Theo tờ Chronicle của Zimbabwe, cụ bà Nkazanyana Ncube sống ở làng Kwine đã trải qua hai lần “sống lại” trong đám tang.
Cụ bà được cho là tử vong ở nhà vào 3 giờ sáng ngày 25/7. Sáng hôm sau, dân làng đưa thi thể cụ đi an táng. Ngay trước khi chôn cất, dân làng nhìn thấy cụ bà bọc trong tấm vải liệm cử động, vẫn còn thở nên lại đưa về nhà.
Đến 1 giờ sáng ngày hôm sau, gia đình lại phát hiện cụ bà “lạnh đi” và bắt đầu chuẩn bị an táng. Nhưng cụ bà lại cử động và chỉ thực sự qua đời vào lúc 6 giờ sáng.
Gia đình và người dân trong làng quyết định chờ đến 11 giờ trưa mới chôn cất để đảm bảo rằng không có sai sót xảy ra.
Gia đình cụ Ncube nói rằng họ không hoảng sợ vì cho rằng, cụ bà “sống lại” tới hai lần là do tổ tiên can thiệp.
Tede Moyo, một người dân trong làng, nói đây là lần đầu tiên cô nghe thấy có trường hợp có người “sống lại sau khi chết”.
“Điều đó thực sự đáng ngại. Hãy tưởng tượng bà ấy mà nằm trong quan tài, bà ấy sẽ bị chôn sống. Tôi chưa từng biết sự việc nào tương tự trước đây”, Moyo chia sẻ.
Xolani Ndlovu, giám đốc trung tâm y tế Mpilo ở Zimbabwe, nói rất khó để biết rõ chuyện gì xảy ra với cụ bà Ncube vì gia đình không đưa bà đến viện.
Ông Ndlovu nói người già đến giai đoạn sắp qua đời có thể trải qua những thời khắc ở giữa sự sống và cái chết, có thể không còn ý thức.
“Tôi nghĩ rằng cụ bà khi đó chưa thực sự qua đời. Một người chỉ được xác định là đã chết nếu não không còn bất kì hoạt động nào. Không giống như tim, một khi não ngừng hoạt động thì nó không thể khởi động lại được”, ông Ndlovu nói.
Trong trường hợp này, cụ bà có thể mới chỉ rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nhịp tim rất thấp nên gia đình nghĩ là cụ bà đã chết, theo ông Ndlovu.
Đó là lý do chỉ có các bác sĩ mới có thể kết luận rằng một người đã chết hay chưa, ông Ndlovu nói thêm.
'Công trình nghệ thuật' trên núi hơn 10 năm mới xong của cụ ông Hà Nam
Sau hơn chục năm miệt mài xách nước, cõng xi măng, sắt lên núi đắp tượng, công trình hoàn thành cũng là lúc cụ Đức đã ở tuổi xưa nay hiếm.
Theo Dân Việt