XEM CLIP:

Như VietNamNet đã phản ánh, ngày 23/9/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định xử lý khẩn cấp sạt lở cụm công trình công sở xã Trung Thành và Trường phổ thông DTBT THCS Trung Thành với tổng mức đầu tư gần 37 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án, nhằm khắc phục tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn lâu dài cho cụm công trình nói trên. 

Công trình do UBND huyện Quan Hóa làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2022.

Theo đó, đơn vị được chỉ định thầu thi công là Công ty cổ phần Sun Việt (có địa chỉ tại TP Thanh Hóa).

Dưới chân công trình chống sạt lở là trường học và công sở xã

Tuy nhiên, công trình vừa mới hoàn thành đã đứt gẫy, nứt toác nghiêm trọng, xuất hiện các cung trượt và có thể nguy cơ vùi lấp trường học và công sở bất cứ lúc nào trước mùa mưa bão.

Trước sự việc trên, Chủ tịch huyện Quan Hóa đã có báo cáo với UBND tỉnh về việc xử lý vết nứt mới trong quá trình thực hiện dự án.

Theo báo cáo, công trình được khởi công từ tháng 6/2021. Thời gian thi công trùng với mùa mưa. Do đó, đến đầu tháng 12/2021, sau khi hoàn thành cơ bản các hạng mục, từ cơ 2 đến cơ 8 xuất hiện các vết nứt rộng từ 5-7cm.

Sau mỗi trận mưa, các vết nứt, gẫy và sụt lún càng nhiều

Nguyên nhân xuất hiện các vết nứt là do địa chất bị phong hóa mạnh, đồng thời công tác thi công đào, đắp trong mùa mưa. Trong quá trình thi công bị gián đoạn, khi gặp mưa nước theo các khe nứt nẻ của đá phong hóa thấm xuống vùng ranh giới các lớp địa chất hình thành một lớp đất có trạng thái yếu.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh lực xây dựng, do UBND huyện Quan Hóa, đơn vị thi công “cầm đèn chạy trước ô tô”, không đánh giá địa chất trước khi thực hiện dự án nên mới dẫn đến việc trên.

Rãnh thoát nước từ trên công trình xuống vỡ nát

Cụ thể, ngày 23/9/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định xử lý khẩn cấp sạt lở cụm công trình công sở xã Trung Thành và Trường phổ thông DTBT THCS Trung Thành với tổng mức đầu tư gần 37 tỷ đồng.

Với tổng mức đầu tư trên, trong đó có mục chi phí khảo sát địa chất, địa hình là hơn 516 triệu đồng; chi phí lập nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi 291 triệu đồng; chi phí giám sát thi công xây dựng 862 triệu đồng…

Mặt cơ bị sụt lún chênh lệch cả mét

Tuy nhiên, huyện Quan Hóa lại cho đơn vị thi công từ tháng 6/2021 (trước khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư của tỉnh 3 tháng). Việc thi công “cầm đèn chạy trước ô tô” này đồng nghĩa với việc không thực hiện khảo sát địa chất, địa hình; không lập báo cáo nghiên cứu khả thi.

“Nếu thực hiện các bước khảo sát địa chất, địa hình và báo cáo nghiên cứu khả thi theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh thì chắc chắn công trình sẽ không đến nỗi vừa mới xong đã hư hỏng như thế này”, một giám đốc chuyên về xây dựng nhận định.