Tại buổi thảo luận, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, trong vấn đề giải quyết tranh chấp tên miền hiện nay vẫn còn nhiều nhầm lẫn giữa vi phạm hành chính và khiếu nại, tranh chấp tên miền. Vì vậy, cần phải tách biệt việc xử lý vi phạm hành chính ra khỏi vấn đề xử lý tranh chấp tên miền. Lúc này, các chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, chủ thể lại không có quyền yêu cầu đăng ký sử dụng lại tên miền theo tranh chấp này.

Rất nhiều luật sư và chủ thể sở hữu tên miền tham gia hội thảo đều cho rằng, về cơ bản, còn rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tranh chấp tên miền và quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng quan trọng nhất là vẫn còn sự bất bình đẳng giữa các tên miền quốc tế và các tên miền quốc gia ( tên miền .vn).

Thực tế tại Việt Nam cho thấy, vấn đề yêu cầu xử lý và thu hồi tên miền đang có bất cập khi xử lý đối với các chủ thể đăng ký sử dụng nhiều tên miền trong đó cả tên miền quốc tế.  Nhiều người đặt ra câu hỏi: nên chăng áp dụng nguyên tắc có thẩm quyền xử lý cả các tên miền quốc tế khi tên miền này có ảnh hưởng đến địa lý và lợi ích của Việt Nam.

Vị đại diện VNNIC cho biết, quan điểm xử lý vi phạm của cơ quan này là không phân biệt tên miền giữa Việt Nam hay quốc tế. Các cơ quan quản lý chức năng vẫn đang tiến hành xử phạt website có tên miền quốc tế khi vi phạm, đồng thời có thể rút giấy phép hoạt động của website này. Tuy nhiên, đối với các tên miền không phải thuộc quyền quản lý quốc gia, việc xử phạt và thu hồi lại thuộc thẩm quyền các cơ quan quốc tế phải làm.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế, là khi có phán quyết của tòa án liên quan đến tên miền quốc tế dùng chung và xảy ra tranh chấp giữa chủ thể đăng ký tên miền với thương hiệu hoặc nhãn hàng thương mại đã đăng ký bảo hộ thì việc phán quyết của tòa án có hiệu lực hay không lại phụ thuộc vào việc toà án có quyền với các bên hay không.

Nếu các bên tham gia tranh chấp đều là các chủ thể ở Việt Nam thì hiệu lực của tòa án Việt Nam có quyền quyết định chủ thể nào có quyền sở hữu tên miền dù tên miền đó thuộc về quốc gia nào. Nhưng nếu 1 trong 2 bên trong tranh chấp ở các quốc gia khác thì lúc này, phán quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước lại hoàn toàn không có hiệu lực.

Ông David H Bernstein, luật sư, Trưởng bộ môn sở hữu trí tuệ của trường đại học Newyork, thành viên Hội đồng trung tâm trọng tài WIPO chuyên xử lý các tranh chấp về tên miền quốc tế cho biết, lúc này, chính sách thống nhất giải quyết tranh chấp tên miền (UDRP) sẽ phát huy tác dụng bởi UDRP có quyền xử lý tên miền ở các quốc gia trên thế giới.

Theo các chuyên gia quốc tế, xử lý hành chính hiện đang là một chế tài khá hiệu quả trong việc xử lý các vụ tranh chấp tên miền. Và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước như các cơ quan thuộc hai Bộ TT&TT và Bộ KHCN khi giải quyết các vụ việc qua con đường hòa giải và trọng tài vẫn đang rất hiệu quả. Tuy nhiên, cũng không nên quá kiểm soát quá chặt chẽ bởi môi trường mạng internet là môi trường mở và cho phép các chủ thể hoạt động tự do.

Nếu kiểm soát quá chặt chẽ sẽ xảy ra tình trạng ngừng đăng ký tên miền .vn mà chuyển sang đăng ký tên miền khác. Nếu tình trạng này xảy ra, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ chậm hơn quốc gia khác. Vì vậy, về quản lý Nhà nước  tại Việt Nam cũng nên điều tiết quản lý sao cho phù hợp với môi trường web và phương tiện quản lý kinh doanh.