Sở hữu một gia tài đồ sộ, công tử Bạc Liêu có nếp sinh hoạt không ai có thể theo kịp. Dường như đây là hệ quả một người chưa từng tự tay làm ra một tài sản nào dù là nhỏ nhất nhưng lại có trong tay quá nhiều tiền. Vì thế ông vung tiền vào những cuộc chơi vô bổ và dù có mất đi cũng bình thản chẳng thấy xót xa ...

Cậu Ba Huy và những cuộc chơi

Một ngày bình thường, cậu Ba Huy vẫn giữ phong thái xa hoa và sang trọng. Một bộ complet đúng mốt bằng loại vải đắt tiền nhất, mắt kính gọng vàng, đầu chải bóng loáng ẩn bên trong chiếc nón Mossant, chân đi giày da Bậu, cậu bước vào tiệm ăn sáng. Thường thì cậu ăn sáng kiểu Tây rồi đi lanh quanh đến trưa ăn cơm Tàu rồi tối tiếp tục cơm Tây.

{keywords}
Khi đi đòi nợ các tỉnh, ông Huy dùng chiếc Ford Vedette. Đây là loại ra đời vào năm 1948. (ảnh dulichvietnam.com.vn)

Ở Bạc Liêu dăm ba bữa cậu lên Sài Gòn đổi gió. Ngồi trên chiếc xe mới tinh có tài xế lái cậu Ba Huy đi thẳng khi thì khách sạn Majestic, lúc thì Soái Kình Lâm, mặc dù cơ ngơi nhà cửa của dòng họ Trần Trinh tại Sài Gòn không phải là nhỏ.

Có lúc cậu Ba chơi theo kiểu lập dị. Cậu lên ngồi trên một chiếc xe kéo dạo một vòng quanh Sài Gòn. Chiếc xe vừa được kéo đi cậu nhìn lại thấy còn khoảng hơn 20 chiếc chờ khách. Không do dự, cậu gọi hết các xe đó lại, mỗi xe chở cho cậu một thứ. Thế là một đoàn xe kéo dài thườn thượt mà trên mỗi xe chỉ chở một món đồ như cặp kính, cây gậy, chiếc nón... Những người phu xe mừng rỡ nhận được khoản tiền hậu hĩnh từ những chuyến đi như thế.

Cậu Ba không ở lâu một nơi nào. Cậu thường xuyên di chuyển khi thì Vũng Tàu, lúc lên Đà Lạt hoặc trở về Cần Thơ. Cậu luôn chìm đắm trong những cuộc truy hoan suốt sáng thâu đêm. Những chai rượu champagne đắt tiền nhập từ Pháp, những món ăn cầu kỳ lạ miệng đều được bày biện trong những tiệc rượu có cậu tham dự.

Sau những cuộc nhậu nhẹt ngút trời như thế, cờ bạc là thú vui không thể thiếu được với cậu ba Công tử Bạc Liêu. Cậu từng đánh bạc với quốc trưởng Bảo Đại, với Bảy Viễn - một tay giang hồ trùm sòng bạc Đại Thế Giới. Trong những lần đánh bạc như thế, có lần cậu thua đến 30.000đ. Thời điểm này lúa chỉ có 1,7đ/giạ và lương của Thống đốc Nam kỳ cũng chỉ 3000đ/tháng.

Trong công việc hàng ngày, cậu ba vốn đã đi Tây về tích lũy được chút kiến thức nên đầu óc lúc nào cũng muốn cách tân. Công tử Bạc Liêu đã thuê một người Pháp tên Henri giỏi quản lý về Bạc Liêu cai quản việc làm ăn của gia đình. Theo hợp đồng, người quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì được phần trăm hậu hĩnh, ông Henri ở hẳn lại Việt Nam để làm cho ba Huy đến tháng 4 năm 1975 mới về nước.

Ngoài ra, công tử Bạc Liêu còn tổ chức các cuộc chơi trong dân gian như hội chợ đồng bằng và mở cuộc thi hoa hậu miệt vườn. Điều oái oăm thay, các hoa hậu, á hậu sau đó đều lọt vào tay ông.

