Nghiên cứu tham mưu Bộ Công an cảnh báo người dân cả nước
Ngày 4/8, trả lời báo, Đại tá Hà Phúc Thịnh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngày 20/7/2020, Công an tỉnh Tuyên Quang đã có công văn gửi Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh cảnh báo về các cuộc giao dịch lan trị giá tiền tỷ diễn ra trên địa bàn trong thời gian qua có thể gây ra nhiều hệ quả các vụ việc lừa đảo, mâu thuẫn, tranh chấp, có thể tạo nên "bong bóng đầu tư", tiềm ẩn nguy cơ phá hoại về an ninh kinh tế của các thế lực thù địch.
"Văn bản này được đưa ra dựa trên một số hiện tượng, các cuộc giao dịch về lan đột biến trên thị trường trong thời gian qua.
Mọi người cứ quảng cáo lan đột biến, chỉ có một mẩu rồi trao đổi tiền tỷ mà không có giấy tờ mua bán gì? Họ chỉ thỏa thuận với nhau bằng mồm nên có thể dẫn tới nhiều nguy cơ khác nhau.
Với trách nhiệm là đơn vị quản lý trật tự an ninh, an ninh kinh tế, ngăn chặn tội phạm... chúng tôi phải có văn bản cảnh báo tới người dân" - Đại tá Hà Phúc Thịnh cho biết.
Các cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ trên thị trường đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về an ninh. |
Theo Đại tá Thịnh, việc giao dịch lan đột biến có giá trị lên tới hàng tỷ đồng trong thời gian qua cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất nguy hiểm.
"Nhiều người có tiền đâu nhưng được nghe quảng cáo, vì một lý do nào đó mà tìm mọi cách để có tiền mua lan đột biến. Có người cắm nhà, bán đất, có người vay tín dụng đen để mua lan đột biến..." - Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho hay về hiện trạng thực tế đời sống.
Đại tá Hà Phúc Thịnh cho rằng, từ những cuộc giao dịch lan đột biến sẽ có thể là mầm mống cho các loại tội phạm sinh sôi và phát triển, tạo thuận lợi cho tín dụng đen hoạt động...
Tỉnh Tuyên Quang cũng có nhiều người đang chạy theo lan đột biến, đổ hàng tỷ đồng vào để làm vườn lan với hy vọng kiếm lời, chạy theo cơn sốt của thị trường. Nhưng không phải ai cũng có tiền sẵn trong nhà để làm mà phải đi vay mượn từ khắp mọi nguồn.
Cảnh báo của Công an tỉnh Tuyên Quang đưa ra về việc giao dịch lan đột biến, muốn khuyên người dân, trước khi làm gì cần phải suy xét cho kỹ, tránh vấp phải những hệ lụy đáng tiếc khi thị trường lan đột biến bị vỡ "bong bóng đầu tư".
Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, đơn vị là một trong những cơ quan đầu tiên đi đầu trong cả nước về việc cảnh báo người dân khi tham gia vào những cuộc mua bán lan đột biến tiền tỷ.
"Công an tỉnh Tuyên Quang sẽ nghiên cứu, tham mưu vấn đề này với Bộ Công an để có cảnh báo cho người dân trên cả nước chứ không riêng gì tỉnh Tuyên Quang. Về vấn đề này, chắc sắp tới Bộ Công an cũng sẽ có cảnh báo và phương án xử lý để có ngăn chặn những hệ lụy có thể xảy ra với các cuộc giao dịch lan đột biến giá tiền tỷ như thế" - Đại tá Hà Phúc Thịnh cho biết.
Hàng loạt cảnh báo vì người dân
Liên quan đến giá trị lan đột biến, trả lời báo chí, PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (FAVRI), Bộ NN&PTNT cho biết, lan là loại thực vật dễ xảy ra biến dị sinh học.
Biến dị sinh học bao gồm hai loại: Biến dị không di truyền và Biến dị di truyền. Trong biến dị di truyền lại bao gồm hai dạng là biến dị tái tổ hợp và biến dị đột biến.
