở thành thị từ khi sinh ra và lớn lên đã quen sống trong sự đùm bọc nên khả năng thích ứng với môi trường phần nhiều kém hơn trẻ nông thôn, miền núi. Tính tự chủ, độc lập của các cháu cũng vậy.
So sánh tỉ lệ tội phạm, ở đô thị con số rõ ràng nhiều hơn. Chuyện bắt cóc, tống tiền không phải điều gì quá xa xôi. Trẻ con thành thị bây giờ nếu thả ra đường dễ hư hơn, nào Internet, bỏ học rồi đánh nhau.
Những đứa cấp 2 đã biết yêu đương, rủ nhau vào nhà nghỉ hay chơi lô đề, cá độ bóng đá và đủ thứ tệ nạn khác. Là luật sư tôi đã từng làm một số vụ liên quan đến chuyện cá độ, lô đề mà nhân vật chính là các cháu mới học cấp 2. Thấy mà buồn và lo.
Mới thấy mọi sự so sánh đều khập khiễng. Ai lại không muốn các con sớm trưởng thành, sống độc lập nhưng mấy cha mẹ, nhất là những người có con còn học tiểu học, phổ thông đành lòng để con tới trường một mình.
Độc giả Nguyễn Văn Xây: "Rất bình thường":
Rất bình thường mà. Chính tôi cũng đã từng phải như vậy, có khi còn hơn. Tôi không thích bao bọc lắm. Và sau này cũng vậy, với con cái của mình tôi vẫn sẽ để chúng tự lập từ những điều nhỏ nhất.
Các bạn nên nhớ rằng "một cây lim sinh trưởng ở đất cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt sẽ có chất gỗ khác với cây lim ở đồng bằng mà". Nhiều lúc tôi thấy phải cảm ơn cuộc sống đã cho tôi khả năng tự lập rất cao. Nghèo khó chỉ nhất thời, quan trọng là ý chí và sự khích lệ của mọi người trong gia đinh, đặc biệt là bố mẹ!
- Phong Đăng (tổng hợp và ghi)