Công viên địa chất Đắk Nông vừa được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu (CCĐCTC) thứ ba ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có 147 Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở 41 quốc gia được công nhận.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Mai Phan Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký UBQG UNESCO Việt Nam.

Danh hiệu góp phần quảng bá mạnh mẽ du lịch

-Việc công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là Công viên địa chất toàn cầu có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển ở Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung?

CVĐCTC là một trong những danh hiệu di sản cao quý và có ý nghĩa của UNESCO. Một mặt, danh hiệu này vinh danh những giá trị về khoa học địa chất theo những tiêu chí khắt khe, vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh, văn hóa và đa dạng về sinh học của địa phương, mặt khác, đây còn là mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững mà nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển, đang theo đuổi.

{keywords}
Núi lửa Nâm Kar.

Thông qua việc tham gia mạng lưới CVĐCTC, các quốc gia có cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản địa chất; đồng thời thúc đẩy các hoạt động du lịch địa chất, văn hóa, phát triển kinh tế cộng đồng, cải thiện đời sống người dân trong khi vẫn giữ gìn và bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái của CVĐCTC.

Việc được UNESCO công nhận danh hiệu CVÐCTC mang lại nhiều ý nghĩa trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trước hết, với việc được công nhận là CVĐCTC và gia nhập mạng lưới CVĐCTC sẽ giúp tỉnh Ðắk Nông và các địa phương lân cận cũng như đất nước Việt Nam thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Các danh hiệu của UNESCO từ lâu đã được cộng đồng quốc tế công nhận bởi các giá trị về sự nổi bật toàn cầu và có ý nghĩa về khoa học. Danh hiệu CVĐCTC sẽ góp phần quảng bá mạnh mẽ các địa điểm du lịch của Đắk Nông, qua đó giúp tỉnh từng bước xây dựng thương hiệu của địa phương gắn với danh hiệu CVĐCTC, đồng thời mở ra cơ hội kết nối các di sản, khu du lịch với các địa phương lân cận.

Thứ hai, để được công nhận, tỉnh Đắk Nông sẽ phải có những cam kết với UNESCO trong quá trình xây dựng và phát huy giá trị danh hiệu.

Các cam kết của địa phương với UNESCO bao gồm công tác xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế một cách rõ ràng, dành các nguồn lực để đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc.

Việc thực hiện các cam kết trong quá trình vận hành CVĐCTC sẽ là đóng góp quan trọng vào quy hoạch phát triển chung của tỉnh theo hướng bền vững.

Thứ ba, được coi là một mô hình phát triển kinh tế bền vững thông qua việc phát triển hệ thống các “đối tác”, CVĐCTC Đắk Nông sẽ góp phần tăng cường sinh kế cho người dân địa phương.

Các đơn vị là đối tác của CVĐCTC chính là các mô hình kinh doanh, hợp tác xã sản xuất của người dân địa phương, đáp ứng các tiêu chí của CVĐCTC, ngược lại với việc được là đối tác và được gắn logo của CVĐCTC các sản phẩm kinh doanh của người dân địa phương sẽ trở nên có thương hiệu và nâng cao giá trị của sản phẩm.

Như vậy, việc xây dựng và phát triển bền vững CVĐC theo định hướng của UNESCO không chỉ góp phần phát triển du lịch, bảo tồn các giá trị di sản của địa phương mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các huyện, thành phố trong vùng CVĐC.

{keywords}
Thác Liêng Nung.

- Vậy, một công viên địa chất đáp ứng cho việc phát triển kinh tế xã hội sẽ phải như thế nào? 

CVĐCTC là mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi bật, đồng thời khuyến khích các cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương bảo vệ và khai thác hợp lý, bền vững các di sản địa chất có giá trị khoa học cao, phục vụ nghiên cứu và bảo tồn, từ đó có những biện pháp phù hợp nhằm hỗ trợ kinh tế cho cộng đồng.

