Trong khi bạn bè bắt đầu sự nghiệp trong các văn phòng máy lạnh thì Eliza Lee, 22 tuổi đang băm tỏi và ghi thực đơn.


Lee và chồng –  chủ một quầy bán cơm gà. Ảnh TNP

Hai năm qua, cô giúp việc trong một quầy hàng chuyên bán món ăn tinh túy của Singapore là cơm gà. Chỉ khác một điều là cô không làm công việc này để kiếm thêm chút tiền. Cô con gái của một gia đình sở hữu doanh nghiệp chuyên sản xuất túi xách không cần tới nó.

Lee phải đứng từ 10 tới 15 tiếng mỗi ngày, đủ 7 ngày/ tuần. Lý do cô có mặt ở quầy ăn này là chồng chưa cưới của cô – Michael Poh, 32 tuổi là chủ sở hữu quầy ăn.
 
Lee đã từng học ở một trường trung học hàng đầu. Cô có bằng cử nhân ngành khách sạn và du lịch của Viện Phát triển quản lý Singapore.

Cô chia sẻ rằng việc sắp là vợ của một người bán rong không khiến cô phiền lòng.

“Thực sự, khoảng cách 10 tuổi giữa chúng tôi là mối quan tâm nhiều hơn” – cô cười.

Suy nghĩ này rất hiếm ở những người phụ nữ ở tuổi Lee.

Khoảng cách giữa lao động chân tay và nhân viên văn phòng vẫn còn tồn tại. Khi nói tới việc chọn bạn đời, hầu hết sinh viên đại học đều không xem xét tới đối tượng chỉ là lao động chân tay.

Anh Poh từ chối tiết lộ anh kiếm được chính xác bao nhiêu tiền mỗi tháng, nhưng anh cho biết nó đủ để bố mẹ anh và vị hôn thê có một cuộc sống thoải mái.

Anh Poh – người đã quyết định đi bán cơm gà để kiếm sống sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự - thừa nhận rằng những người phụ nữ như vợ sắp cưới của anh là rất hiếm.

“Tôi cố gắng khuyên cô ấy nghỉ 1 ngày nhưng cô ấy từ chối. Tôi biết là cô ấy muốn chia sẻ công việc với tôi. Cô ấy không muốn tôi mệt mỏi”. Anh nói thêm rằng trước khi giúp việc ở quầy hàng này, Lee chưa hề phải chạm tay vào nước rửa bát.

Cô thừa nhận rằng làm việc ở một quầy bán cơm gà chưa bao giờ là ước mơ thời thơ ấu của cô.

Nói tiếng Anh trôi chảy, Lee nói đùa: “Cuộc sống của tôi lúc đó rất vô tư. Chưa bao giờ phải lo lắng về tiền bạc. Chuyện đó đã có bố mẹ lo. Tất cả những gì tôi làm sau khi đi học về là vào phòng ngủ có điều hòa và ngủ”.

Còn bây giờ, Lee không được đi ngủ cho tới 1 giờ sáng sau khi quầy hàng đã được dọn dẹp và đóng cửa.


Lee sinh ra trong một gia đình khá giả và trước đó chưa hề phải làm những công việc như thế này. Ảnh TNP

Khi được hỏi điều gì ở người đàn ông hói đầu này thu hút cô. Cô nói: “Chúng tôi hợp nhau và có những cuộc trò chuyện không hề dứt”.

“Tôi tiếp xúc với anh ấy 24/7 trong 2 năm qua, nhưng chúng tôi vẫn có nhiều chuyện để nói. Khi thấy chúng tôi nói nhiều, một số khách hàng còn đề nghị chúng tôi nói ít hơn để họ được phục vụ nhanh” – cô kể.

“Chúng tôi có một mục đích chung, là xây dựng một gia đình cùng nhau”.

Tuần trước, Phó Thủ tướng Singapore Tharman Shanmugaratnam đã kêu gọi người dân nước này nên tự hào về những công việc lao động chân tay và coi họ là cốt lõi của lực lượng lao động.

“Chúng ta không thể chỉ là một xã hội của các công ty bất động sản, các công ty bảo hiểm, ngân hàng và những nhân viên văn phòng” – ông nói.

Ông cũng đề nghị người Singapore nên thay đổi quan niệm về những công việc lao động chân tay.

“Bạn cần một xã hội đối xử với người lao động chân tay bằng sự tôn trọng. Một xã hội – nơi mà một bà mẹ thực sự hạnh phúc khi cô con gái nói rằng ‘Con sẽ hẹn họ với một anh bồi bàn” – ông nói thêm.

Khi hỏi 50 nữ sinh viên còn đang học và đã tốt nghiệp đại học, tuổi từ 21 tới 28, 100% nói rằng họ sẽ không hẹn hò với một người lao động chân tay.

Lý do phổ biến bao gồm:

“Tôi thích tiếng Pháp và văn học. Tôi không biết liệu có bao nhiêu người trong số họ cũng thích những thứ đó” – Joyce Loh, 24 tuổi, tốt nghiệp ĐH Melbourne trả lời.

Bố mẹ tôi sẽ không đồng ý.
“Bố mẹ không muốn chúng tôi hẹn hò với những người kiếm được ít tiền hơn hoặc trình độ thấp hơn” – Farhana Aziz, 26 tuổi, đang làm việc trong lĩnh vực tài chính chia sẻ.

Anh ấy sẽ không đi chơi được với bạn tôi.
“Hầu như bạn tôi đều hẹn hò với bạn cùng khóa, hoặc ai đó có cùng địa vị xã hội. Tôi không thấy tự hào khi giới thiệu bạn trai với đám đông nếu như anh ta kém cỏi hơn” – Elaine Ang, 24 tuổi, tốt nghiệp ĐH Quốc gia Singapore cho hay.

  • Nguyễn Thảo (Theo The New Paper)