Gameshow và những cú lừa dành cho khán giả
Nhiều tháng sau chương trình “Cho phép được yêu”, mọi chuyện mới được lật tẩy, những người tham gia chương trình đó đều chỉ là diễn viên được thuê, và diễn theo một kịch bản có sẵn.
“Tôi không hẹn hò với cô gái đó sau khi ghi hình. Ông bố chỉ là ông bố giả, không phải bố thật. Đều là diễn viên... Tôi chỉ làm theo kịch bản” - nhân vật kể lại khi đứng giữa tâm bão chỉ trích của một gameshow khác.
Các gameshow hẹn hò hiện đang tràn ngập trên truyền hình, với muôn hình vạn trạng các dạng kịch bản và những kiểu hỗn loạn khác nhau: Hành lý tình yêu, Lựa chọn của trái tim, Tỏ tình hoàn mỹ, Cho phép được yêu, Người ấy là ai, Ngôi sao tình yêu, Hẹn ăn trưa, Vô lăng tình yêu...
Từ những chương trình này đã nảy sinh vô số những scandal, bị khán giả la ó, chỉ trích dữ dội, nhưng vẫn tiếp tục được nở rộ trên các kênh sóng.
Những cú lừa đã diễn ra nhiều lần. Tính dàn dựng đã bị lộ tẩy, nhưng các nhà sản xuất vẫn đua nhau cho ra lò các kịch bản theo các cách lừa khác nhau.
Lê Đức được gameshow xây dựng là hình ảnh hotboy, không uống rượu, không hút thuốc. Ảnh: CMH |
Nhưng đây mới là hiện thực của nhân vật ở ngoài đời, không phải như gameshow hẹn hò xây dựng. Ảnh: CMH |
Công Hoàng hồi tháng 5.2021 khi tham gia “Cho phép được yêu” giới thiệu mình là một quản lý cửa hàng thời trang, xuất hiện cùng “bố đẻ” trong chương trình để nói về một gia đình đề cao chữ “Đức”.
Tháng 11.2021, vẫn là Công Hoàng xuất hiện ở “Hành lý tình yêu” giới thiệu mình là một kế toán, lớn lên trong một gia đình gia phong, trọng nam khinh nữ, “đàn ông ngồi mâm trên, phụ nữ ngồi mâm dưới”, cưới vợ phải sinh được con trai.
Trong “Người ấy là ai” mùa 3, nhân vật Việt kiều Canada Michael Trương tiết lộ mình đã ly hôn 6 tháng, đến tham gia gameshow để được mối lái hẹn hò, nhưng sau đó bị tố nói dối. Được biết, trong khoảng thời gian ghi hình, anh này và vợ chỉ đang ly thân.
Trong gameshow “Đại chiến kén rể”, Lê Đức giới thiệu bản thân là cử nhân Điều dưỡng, đồng thời là quản lý một quán trà sữa, là mẫu hình của đàn ông “không rượu bia, không hút thuốc”. Nhưng, sau khi chương trình phát sóng, một số bạn cũ của Lê Đức cho biết anh chỉ học cao đẳng nên không thể là cử nhân Điều dưỡng. Đồng thời, bức ảnh Lê Đức hút thuốc lá cũng được chia sẻ rộng rãi khắp cộng đồng mạng.
Hay ở tập 38 chương trình “Ngôi sao tình yêu”, người chơi Tố My được nam chính Sỹ Hưng lựa chọn sau khi loại cô gái khác. Tuy nhiên, khi cả hai chuẩn bị hôn nhau, nữ sinh thú nhận đã có người yêu rồi. Cô tham gia chương trình chỉ vì “đam mê ánh đèn sân khấu”.
Michael Trương bị chỉ trích vì được xây dựng ở gameshow là người đàn ông đã ly hôn, nhưng thực tế chỉ đang ly thân với vợ. Ảnh: CMH |
Để thấy, những người chơi, khi đến với các gameshow, họ phải theo một kịch bản dàn dựng có sẵn, họ phải trở thành những nhân vật – đôi khi, khác hẳn với mình ngoài đời. Công Hoàng, Lê Đức hay Michael Trương có thể đã không cố tình nói dối, họ chỉ được thuê diễn, được vào một vai – mà không giống mình.
Sự hỗn loạn của gameshow và cái tát vào văn hóa
Những gameshow hẹn hò sau hàng loạt scandal vẫn đang được tiếp tay để mọc lên như “nấm sau mưa”. Sự bùng nổ của thể loại này từng được phân tích, là vì biết cách đánh vào tâm lý và đẩy cao cảm xúc người xem. Mọi scandal xảy ra chỉ giúp những chương trình này tăng rating, như cách “Hành lý tình yêu” đang có được.
Thế nên, nhà sản xuất không sợ scandal, không sợ sự tranh cãi, họ ra sức tạo thêm tranh cãi để là bệ phóng, là chất xúc tác cho rating tăng. Việc lạm dụng đủ mọi chiêu trò phản cảm để tăng rating đã được phản ánh nhiều lần, nhưng việc lạm dụng sự khác biệt trong chuẩn mực văn hóa vùng miền để tăng rating – đã đi quá xa.
Diễn viên Anh Vũ phim “Hương vị tình thân” mới đây tham gia gameshow hẹn hò. Có thực sự, nam diễn viên phải cần đến show hẹn hò để tìm bạn gái? Hay đây cũng chỉ là một “vai diễn” của anh, được nhà sản xuất mời?. Ảnh: FBNV |
Nhiều chương trình hài khi lạm dụng phương ngữ, tiếng nói, ngôn ngữ của các tỉnh để gây cười – đã từng bị chỉ trích dữ dội.
Việc đưa một thanh niên Huế lên sóng, để nhân vật nói về gia đình, dòng họ mình ở Huế với những lề thói “xếp mâm trên cho đàn ông, mâm dưới cho phụ nữ”, “ly hôn vợ khi không sinh con trai” – nói như ông Phan Thiên Định, “Đó thực sự là cú tát khá đau vào văn hóa, ngay sau Hội nghị Văn hóa”.
Theo Lao Động
Chàng trai gốc Huế nói 'ly hôn nếu vợ không sinh con trai' lên tiếng xin lỗi
Công Hoàng vừa quay clip gửi lời xin lỗi đến các ban ngành, đoàn thể cùng người dân tỉnh TT-Huế và cộng đồng mạng.