TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đại Nam. |
“Thành công không có từ may- rủi”
-Thưa TS.Lê Đắc Sơn, thống kế cho thấy, 80% người nghèo khổ trong xã hội không có học sau phổ thông; 90% người giàu là người có học từ ĐH trở lên, ông suy nghĩ gì về điều này?
Trong cuộc sống, cơ hội làm giàu luôn chia đều cho tất cả mọi người. Điều quan trọng, ai là người có đủ kiến thức, bản lĩnh để nhận ra và nắm bắt cơ hội? Thực tế cho thấy, chỉ những người có kiến thức, được đào tạo cơ bản, mới có thể nhanh nhạy nhận biết cơ hội và trở nên giàu có, thành đạt.
TS. Lê Đắc Sơn (giữa) và Ban Giám hiệu Trường ĐH Đại Nam. |
Con số thống kê nêu trên phản ánh rất đúng bản chất và tác động của tri thức với cuộc sống con người. Sự thành công của con người không trông chờ được vào may -rủi. Thực tế cuộc sống không hiếm trường hợp bỗng dưng trở nên giàu có sau một đêm, như: trúng xổ số, thắng bạc, được đền bù ruộng đất… Thế nhưng, phần đông trong số họ không giữ được tiền, do không có kiến thức để quản trị sự giàu có bất ngờ đó.
-Rất nhiều người cho rằng, để thành công trong cuộc sống không nhất thiết phải học ĐH, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
ĐH không phải là con đường học tập duy nhất; bằng ĐH không đảm bảo cho bất kỳ ai một cuộc sống dễ chịu hơn nếu bản thân người đó không nỗ lực học tập và tích lũy tri thức. Tuy nhiên, trườngĐH mang đến cho chúng ta cơ hội và điều kiện tốt nhất để tiếp cận tri thức, bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Bằng ĐH là giấy thông hành quan trọng đưa bạn đến với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.
Những trường hợp không học ĐH nhưng vẫn thành công như Bill Gates, Steve Job rất hiếm hoi, mang tính chất động viên, AQ chứ không mang tính chất xây dựng để giới trẻ noi gương.
Chỉ có học tập mới có đủ tri thức để hòa nhập với cuộc sống hiện đại. |
Học đại học để làm gì?
-Thưa TS. Lê Đắc Sơn, rất nhiều bạn trẻ học ĐH nhưng lại không xác định được mục tiêu của việc học ĐH là gì. Vậy theo ông, học ĐH là để làm gì?
Nếu bậc phổ thông dạy văn hóa, cách sống, cách làm người và những kiến thức cơ bản để hòa nhập đại trà vào xã hội thì trường ĐH dạy cách tư duy, cách phát triển tri thức để giải quyết công việc ở mức độ cao phục vụ cho việc kiếm sống, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Hiện nay, các cơ quan, doanh nghiệp chỉ coi bằng cấp là giấy thông hành để bạn được vào phỏng vấn xin việc. Nếu bạn làm việc được, tấm bằng ấy có giá trị; không làm được việc, tấm bằng ấy vô nghĩa. Không thiếu người có nhiều bằng cấp nhưng cả đời không làm được việc gì ra hồn với những bằng cấp ấy. Ngược lại, nhiều người chỉ có bằng cơ bản nhưng do học tập suốt đời nên phát triển khả năng làm việc, khả năng quản lý và thành công trong cuộc sống.
Học đi đôi với hành, gắn đào tạo với thực tiễn cuộc sống là tôn chỉ hoạt động của ĐH Đại Nam. |
Cử nhân ra trường thất nghiệp đáng thương hay đáng trách?
-Những năm gần đây, báo đài liên tục đưa tin về tình trạng cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp “treo bằng” đi làm công nhân. Theo ông, đâu là nguyên nhân gây nên tình trạng này?
Hệ thống giáo dục ĐH và sau ĐH của Việt Nam đang rất nặng về lý thuyết hàn lâm, thiếu tính ứng dụng. Hệ quả là đào tạo ra các thế hệ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ không nắm vững kiến thức chuyên môn, không có ngoại ngữ và kỹ năng làm việc. Là người làm trong ngành giáo dục, tôi rất đau xót khi nghe các con số thống kê này.
Tuy nhiên nguyên nhân còn do người học. Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp vì không có kỹ năng làm việc. 4 năm, 5 năm học trong trường đại học tiếp cận tri thức một cách thụ động, không nỗ lực để học hỏi, không năng động để trải nghiệm, cứ chạy lòng vòng để có được tấm bằng và ôm hy vọng ra trường vào cơ quan Nhà nước ăn biên chế suốt đời. Khi không vào được Nhà nước mới loay hoay chạy ra doanh nghiệp nhưng lại không có khả năng làm việc.Họ đáng trách chứ không đáng thương.
-Vậy, để tạo nên những thế hệ công dân toàn cầu, giáo dục ĐH Việt Nam cần đổi mới theo hướng nào, thưa TS?
Bằng cấp chỉ là minh chứng cho một giai đoạn học tập của con người, trong khi đó sự học là cả 1 quá trình lâu dài. Mỗi cá nhân cần xác định rõ mục tiêu học tập của mình là gì và nỗ lực không ngừng nghỉ cho mục tiêu đó. Học nhiều khác bằng nhiều; thực học không gắn liền với bằng cấp; học nhiều không phải chỉ có mục đích để trở thành giáo sư, tiến sĩ, để có bậc hệ số lương cao mà học nhiều để có nhiều kiến thức phục vụ cho việc kiếm sống và tìm kiếm thành công.
SV Điều dưỡng DNU thực tập tại Nhật Bản. |
Kiến thức chuyên môn, công nghệ thông tin, ngoại ngữ và kỹ năng mềm là những yếu tố doanh nghiệp nào cũng cần, trong khi đó chương trình đào tạo của các trường đại học lại đang rất thiếu. Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế đòn bẩy để các trường đại học phát huy tính tự chủ, đổi mới, sáng tạo trong dạy học; các cơ sở giáo dục phải thực sự được cải tổ để làm giáo dục một cách có Tâm, có Tầm hơn.
-Xin cảm ơn ông!
Thu Hòe (thực hiện)