1. Xu hướng và triển vọng của thị trường thực phẩm – đồ uống Việt Nam

Thị trường thực phẩm – đồ uống (F&B) Việt Nam đang có rất nhiều biến động, việc cập nhật tình hình và các xu hướng liên quan đến sự phát triển của ngành là cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. 

Báo cáo của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho rằng những xu thế chính của ngành thực phẩm - đồ uống trong một vài năm tới là: (i) sự bùng nổ của các sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; (ii) sự trỗi dậy của niềm tin, của những giá trị thật và câu chuyện thật về sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp; (iii) ứng dụng dữ liệu lớn vào sản xuất, phân phối.

Chúng tôi đồng ý với  kết quả nghiên cứu trên của và Vietnam Report và muốn khẳng định thêm rằng, khi cùng nhân loại chuẩn bị bước sang thập kỷ thứ Ba của thế kỷ 21, thị trường F&B Việt có  xu hướng tăng lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ - thực phẩm organic và sẽ bắt đầu cuộc đua xanh - sạch - lành giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Thói quen ăn uống của người tiêu dùng (chú trọng đến chất lượng sản phẩm, ưu tiên lựa chọn sản phẩm xanh - sạch - lành) đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống khắp nơi trên thế giới.

Xu hướng xanh – xu hướng tiêu dùng nổi bật thể hiện ở việc người tiêu dùng tăng cường sử dụng sản phẩm nguồn gốc từ thực vật, ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật và những sản phẩm không chứa lactose (có nhiều trong sữa động vật).

Xu hướng sạch xuất phát từ bối cảnh vấn nạn vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng đáng báo động và sự gia tăng trong nhận thức cũng như trong thu nhập thực tế của người tiêu dùng Việt, theo đó các loại thực phẩm từ rau củ quả đến thịt, cá, tôm và cả đồ gia vị được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ sẽ "lên ngôi" ngoạn mục.

{keywords}
 

Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen cho thấy có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic cho những bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị thơm ngon. Quả  thật, quá trình sản xuất thực phẩm organic đảm bảo hoàn toàn không có sự can thiệp của các loại hóa chất độc hại như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, hormone kích thích tăng trưởng… Phương pháp trồng và nuôi cấy tự nhiên giúp rau quả organic giữ được mùi vị tự nhiên, hấp dẫn hơn khi ăn. Táo organic sẽ giòn hơn; dâu tây có vị ngọt vượt trội; chanh mọng nước và thơm hơn; rau má còn nguyên vị tươi mát…Đáng chú ý hơn, thực phẩm hữu cơ có tác dụng trong việc giảm nguy cơ bệnh tim, ung thư, đường huyết cao. Bởi vậy những lý do trên, người tiêu dùng Việt sẵn sàng bỏ ra chi phí cao hơn để đổi lại sự an tâm về sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Xu hướng lành thể hiện ở chỗ nên cạnh thực phẩm organic thì thực phẩm lành - có thành phần tốt cho sức khỏe như gạo lứt, cá hồi, bông cải xanh, việt quất…cũng là một trong những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng Việt.

Trong ít nhất 3 năm tới đây, Vietnam Report dự báo sẽ là thời điểm đột phá của các thực phẩm hữu cơ cùng với việc sử dụng các nguyên liệu, bao bì bảo vệ môi trường. Triển vọng của thị trường F&B Việt Nam cũng hòa theo triển vọng của thị trường F&B thế giới với doanh thu của thực phẩm và đồ uống hữu cơ tiềm năng đạt 320.5 tỷ USD vào năm 2025 (dù trong năm 2015 thị trường này mới chỉ ngấp nghé 77,4 tỷ USD). Riêng ngành đồ uống hữu cơ ước tính vượt trên 55 tỷ USD vào 2025 với mức tăng trưởng hàng năm lên đến 13,1%. (Theo nghiên cứu của Dublin - Công ty nghiên cứu thị trường của Ireland).  Một số nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam cho biết thực phẩm organic chỉ chiếm 0,2% tổng doanh thu của mình, hàng sản xuất ra không đủ bán; nếu cung đủ cầu, lượng tiêu thụ có thể tăng 5-10 lần trong 5-10 năm tới. Như vậy có thể nói xanh - sạch  - lành là một thị trường F&B hấp dẫn, cuộc đua cực kỳ tiềm năng.

