- Mẹ vẫn thường so sánh con với những đứa trẻ hàng xóm, rằng chúng có cái này mà con chẳng có cái kia, con dường như không có ưu điểm gì khi đứng chung với chúng. Mẹ có biết rằng, đôi lúc mẹ kỳ vọng quá nhiều đã khiến trong đầu con mang theo một nỗi áp lực vô cùng lớn? Áp lực để rồi biến thành sợ hãi...
Ảnh có tính chất minh họa. |
Con biết, mẹ so sánh vậy là để con lấy đó làm tấm gương học tập. Mẹ đã đúng khi đặt kỳ vọng vào con, bởi ba mẹ nào chẳng muốn con mình tài giỏi. Nhưng cái gì cũng có giới hạn riêng.
Con sợ những hôm nhà mình có khách, mọi người đem con cái ra làm chủ đề bàn tán. Rồi sau đó, khi khách ra về, mẹ lại “ca” cho con nghe một “bài ca” muôn thuở. Rằng con nhà người ta thì thế này thế nọ, còn con nhà mình chẳng có cái chi. Con sợ cả những lần mẹ đi họp lớp gặp gỡ bạn bè, lúc về nhà mẹ sẽ “tua” lại “bài ca cũ ấy”. Con bắt đầu cảm thấy cuộc sống này thật bất công khi để mẹ xuất sắc, bạn mẹ xuất sắc, con của bạn mẹ cũng xuất sắc... chỉ còn mình con tồn tại với vô vàn khiếm điểm.
Con vốn rất thích tết. Thích những bộ quần áo mới, thích những bao lì xì màu đỏ, thích cả những ngày nhà mình đông vui vì có các cô, chú đến chúc tết... Nhưng rồi, không biết từ lúc nào... con bỗng cảm thấy tết “nhạt” dần theo những kỳ vọng của mẹ. Mọi người đến càng nhiều thì... mẹ càng có nhiều chuyện để nói với con.
Những lời than trách của mẹ đã biến tết của con trở nên nhạt nhẽo. Con lẩn trốn trong phòng như thể đang kiếm tìm một chốn bình yên, để không thấy mẹ suýt xoa con nhà người ta rồi thở dài nhìn con đầy thất vọng. Có bao giờ mẹ nhìn thấy trong ánh mắt ngây thơ của con có một “tia” tội nghiệp? Hay mỗi khiếm khuyết đều là một sai lầm cần chê trách?
Mẹ có nhận thấy không? Con đã chẳng còn chơi cùng cái Nhung như trước nữa, cũng chẳng muốn sà vào lòng bác Bình mỗi lần bác đến chơi... Bởi ở họ, có những thứ mà mẹ cần nhưng con không có. Dù con và Nhung đã từng chơi thân đến đâu, con cũng không thể vượt qua lòng “tự ái trẻ con” khi đứng cùng bạn ấy. Con bị ám ảnh bởi những lời so sánh của mẹ, thấy tủi thân khi chẳng thể học giỏi như Nhung. Còn bác Bình, bác thích kể về đứa con gái “khéo tay hay làm” của bác. Mẹ chăm chú nghe rồi khẽ thở dài. Con hiểu, tiếng thở dài là biểu hiện của sự thất vọng về đứa con gái vụng về.
Con chưa lớn, nhưng cũng chẳng phải đứa trẻ lên 3 mà không biết phân biệt được tốt xấu ở đời. Con không học giỏi như bạn Nhung, cũng chẳng được khéo tay như con bác Bình... nhưng mẹ à, con là con của mẹ, con ý thức được những khuyết điểm của mình và vẫn thường tự nhủ mình phải cố gắng. Quan trọng hơn cả, con cần mẹ luôn đứng cùng “chiến tuyến” với con, chứ không phải chỉ đứng ngoài cuộc để rồi đưa ra những lời phán xét, than phiền.
Hơn một lần con đã từng “vênh mặt” với bạn bè, bởi con có một người mẹ giỏi giang, và cũng bởi vì trong mắt con, mẹ luôn là người mẹ xuất sắc nhất. Con biết, mẹ cũng từng tự hào về con, tự hào về đứa con gái được số phiếu học tốt nhiều nhất lớp...
Những lời khen của mẹ là động lực lớn dành cho con. Vậy nên, mẹ đừng tiết kiệm nó mẹ nhé, đừng đem những so sánh ra để “thúc giục” con, bởi mọi so sánh đều trở nên khập khiễng. Con cần một “đồng đội mẹ” luôn ở bên, cùng chia sẻ thành công và đón nhận những thất bại của cuộc đời...
- Minh Hiền (Lớp CBC5D – CĐ Truyền hình)