- Ông Đỗ Hữu Đức, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) cho biết: Cục vừa có công văn yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp tăng cường kiểm soát chất lượng xe trước khi xuất xưởng và báo cáo những vấn đề phát sinh đối với chất lượng xe.

Liên quan đến vụ nổ xe máy, ông Đức cho biết: Ngay sau khi nhận được các thông tin liên quan đến xe máy bị cháy nổ, Cục Đăng kiểm VN đã có văn bản gửi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an - cơ quan giám định, xác định nguyên và đề nghị thông báo cho cục kết quả giám định.

Theo ông Đức, về lâu dài, Cục sẽ thu thập thêm thông tin, tổ chức nghiên cứu, đánh giá và đề xuất với Bộ GTVT một số biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với xe máy khi đưa vào sử dụng.
 
Để phòng chống cháy nổ xe, ông Đức cho rằng, người sử dụng xe cần lưu ý: không lắp đặt thêm các thiết bị khác so với xe do nhà sản xuất chế tạo; định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa xe theo đúng quy định...


“Cục Đăng kiểm VN có thể tìm hiểu nguồn gốc xe từ số khung, số máy của xe để xác minh những chiếc xe bị cháy nổ có được kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng hay kiểm định định kỳ...”, ông Đức cho biết.

Dù vậy, ông Đức cũng cho rằng, về nguyên tắc, nếu có số khung và số máy của xe, Cục có thể xác định chính xác chiếc xe máy được sản xuất tại đâu, khi nào. Tuy nhiên, do không có chức năng điều tra tai nạn, cháy nổ xe nên Cục không có điều kiện tiếp cận với xe cháy và nhân chứng nên cũng chỉ có thông tin về xe bị cháy qua báo chí.

Riêng chiếc xe được gọi là xe “SH” cháy ở Kim Mã (Hà Nội), ông Đức cho hay: Căn cứ vào số động cơ (đăng tải trên báo) Cục Đăng kiểm xác định được đây không phải là xe Honda SH mà là xe mang nhãn hiệu Union 150 do Công ty Điện máy và kỹ thuật công nghệ (có trụ sở tại Đà Nẵng) lắp ráp và xuất xưởng năm 2005.

Về nguyên nhân gây cháy nổ ôtô, xe máy xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, ông Đức thông tin: Về góc độ kỹ thuật, trong thực tế có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn tới cháy nổ xe như: cháy nổ do va chạm, đổ xe, cháy nổ do nhiên liệu bị rò rỉ, bị trào vào các bộ phận phát tia lửa điện, cháy nổ do cháy, chập hệ thống điện do tự ý thay đổi kết cấu, trang bị điện của xe; cháy nổ do sử dụng phụ tùng, dây dẫn điện không rõ nguồn gốc hoặc sửa chữa, đấu nối điện không đúng kỹ thuật...

Để phòng chống cháy nổ xe, ông Đức khuyến cáo, người sử dụng xe cần lưu ý: không lắp đặt thêm các thiết bị khác so với xe do nhà sản xuất chế tạo; định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa xe theo đúng quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất tại các cơ sở sửa chữa có kinh nghiệm, uy tín.

Đặc biệt, không sử dụng nhiên liệu, phụ tùng... không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngoài ra, hằng ngày cần kiểm tra sơ bộ tình trạng các bộ phận chính liên quan đến an toàn như phanh, rò rỉ nhiên liệu, điện...

Vũ Điệp