2. Doanh nghiệp thực phẩm – đồ uống Việt nên làm gì trong cuộc đua xanh – sạch – lành

Thứ nhất, trong cuộc đua xanh - sạch  - lành, để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thu hút ngày càng nhiều khách hàng, rõ ràng các doanh nghiệp F&B nên nhận thức rõ những cơ hội và thách thức; chuẩn bị, thay đổi chiến lược kinh doanh để đi tắt đón đầu xu hướng.

Thứ hai, tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm hữu cơ là cực kỳ khắt khe với quy trình sản xuất tuân theo các quy định nghiêm ngặt, đòi hỏi sự đầu tư xứng tầm. Tuy nhiên, không phải chỉ có những doanh nghiệp lớn mới đủ khả năng bắt kịp xu hướng, nhanh chóng nhập cuộc và đủ sức cạnh tranh tại mảnh đất mới khai phá này. Tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia xu thế xanh - sạch  - lành, nếu không ở vai trò chủ đạo thì cũng có thể ở vai trò hỗ trợ. Vấn đề là nếu đã tham gia cuộc chơi thì không thể nửa vời, và phải hết sức kiên trì để đạt tới và duy trì các đòi hỏi của tiêu chuẩn.

Thứ ba, các thực phẩm và đồ uống hữu cơ, xanh - sạch  - lành đòi hỏi được tiêu dùng đồng bộ. Người tiêu dùng không thể chỉ ăn thịt, cá hữu cơ và vẫn sử dụng rau, củ, quả không hữu cơ và ngược lại nên các doanh nghiệp F&B có thể kết hợp với nhau trong sản xuất, phân phối sản phẩm. Việc hợp tác này có giúp giảm giá thành sản phẩm - đặc biệt trong khâu tiếp thị và đưa sản phẩm đến tận bàn ăn của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp F&B cũng có thể kết hợp với các công ty công nghệ  để nắm bắt thói quen, tiếp thị và giao hàng công nghệ bởi người tiêu dùng sản phẩm xanh - sạch  - lành thường có thu nhập cao và bận rộn hơn. Tiềm năng lớn nhất mà công nghệ thông tin mang lại cho ngành F&B là khả năng cá nhân hóa từ dữ liệu đã thu thập (đặc biệt từ các thiết bị theo dõi sức khỏe đeo tay đang dần trở nên thịnh hành), chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ tự động hóa để cung cấp sản phẩm có khả năng đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và sở thích khác nhau của mỗi cá nhân.

Khảo sát các doanh nghiệp trong ngành F&B của Vietnam Report cho thấy, đa số các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với 5 thách thức chính bao gồm: chất lượng nguồn nhân lực; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; nguồn nguyên liệu đầu vào; quy mô nhỏ; thương hiệu yếu và mẫu mã đơn giản. Tham gia vào làn sóng xanh - sạch  - lành, chắc chắn các doanh nghiệp F&B sẽ phải có định hướng giải quyết 5 thách thức trên.

Trong bối cảnh thu nhập khả dụng của người dân tăng lên, tỷ lệ dân số trẻ cao và tầng lớp trung lưu phát triển, người tiêu dùng dần trở thành những người tiêu dùng thông minh và hướng đến một lối sống xanh và lành mạnh thông qua việc sử dụng các thực phẩm có nguồn gốc hữu cơ và nguyên liệu sạch; cuộc đua xanh - sạch  - lành không kém phần cam go nhưng sẽ đem lại phần thưởng xứng đáng cho các doanh nghiệp F&B biết kịp thời nắm bắt xu hướng thị trường.

Ngày 06/11/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietnamNet tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng Profit500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 - nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có khả năng tạo lợi nhuận tốt, có tiềm năng trở thành những cột trụ cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần giới thiệu thương hiệu doanh nghiệp Việt tới cộng đồng kinh doanh trong nước và quốc tế.

Hotline: 0904.766.410 ( Ms. Tuyết )

Thông tin chi tiết về Bảng xếp hạng được đăng tải trên website: http://profit500.vn

TS. Phạm Trí Hùng/ Vietnam Report