- Khi những tấm bằng cử nhân ĐH chẳng để làm gì bởi ra trường con có thể sẽ phải làm một ngành khác - thậm chí là đi bán trà đá. Họ từ chối bởi vì những kĩ năng mềm và kiến thức thực tế của con chưa có, điểm phẩy, bằng giỏi ĐH để làm gì?
Ảnh có tính chất minh họa. |
Chỉ là không muốn cha mẹ xấu hổ
Mẹ muốn con trở nên giàu có nếu con học và làm công việc của người kinh doanh trong khi niềm đam mê của con lại đặt trọn trong những bức vẽ về cuộc sống, con người và những vùng đất mới, con muốn trở thành một họa sĩ. Mẹ đã muốn con trở thành một bác sĩ giống mẹ trong khi con lại thật sự cảm thấy hứng thú khi mình là một cô giáo, bởi đơn giản, làm cô giáo con sẽ được gần gũi với những đứa trẻ mà con yêu quý…
Điều mẹ muốn và điều con muốn làm khác nhau.
Con được định hướng rằng, khối C với các môn Văn sử địa sẽ không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, khi đi làm khó có thể giàu có nên con chỉ nên học khối A, D với các môn toán, lý, hóa, anh.
Con được biết ở Phần Lan, đất nước được mệnh danh là siêu cường giáo dục họ theo đuổi một triết lý giáo dục độc đáo: chủ thể quan trọng nhất của giáo dục là học sinh. Từ thập niên 80 họ đã loại bỏ hết các “hủ tục” khiến học sinh phải chịu sức ép về học tập như các hình thức thi cử, biện pháp cho điểm, xếp hạng học sinh giỏi kém. Mỗi học sinh đều được khuyên nhủ phải tự giác học tập coi đó là niềm vui của mình, vì thế lên lớp không có điểm danh. Chương trình học cũng rất nhẹ nhàng: Học sinh các lớp 1-2 mỗi tuần chỉ học có 20 giờ; lớp 3-6: 24-26 giờ/ tuần; lớp 7-9: 30 giờ/ tuần. Học sinh trung học mỗi tối mất khoảng nửa giờ để làm bài tập ở nhà.
Trong khi, chúng con từ khi học lớp 1, 2 đã đến trường với cả những cái vali to tướng đựng đầy sách vở, 2 ca học trên lớp, trở về nhà với núi bài tập nếu không đi học thêm chưa chắc con đã giải được bài. Cấp 2, cấp 3 con phải học vì điểm tổng kết quan trọng lắm với cha mẹ, thầy cô, trường học thậm chí cả huyện, tỉnh vì họ sẽ đánh giá thi đua, thấp bị phê bình và khen được tuyên dương.
Nếu chẳng may trượt ĐH, trượt nguyện vọng (NV)1, con tiếp tục chờ NV2, NV3. Dù số điểm cộng 3 môn mới ngót nghét điểm 10 vẫn được chấp nhận ở một trường ĐH nào đấy bởi cha mẹ muốn có phải là sinh viên ĐH, để cha mẹ không phải xấu hổ với hàng xóm, với cả dòng họ…
Cha mẹ cũng muốn con phải học một ngành mà nhà mình có người ấy, người nọ làm. Trước khi thi ĐH, hàng xóm còn hỏi con rằng: “Nhà cháu có người làm ngành ấy chứ?” để đến khi con lắc đầu bảo không, họ cho con là một đứa trẻ đứa “liều”.
Lỗi thuộc về ai?
Khi những tấm bằng cử nhân ĐH chẳng để làm gì bởi ra trường con có thể sẽ phải làm một ngành khác - thậm chí là đi bán trà đá.
Lúc ấy, bắt đầu người ta mổ xẻ và đi tìm lỗi. Đầu tiên, họ trách Bộ Giáo dục khi những phản ánh về tình trạng xuống cấp trầm trọng của môn lịch sử không được giới chức trách nhiệm kỳ chú ý, không có sự phân bố khoa học bài giảng, số tiết. Rồi tiếp đến, họ trách sách giáo khoa không hấp dẫn, giống như trình luận án tiến sĩ. Trách thầy cô giáo dạy sử vì ít tâm huyết với nghề, đã không có phương pháp dạy hiệu quả, chỉ đọc – chép. Trách xã hội đã không coi trọng môn sử. Họ cũng không quên trách con....
Năm vừa qua, nhiều trường ĐH, CĐ công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp bằng khá , giỏi, xuất sắc trên 90%, có trường thậm chí lên đến 98% nhưng nhiều sinh viên ra trường hoặc phải làm trái nghề hoặc phải chịu cảnh thất nghiệp. Lúc ấy ai sẽ là người có lỗi?
Con trách bố mẹ đã không để con được lựa chọn ngành học, nên 4 năm ĐH cho đến khi ra trường con không muốn kiếm công việc đúng với ngành học của con, tấm bằng ĐH trở nên thừa thãi. Họ từ chối tấm bằng ĐH bằng giỏi vì trường ấy không có tiếng tăm gì so với các trường ĐH danh tiếng khác. Họ từ chối bởi vì những kĩ năng mềm và kiến thức thực tế của con chưa có, điểm phẩy, bằng giỏi ĐH để làm gì?
Thầy cô muốn con có được những kiến thức và kĩ năng tốt nhất để bước vào nghề nhưng phải làm thế nào khi những bài giảng trên lớp trở nên nhàm chán với những lý thuyết khô khan, tẻ nhạt, vẫn có điểm danh, có chấm điểm chuyên cần. Làm thế nào khi con chỉ muốn học những thứ con cần và không phải xin nghỉ hết lần này lần khác với lý do “ốm”?
Đừng biến con thành Chí, để những yếu kém của con trở thành yếu kém của cả ngành Giáo dục.
Không phải tất cả mọi người ở hoàn cảnh của con đều trở thành nhân vật Chí Phèo. Nhưng nếu như con được tạo điều kiện tốt nhất cho sự lựa chọn của con, mọi thứ sẽ trở nên dễ chịu hơn.
- Ngọc Thảo (sinh viên Học viện Báo chí - Tuyên truyền)