Khoảng 5 giờ chiều, tại các cửa hàng ăn nhanh lớn nhỏ ở quận Hải Điền, Bắc Kinh (Trung Quốc) luôn tấp nập người qua lại. Phần lớn trong số này là các em học sinh với đồng phục của nhiều trường học khác nhau. Em thì đứng, em thì ngồi để gọi món hoặc chờ đồ ăn, trên nét mặt ánh lên sự mệt mỏi. Thậm chí, nhiều em còn vừa ăn tối, vừa tranh thủ làm bài tập về nhà.
Quận Hải Điền, Bắc Kinh từ lâu được mệnh danh là “Cao nguyên Thanh Tạng của nền giáo dục Trung Quốc” (Cao nguyên Thanh Tạng là tên viết tắt của cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, là vùng đất cao nhất thế giới, trên 4.500 mét so với mực nước biển).
Phương pháp dạy học nổi bật ở nhiều trường học là sắp xếp thời gian học, hoạt động ngoại khóa một cách nghiêm khắc, nề nếp, khiến học sinh bắt buộc phải nỗ lực hết sức mình để học tập và rèn luyện.
Cũng chính bởi những điều đặc biệt này đã thu hút đông đảo phụ huynh học sinh đến đây đăng ký học cho con em mình.
Người bình thường không thể nuôi dạy con trở thành học sinh ưu tú?
Những đứa trẻ phải chạy đua từ bé? |
Một người phụ nữ tên là Trương Phí trở thành “thần tượng” và được nhiều bà mẹ ở quận Hải Điền noi theo. Lý do là người mẹ này có con trai 8 tuổi học tại một ngôi trường tiểu học trọng điểm với thành tích nằm trong top 1% các học sinh xuất sắc nhất của quận.
“Ngôi trường này rất khó có thể thi vào, đề thi luôn được bảo mật một cách tối đa. Hơn nữa, đề thi cũng như quy chế thi của các năm đều thay đổi với độ khó tăng dần”- mẹ Trương phí chia sẻ.
Người mẹ này cho rằng, ngoài việc cố gắng rèn luyện cho con thói quen tự giác học tập, cần phải cố gắng tích lũy cho con mình một nền tảng học thuật vững chắc, tăng cường môn tiếng Anh, học kiến thức trong 6 năm Toán ở tiểu học và cho con bắt đầu luyện các bài toán Olympic từ lớp ba.
Mẹ Trương Phí luôn nhấn mạnh rằng những phụ huynh bình thường sẽ không thể nào sắp xếp thời gian học cho con tốt bằng các bà mẹ ở Quận Hải Điền. Bởi ở đây, nhiều cha mẹ đặt mục tiêu cho con vào Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa. Bên cạnh đó, các phụ huynh ở đây còn có lộ trình và mục tiêu cụ thể, ví dụ như: dạy song ngữ tiếng Trung-Anh từ khi con 1 tuổi; 3 tuổi con có thể tự đọc sách Tiếng Anh, thuộc lòng 100 bài thơ cổ; 5 tuổi bắt đầu học Toán Olympic...
Trên mạng xã hội, một bà mẹ viết: “Bé nhà chúng tôi môn Ngữ Văn không những xếp thứ nhất mà môn Toán cũng xếp thứ nhất với 99 điểm”.
“Một bé gái trong lớp mẫu giáo 4 tuổi của con trai tôi có thể đọc trơn tru tất cả các tranh, sách tiếng Anh. Tôi vô cùng bất ngờ, sửng sốt bởi con trai tôi ngay cả khi lên 6 tuổi cũng khó đạt trình độ như vậy”- một phụ huynh khác chia sẻ.
Phó Giáo sư Trầm Phi Dịch - Khoa Xã hội học của Đại học Phúc Đán cho rằng việc luyện ‘gà’ đang trở thành một cơn sốt, khiến phụ huynh có yêu cầu quá khắt khe và khát khao con mình phải thật xuất sắc. Ngoài ra, nhiều phụ huynh cho rằng nếu không nghiêm khắc, con cái họ sẽ không bao giờ phát triển được. Nếu không được học trước các kiến thức, sẽ khó để thi đỗ được vào các trường danh tiếng.
Vì vậy, họ không quan tâm đến cảm xúc của con, bắt ép chúng phải theo học các lớp, khóa đào tạo riêng biệt.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng hình thức luyện ‘gà con’ là một phương pháp giáo dục cực đoan.
Đỗ Nhung (Theo Nhân dân Nhật báo)
‘Xưởng' luyện thi có hàng trăm học sinh đỗ ĐH hàng đầu thế giới
Trường Trung học Hành Thuỷ (Hà Bắc, Trung Quốc), được mệnh danh là “siêu xưởng luyện thi đại học” khi có tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh thuộc diện nhiều nhất cả nước.