Bảo tồn các giá trị văn hoá không đối lập với phát triển đô thị, và Hà Nội có thể đảm bảo rằng những lợi ích của tiến trình đô thị hoá ngày nay sẽ mãi bền vững trong tương lai. Đó là điều mà Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hoà bình" (7-9/10) sẽ tập trung mổ xẻ.

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho biết hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trong và ngoài nước trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất để làm sáng tỏ những giá trị, truyền thống tốt đẹp được đúc kết qua 1000 năm qua của Hà Nội.

Mô tả ảnh.
Hội thảo sẽ cố gắng tìm câu trả lời cho những thách thức phát triển của Hà Nội. Ảnh: TC

Hội thảo sẽ tập trung phân tích các giá trị lịch sử và văn hoá của Thăng Long - Hà Nội; các điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường của thủ đô; vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị của Hà Nội cũng như quan hệ giữa Thủ đô và các vùng miền.

GS. NGND Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN): Bảo tồn di sản văn hoá của Thủ đô không thể nói là không quan trọng, nhưng hướng tới tương lai để phát triển một thủ đô văn minh bền vững cũng quan trọng không kém việc nhìn về quá khứ.

PGS. Lê Mậu Hãn (Đại học Quốc gia HN): Chúng ta cần những bộ não thông minh, biết bảo tồn quá khứ, giữ vững và phát triển hiện tại. Duy trì những di tích còn lại của Hà Nội là duy trì một phần quá khứ cho con cháu nay mai, dù nhỏ nhưng giá trị lớn. Dân nhỏ ấy, nước nhỏ ấy đã chiến thắng những đế quốc lớn bằng ý chí khát vọng độc lập tự do.

Theo ông Vũ Minh Giang, trong quá trình phát triển Thủ đô, vẫn còn những thách thức nổi lên cần được tập trung nghiên cứu làm rõ.

Bài toán quy hoạch tổng thể không thể hạn hẹp về tầm nhìn, không thể để có những hậu quả, sai lầm không thể sửa chữa được. Các vấn nạn như ùn tắc giao thông, ngập úng khi trời mưa, rác, nhà siêu mỏng, siêu méo... chưa được nghiên cứu một cách nghiêm túc mà chủ yếu vẫn "nước đến đâu bắc cầu đến đấy". Tăng trưởng cao nhưng phải đảm bảo ổn định bền vững, bảo vệ môi trường và giữ cốt cách, truyền thống thanh lịch của Thủ đô, cũng như quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai và chất xám của Hà Nội.

Bà Katherin Mueller-Marin, đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhận định "bảo tồn các giá trị văn hoá không đối lập với phát triển đô thị. Di sản có thể trở thành tâm điểm trong quy trình phát triển của thành phố chứ không đơn thuần là một phần lắp thêm vào. Quy trình đó là sự kết hợp hài hoà giữa nhận thức, coi trọng, bảo vệ và sử dụng di sản".

Bà nhấn mạnh thách thức của việc bảo tồn và phục hồi di sản là làm thế nào giải quyết nhiều vấn đề mà không phá hoại "văn hoá sống" và không di dời những người chính là "những người canh giữ di sản". Bà tin Hà Nội có thể đảm bảo được rằng những lợi ích có được từ tiến trình đô thị hoá ngày nay sẽ mãi mãi bền vững trong tương lai.

GS.TS William Logan (ĐH Deakin, Melbourne, Australia) thì nhận định Hà Nội là một thành phố mà di sản văn hoá của nó rất khó để đưa ra thành bộ phận riêng. Ông cảnh báo sẽ có những khó khăn và thách thức trong những năm tới như áp lực về du lịch, áp lực phải có những phương pháp bảo vệ thích hợp và hệ thống quản lý nghiêm ngặt.

Nếu không đề cập đến vấn đề này một cách hiệu quả, các di sản của Hà Nội, đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long, có thể có nguy cơ trượt ra khỏi danh sách di sản thế giới như đã từng xảy ra với Dresden năm 2009.

Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra trong hai ngày tới với hàng loạt tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Nga, Đức, Mỹ.

  • Thủy Chung