Lan đột biến được các chuyên gia nhận định cực hiếm nhưng lại xuất hiện tràn lan trên thị trường Việt Nam trong thời gian qua (Ảnh: Một cuộc giao dịch lan trị giá hàng tỷ đồng vào năm 2019). |
Những cây lan đột biến mà chúng ta thấy chưa chắc đã phải là lan đột biến từ sự "biến dị đột biến" mà còn có thể là do "biến dị tái tổ hợp". Trong một số cây mà mọi người gọi "đột biến", có thể có cả những cây thường biến (biến dị không di truyền) tức là cây chỉ khác biệt với cây gốc (hoặc cây mẹ) ở một số thời gian và môi trường nhất định, sau đó nó sẽ trở về trạng thái, tình trạng ban đầu.
Chính vì thế, vị chuyên gia này cho biết, cây lan có thể nhân giống bằng hạt (hữu tính) và bằng giâm cành (vô tính). Nếu lan nhân giống bằng hữu tính thì hạt phấn sẽ bị phân ly, tức là cây con sẽ không còn giữ được đặc tính của cây mẹ nữa, do vậy phải nhân giống bằng vô tính mới giữ được đặc tính của cây mẹ.
Nhân giống bằng vô tính cũng có hai cách, đó là giâm cành bằng keiki và nhân giống bằng Invitro (nuôi cấy mô). Nếu nhân bằng keiki ngoài vườn ươm hệ số nhân giống thấp, cây thường bị sâu bệnh hại, còn nhân bằng Invitro cây khỏe, hệ số nhân giống cao, sức sống cây con và cây sau này sẽ rất tốt nhưng đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, trang thiết bị nhiều, hiện đại.
Song, trên thực tế, có thể là do những người có cây, cứ nghĩ cây con nhân ra sẽ bị thay đổi đặc tính, nên không muốn dùng phương pháp Invitro, cũng có thể họ suy nghĩ cái gì hiếm thì sẽ đắt, nếu nhân bằng phương pháp Invitro, thì khi nhân nhiều rồi, sẽ mất đi giá trị quý và hiếm.
Nói về những cuộc giao dịch lan Phi điệp đột biến giá tiền tỷ thời gian qua, ông Trần Tuấn - người được mệnh danh là "hiệp sĩ tầm lan" cho biết, ở góc độ tích cực, nếu những cuộc mua bán này là thật thì con người sẽ nhận ra sự giá trị của thiên nhiên đem lại, từ đó tầm quan trọng của hoa lan (đặc biệt là lan đột biến) sẽ nâng lên ở một mức cao mới.
Tuy nhiên, nếu cuộc giao dịch hoa lan Phi điệp đột biến là "ảo" thì ông Tuấn cho rằng, điều này sẽ vô cùng hệ lụy đến kinh tế của nhiều người Việt Nam nói chung và những người đam mê lan nói riêng.
Ở Việt Nam hiện nay, những mầm "kie" lan Phi điệp đột biến được mô tả giống như "ngọn rau muống" nhưng có mức giá chênh lệch khiến bất cứ người nào cũng phải hoa mắt, chóng mặt.
"Các cuộc giao dịch hoa lan ở Việt Nam đang ở trong tình trạng thật giả lẫn lộn. Cũng vì thế mà luôn có những sự nghi ngờ về các cuộc giao dịch này. Tôi nghĩ rằng, bong bóng về lan đột biến ở Việt Nam đã xuất hiện và đang vỡ rồi.
Bong bóng này đang bay trong không khí, nó đang phình to ra và đến một mức nào đó sẽ vỡ" - hiệp sĩ tầm lan Trần Tuấn nhận định.
Ông Tuấn còn so sánh cuộc khủng hoảng lan đột biến ở Việt Nam sẽ không khác gì sự kiện hoa tuylip tại Hà Lan vào thế kỷ XVII tại Hà Lan. Khi đó, cả nền kinh tế bị ảnh hưởng và phải mất rất lâu sau đó mới có thể phục hồi.
(Theo Đất Việt)