KX.09 - Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước mang tên “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa 1000 năm Thăng Long - Hà Nội phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô” đã được công bố kết quả vào ngày 2/10/2010, tại Hội trường UBND TP. Hà Nội.

Đây là một trong những hoạt động chính thức của 10 ngày Đại lễ kỷ niệm 100 năm Thăng Long -Hà Nội, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Văn phòng Chương trình KX.09 phối hợp tổ chức.

KX.09 được UBND TP. Hà Nội chủ trì, GS.TS Phùng Hữu Phú làm Chủ nhiệm nhằm tổng kết toàn bộ lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, định hướng phát triển Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.



Các tập thể, cá nhân có đóng góp cho sự thành công của KX.09 nhận bằng khen.

 

Theo đó, chương trình nghiên cứu bao gồm 11 đề tài nghiên cứu từng lĩnh vực cụ thể của đời sống Thăng Long - Hà Nội và 1 đề tài có tính tổng kết, mang mã số từ KX.09.01 đến KX.09.12 như: Quá trình đô thị hóa ở Thăng Long-Hà Nội; Kinh nghiệm lịch sử và định hướng quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của Thăng Long-Hà Nội...

Kết quả, 12 đề tài của KX.09 đã được các hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá cao, được công bố rộng rãi trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” và được ra mắt cùng ngày tại Thư viện Quốc gia Hà Nội nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trao giấy khen của UBND thành phố cho các tập thể, cá nhân có đóng góp cho sự thành công của KX.09.

Đánh giá về chương trình, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Đây là chương trình nghiên cứu khoa học lớn nhất từ trước đến nay, giải quyết toàn diện những vấn đề cơ bản liên quan đến đời sống Thăng Long- Hà Nội qua 10 thế kỷ, xác định những tiềm lực tích hợp từ truyền thống ngưng đọng trong hiện tại, đề xuất quan điểm, định hướng và giải pháp nhằm phát huy hiệu quả tiềm lực đó phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững Thủ đô.

Các đề tài đã hoàn thành và được nghiệm thu trong các năm 2008 - 2009. Đề tài cuối cùng, tổng kết toàn bộ Chương trình, do GS.TS Phùng Hữu Phú (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) làm chủ nhiệm đã được tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước vào ngày 7/8/2010.
• K.A