Theo quy định của UNESCO, các tiêu chí để trở thành một công viên địa chất toàn cầu gồm có:

Phải là khu vực thống nhất chứa đựng các di sản địa chất,cảnh quan có giá trị quốc tế do các chuyên gia khoa học độc lập xác nhận và quản lý bằng một khái niệm tổng thể gắn kết công tác bảo tồn với giáo dục và phát triển bền vững, có kích thước phù hợp để thực hiện các chức năng quản lý, bảo tồn, nghiên cứu và phát triển bền vững; nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân địa phương, đặc biệt các dân tộc thiểu số, về lịch sử trái đất, tai biến địa chất và sự cần thiết sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Phải là khu vực có cơ quan quản lý đủ tư cách pháp nhân, được công nhận theo luật pháp quốc gia. Theo đó CVĐC cần có một Ban Quản lý được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng nhằm hỗ trợ cộng đồng địa phương phát triển kinh tế cũng như vận hành CVĐCTC theo đúng các quy định của UNESCO.

Cộng đồng địa phương, đặc biệt cộng đồng dân tộc thiểu số phải được tham gia vào các hoạt động của công viên. Một kế hoạch đồng quản lý cần phải được soạn thảo và thực hiện nhằm phục vụ cho các nhu cầu kinh tế - xã hội của người dân địa phương, bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên và giữ gìn bản sắc văn hóa của họ.

Các địa phương có CVĐCTC của Việt Nam thường ban hành các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với kế hoạch phát huy và bảo tồn giá trị của CVĐCTC trong đó có sự đầu tư và phát triển các điểm đến, nâng cấp, hoàn thành các dự án phát triển hạ tầng vùng CVĐCTC cũng như các cơ sở hạ tầng về du lịch để tạo thuận lợi trong việc thu hút du khách du lịch; xây dựng, phát triển, khai thác tiềm năng của các tuyến du lịch trong vùng CVÐC.

Được khuyến khích chia sẻ những kinh nghiệm và thực hiện các dự án hợp tác trong khuôn khổ Mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu.

Tôn trọng các luật lệ của quốc gia và địa phương trong lĩnh vực bảo tồn di sản địa chất. Việc xác định, khoanh vùng các điểm di sản địa chất cần phải được bảo vệ trước bất kỳ mục đích sử dụng không đúng với pháp luật quy định.

Miền đất của những âm điệu

- Các giá trị đặc trưng và giá trị nổi bật của của Công viên địa chất Đắc Nông là gì thưa ông?

CVĐC Đắk Nông thành lập năm 2015, được hình thành, phát triển theo các tiêu chí của Mạng lưới CVĐCTC. CVĐC Đắk Nông có diện tích hơn 4.700km2, chiếm hơn 2/5 diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông, trải dài trên 06 huyện, thị của tỉnh.

{keywords}
Diễn tấu cồng chiêng.

Với hơn một nửa diện tích là đá núi lửa basalt, CVĐC Đắk Nông từ lâu đã nổi tiếng là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới cùng hàng chục loài cây công nghiệp, cây ăn quả chất lượng cao, sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới; với khoáng sản bauxite chiếm tới 62% trữ lượng của Việt Nam và 20% của toàn thế giới.

Từ năm 2007, khu vực này còn được biết đến thêm bởi những phát hiện về hệ thống hang động núi lửa phong phú, đa dạng nhất khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là những phát hiện gần đây (2017-2018) về các di chỉ của người tiền sử đã từng sinh sống trong các hang động này từ hàng chục nghìn năm trước.

Ngoài ra, có những điểm khác biệt giữa CVĐC Đắk Nông so với các CVĐC trên thế giới như:

Ngoài giá trị địa chất, núi lửa, CVĐC Đắk Nông còn có giá trị văn hóa được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua từ “Đắk”. “Đắk” theo tiếng của người dân tộc M’Nông - một tộc người bản địa lớn nhất và lâu đời nhất trên vùng đất này - vừa có nghĩa là “nguồn nước” lại vừa có nghĩa là “nguồn sống”. “Đắk Nông” nghĩa là vùng đất sinh sống của người M’Nông, với hàng trăm địa danh ở khu vực này bắt đầu bằng từ “Đắk”.

Hai là, CVĐC Đắk Nông cũng không kém phần nổi tiếng bởi những bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng và độc đáo về văn hóa bản địa với 3 dân tộc chính là M’Nông, Mạ và Ê-đê cùng với 40 dân tộc thiểu số đã di cư và sinh sống tại đây, với di sản văn hóa phi vật thể “ Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận năm 2005.

Ba là, Đắk Nông còn được biết đến sớm hơn, từ cuối thập kỷ 40 của thế kỷ trước, bởi những phát hiện đầu tiên ở Việt Nam cũng như trên thế giới về cồng đá (Goong lú), được người tiền sử chế tác từ đá sừng và đá núi lửa basalt và sử dụng từ khoảng 3.000 năm trước, qua đó trở thành một trong những loại nhạc cụ cổ xưa nhất của nhân loại.

