Được biết đến như một loại “thần dược” giúp tăng cường sinh lực, cung cấp nhiều dưỡng chất cho sức khỏe, mối chúa rừng ngâm rượu trở nên quý như vàng, là đặc sản được dân Hà Thành săn lùng với giá chục triệu/kg.
Kinh dị, 'ngã bổ ngửa' với những đặc sản côn trùng vùng cao Tây Bắc
Lùng mua mối chúa rừng ngâm rượu
Mối chúa là loại côn trùng có màu trắng đục, to bằng ngón tay cái, dài khoảng 30-35mm, đầu nhỏ, bụng to, nhìn trông giống như một con sâu đất “khủng”. Ấy vậy, loại côn trùng này rất đắt khách mỗi khi đến mùa, được chị em, quý ông săn lùng, trở thành mặt hàng hiếm trên thị trường bởi không phải lúc nào cũng có.
Anh Đặng Văn Thành, kĩ sư xây dựng ở Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết, cách đây 2 tháng anh đã đặt mua mấy bình rượu mối chúa của một đầu mối trên Yên Bái để biếu sếp, đồng nghiệp và người thân.
Mối chúa - loại côn trùng được quý đang được săn mua với giá khá đắt đỏ |
Lần đầu tiên anh Thành thấy con mối chúa là dịp cận Tết dương năm ngoái, khi anh lên Yên Bái công tác. Lúc đó đúng mùa mối chúa, anh được anh em công trình tặng cho một bình rượu mối chúa ngâm sẵn. Mọi người nói rằng đây là đặc sản tự nhiên hiếm có, rất bổ dưỡng cho phái mạnh, nên năm nay anh đặt trước 5 bình để dùng và biếu luôn.
“Đầu mối trên đó báo giá khá đắt, nhưng đắt tôi cũng mua vì càng đến Tết, nhu cầu mua biếu càng nhiều, không đặt trước sợ hết hàng”, anh Thành chia sẻ.
Tương tự, chị Trần Hiền Trang ở Xa La (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, mấy tháng nay chồng chị bận rộn, lúc nào cũng mệt mỏi. Tâm sự với cô bạn đồng nghiệp, chị được giới thiệu và biết đến mối chúa.
“Tôi phải đặt trước cả tháng trời mới mua được mối chúa với giá 60.000 đồng/con. Về nhà tôi chỉ cần nướng hoặc tẩm bột chiên cho ông xã ăn. Không rõ công dụng thực hư như thế nào, nhưng một thời gian, ông xã không còn mệt mỏi như trước. Hơn nữa, đây cũng là loại thực phẩm sạch, an toàn từ tự nhiên, nên thời gian gần đây tôi mua về trữ tủ lạnh để nướng ăn và ngâm rượu”, chị Trang nói.
Hàng hiếm, đặt trước chưa chắc đã có
Trao đổi với PV, chị Đặng Thu Hồng ở Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) chuyên bán đồ ngâm rượu online, chia sẻ, quê chị ở Yên Bái nên cứ vào mùa mối chúa, nhà chị lại lên rừng bắt về ngâm rượu rồi chuyển xuống Hà Nội bán. Mỗi ụ mối chúa chỉ đào bắt được 1 con nên cực kì hiếm.
Giá mối chúa tăng giá mạnh những năm gần đây |
Chị Hồng cho biết, việc đào bắt mối chúa diễn ra quanh năm, song có nhiều nhất là vào mùa hạ và mùa thu do đây là thời gian mối sinh sản nên dễ tìm được tổ. Hơn nữa, thời điểm này mối chúa thường to tròn, căng mọng, béo ngậy, chất lượng tốt nhất.
“Hiện tôi bán 60.000 đồng/con mối chúa, đa số nam giới mua về ngâm rượu. Một bình tôi ngâm từ 20-50 con, tùy theo yêu cầu của khách”, chị Hồng nói. Ngoài rượu, chị còn ngâm thêm với củ đinh lăng hoặc sâm để phát huy tác dụng tốt nhất của mối chúa.
Anh Trần Văn Hiển, chủ cửa hàng đặc sản, thảo dược núi rừng ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết, trước đây, mối chúa được biết đến với công dụng chữa thấp khớp, đau lưng, giá chỉ 2.000-3.000 đồng/con. Nhưng từ khi nhiều người coi đây như một loại “đông trùng hạ thảo”, chứa nhiều đạm, chất dinh dưỡng, thì loài côn trùng này được săn lùng và quý như vàng. Vì thế, giá càng ngày càng đắt.
Có những thời điểm, ngoài Bắc hiếm hàng, với những khách hàng khó tính muốn lấy con còn sống nguyên trong kén đất, anh phải vận chuyển từ Tây Nguyên ra, cước khá đắt đỏ. Mối loại nhỏ có giá 35.000 đồng/con, loại to có kích thước 3,5x1,5 (cm) có thể bán với giá 70.000 đồng/con.
Anh Hiển cũng cho biết, ngoài ngâm rượu, mối chúa còn được chế biến theo nhiều cách như: chiên, hấp, xào, nướng,... được cánh mày râu ưa thích.
Mối chúa ở các khu rừng ngày càng cạn kiệt |
Đề cập đến “thần dược” này, lương y từ Hội Đông y Việt Nam, cho biết, mối chúa có tác dụng đặc biệt đối với sức khỏe n. Nếu dùng đúng đây sẽ là vị thuốc rất quý, còn dùng bừa bãi không đúng cách sẽ trở thành độc hại.
Theo đó, mối chúa ngâm rượu sẽ tốt hơn khi chế biến thành các món ăn khác. Mỗi buổi tối, nam giới nên uống từ 1-2 chén rượu nhỏ mối chúa, không quá 60ml sẽ có tác dụng rất tốt trong việc bổ thận, tráng dương, tăng cường hoạt động sinh lý. Với người cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng thì không nên ăn mối chúa.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyên (Thạc sĩ Khoa Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), mối giúp cân bằng hệ sinh thái, làm tăng đa dạng sinh học, nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến rừng trồng. Nhiều khu rừng bị những tổ mối tàn phá nặng nề, nên việc người dân đi bắt mối chúa là giúp bảo vệ rừng. Song, khai thác quá mức sẽ ảnh hưởng đến diện tích rừng trồng và hệ sinh thái khu vực.
“Hiện chưa có quy định nào về cấm khai thác mối chúa. Tuy vậy, việc người dân vùng núi đổ xô đi đào bắt là tận diệt, không nên. Cần khai thác hợp lý, có chọn lọc để vừa cân bằng được hệ sinh thái, vừa giảm được nguy cơ phá hoại rừng của mối”, bà Tuyên cho hay.
Phạm Thanh
Đáng sợ mỳ trộn côn trùng trong nhà hàng sang trọng
Thực khách đã phải xếp hàng bên ngoài một nhà hàng ở Tokyo, Nhật Bản vào cuối tuần trước để có thể được thưởng thức món ăn lạ, mỳ ramen với … côn trùng.