Chuyện ăn chơi của công tử Bạc Liêu khó có ai có thể bì kịp. Nhưng cái quí ở công tử là tuy ăn chơi trác táng, phung phí tiền của như thế, một chút lòng nhân hậu, thương người vẫn còn tiềm tàng trong tâm thức chàng trai phong lưu này.

Ông quan hệ rộng, thân thiện với mọi người không phân biệt sang hèn. Những tá điền túng thiếu, khó khăn thường được ông xóa nợ. Ông cũng có những trợ giúp thiết thực đối với những người thuê ruộng ông không may lâm vào ngõ cụt.

Có đốt tiền nấu trứng không ?

"Bạc Liêu là xứ cơ cầu

Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu

Nghe danh Công Tử Bạc Liêu

Ðốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu!"

4 câu trên là những câu dân gian truyền miệng. Hai câu đầu nói về sự hiện diện của người Hoa trên đất Bạc Liêu (vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20) rất đông như cá chốt dưới sông. Riêng 2 câu sau nói về một giai thoại mà ai cũng biết, cũng nhắc đến, chuyện đốt tiền nấu trứng.

Đến nay, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những người trong cuộc thậm chí cả những người gần gũi với họ cũng đã ra người thiên cổ. Câu chuyện vẫn cứ tiếp tục là một giai thoại, tiếp tục truyền miệng.

{keywords}
Phòng khách bên trong nhà Công tử Bạc Liêu

Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu sự việc này được ông Trần Trinh Đức là con thứ 4 của cậu Ba Huy cho biết : "Bây giờ nếu tôi nói không có thì dư luận bảo rằng "con bênh cha". Tôi đã lên tiếng đính chính nhiều lần nhưng không ai nghe và vẫn cứ truyền miệng.

Trước đây tôi đã từng hỏi cha tôi về việc này thì ông nói chơi ngông thì cũng có lúc chơi ngông để cho thiên hạ chú ý tới mình. Tuy nhiên, khi chơi phải biết chơi tới đâu thì dừng lại. Mình đâu có dại dột gì mà đem tiền ra để đốt.

Theo nhà báo Mai Phong - báo Giađình.Net.VN, ông Đức đã đưa anh đến gặp bà Hồ Ngọc Sương (81 tuổi ngụ tai ấp Tân Tạo xã Châu Hưng H. Vĩnh Lợi Bạc Liêu). Bà Sương vốn là người làm trong nhà công tử Bạc Liêu từ lúc 15 tuổi. Bà Sương quả quyết, chuyện lấy tiền nấu trứng là chuyện đồn thổi. Bà nói : "Ngày đó lúc nghe chuyện cậu Ba “chơi ngông”, nhiều gia nhân trong nhà cũng đàm tiếu. Cậu Ba nghe chỉ cười rồi bảo: “Chuyện ngồi lê đôi mách là chuyện muôn đời, Đông - Tây đều có, mình làm mình phải biết, hơi đâu mà lưu ý những “miệng lằn lưỡi mối”.

Những câu chuyện như dùng tiền nấu trứng hay trong lúc xem hát cậu Ba Huy phải ngồi chồm hổm xuống nền xi măng tối thui để mò mẫm tìm lại tờ con công (năm đồng) vừa rớt và bị cậu Tư làm bẽ mặt bằng hành động móc tờ tiền "oảnh" (hai chục đồng) đốt làm đuốc soi sáng vốn đã trở thành giai thoại.

Lúc sinh thời, phát biểu với một nhà báo, NSND Phùng Há nói: "Những lúc nhàn nhã, tôi có hỏi cậu Tư (Bạch công tử - PV) về những giai thoại này. Cậu chỉ cười: “Đó chỉ là những chuyện thêu dệt. Tôi đâu có phí phạm tiền của để chơi ngông, chứng tỏ mình giàu có một cách vô học”. Sống với cậu Tư nhiều năm, tôi cũng biết cậu Tư là một người từng học trường Tây, tính tình điềm đạm, chắc chắn không thể nào hiếu thắng đến độ có thể tham gia một cuộc thi thố vô bổ, không trí tuệ như vậy được".

Câu chuyện xoay quanh 2 nhân vật Hắc - Bạch công tử. Cả 2 đều không còn và những người thân của 2 bên đều xác nhận đó chỉ là thêu dệt và hư cấu.

Trần Chánh Nghĩa

(Còn nữa)