Với hậu duệ là cồng chiêng bằng đồng và các nhạc cụ dân gian khác từ tre nứa, lồ ô, thậm chí từ lá cây, cọng cỏ..., cồng đá đã trở thành ”âm thanh mẹ” của hệ thống nhạc cụ dân gian trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất này, thành “âm điệu chủ đạo” của CVĐC Đắk Nông.

Âm điệu độc đáo này, cùng các câu hát khấn thần, sử thi huyền bí đậm chất Tây Nguyên, tiếng nói, lời hát dân ca của hơn 40 dân tộc anh em trong các buổi chợ phiên, lễ hội cũng như trong cuộc sống hàng ngày của họ, tiếng suối reo, tiếng thác đổ, tiếng núi lửa phun, tiếng chim chóc và các loài muông thú khác, tiếng rì rào của gió, tiếng các hạt cây đang cựa mình trong đất, thậm chí, đã có một thời, là tiếng va chạm khốc liệt của các loại vũ khí, tất cả đã hòa quyện để CVĐC Đăk Nông trở thành “Miền đất của những âm điệu”.

- Chúng ta sẽ phải làm gì để bảo tồn và phát triển di sản địa chất?

Việc được công nhận là công viên địa chất toàn cầu, một loại hình danh hiệu di sản địa chất cấp quốc tế vừa là một vinh dự nhưng cũng đặt ra một số yêu cầu đối với địa phương có di sản. Một mặt chúng ta cần phát huy tốt danh hiệu để phát huy giá trị đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, mặt khác cần làm tốt công tác bảo tồn và thực hiện các cam kết với UNESCO.

Cụ thể để bảo tồn và phát triển di sản địa chất cần thực hiện tốt một số công việc sau:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành tại địa phương có danh hiệu về tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của CVĐCTC, đặc biệt là các quy định của UNESCO đối với loại hình danh hiệu di sản này. Khác với các Di sản văn hóa và thiên nhiên, UNESCO không quy định cụ thể các vấn đề được phép hay không được phép triển khai đối với Công viên địa chất.

UNESCO chỉ nhấn mạnh việc bảo tồn di sản địa chất cần tuân thủ các quy định của pháp luật của các quốc gia sở hữu di sản. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về phát triển du lịch bền vững, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, di sản tự nhiên, địa chất địa mạo thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về CVÐC tại cộng đồng.

Đối với các địa phương sở hữu di sản địa chất của Việt Nam hiện nay như Hà Giang, Cao Bằng, Đắk Nông là các địa phương ở vùng cao, tây nguyên, cần đề cao vai trò văn hóa bản địa, mặt khác cần có chính sách góp phần nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng dân cư địa phương trong phát triển du lịch văn hóa.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình CVĐCTC, trong đó ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch là đặc thù của địa phương để nâng cao tính cạnh tranh, tạo dấu ấn riêng mang tầm vóc quốc gia; đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, từng bước hình thành thương hiệu du lịch CVÐC, gắn với các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Việc hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch theo hướng phát triển bền vững sẽ giúp bảo tồn các giá trị di sản địa chất, giảm thiểu tối đã những tác động tiêu cực tới di sản địa chất, cảnh quan môi trường.

Thứ ba, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học, xác định thêm các giá trị địa chất mang tầm cỡ quốc tế để bổ sung hồ sơ, phục vụ công tác tái thẩm định CVĐC sau mỗi 4 năm được công nhận; xây dựng, phát triển, khai thác tiềm năng của các tuyến du lịch trong vùng CVÐC, xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá định kỳ, kiểm tra các điểm di sản, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ các điểm di sản trong vùng CVÐC.

Thứ tư, cần xây dựng một Ban Quản lý CVĐC với bộ máy phù hợp, đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển CVĐC toàn cầu theo các tiêu chí của Mạng lưới CVĐCTC.

UNESCO đã quy định việc một CVĐCTC cần phải được quản lý bởi một đơn vị có tư cách pháp nhân rõ ràng, được pháp luật công nhận và sự quan tâm của chính quyền địa phương; có đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu công việc; có nguồn tài chính ổn định; có sự tham gia công tác quản lý CVĐC của cấp chính quyền cao nhất ở địa phương.

Tình Lê

Ảnh: daknonggeopark