Dù có tới 1,2 tỷ người nhưng Ấn Độ hiện vẫn đang vất vả lùng tìm
một người đảm nhiệm vai trò đao phủ, nhân vật chịu trách nhiệm treo cổ tù nhân.
Thông thường, Ấn Độ không cần một nhân vật như vậy do nước này hiếm khi thực thi việc tử hình kiểu này, vụ treo cổ lần gần đây nhất được tiến hành vào năm 2004. Tuy nhiên, vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Ấn Độ bất ngờ bác bỏ đơn thỉnh cầu lần cuối của một phạm nhân bị kết tội tử hình ở bang Assam. Các quan chức nhà tù, buộc phải thực thi bản án, đã ra thông báo tuyển một đao phủ.
Tuy nhiên, không ai đăng ký.
Một số đao phủ nổi tiếng của Ấn Độ đã chết, về hưu hoặc biến mất. Tình trạng này không gây ra ngạc nhiên, dựa trên sự mâu thuẫn trong hệ thống pháp lý của nước này về tử hình. Việc tử hình được luật hoá trong thời Anh cai trị và treo cổ là biện pháp được lựa chọn. Tuy nhiên, trong vài thập niên gần đây, những tranh cãi và các luật lệ đã hạn chế việc thực thi án tử hình.
Hiện nay, ngay cả các quan chức nhà tù cũng khuyến khích các tử tù làm đơn xin ân xá. "Có lúc, chúng tôi còn giúp các tử tù viết đơn", K.V Reddy - Chủ tịch Hiệp hội các quản tù trên toàn Ấn Độ, người phản đối án tử hình, cho biết. "Thông thường, ai cũng thông cảm với một người phải ở tù nhiều năm".
Tuy nhiên, bang Assam vẫn cần một đao phủ. Các tạp chí và nhiều tờ báo đã đăng tải các quảng cáo như: Tìm kiếm một người sẵn sàng buộc thòng lọng vào cổ một kẻ giết người.
Tại Assam, quan chức nhà tù bang đã rất ngần ngừ khi bắt đầu cuộc tìm kiếm đao phủ. Vụ tử hình cuối cùng ở Assam diễn ra vào năm 1990 và những gì diễn ra vẫn như in trong tâm trí những người tham gia. "Tôi cảm thấy bị giằng xé", Banikanta Baruah, một cai tù đã về hưu - người chứng kiến việc hành hình kể lại. "Một mặt, tôi thông cảm với người bị treo cổ, một mặt tôi phải thực thi nghĩa vụ cai tù của mình".
Các quan chức nhà tù đã tìm đao phủ tại các bang Tây Bengal và Uttar Pradesh. Tây Bengal là nơi ở của Nata Mullick, người thực thi việc treo cổ tử tù lần cuối cùng tại Ấn Độ lúc 87 tuổi. Tuy nhiên, ông này đã qua đời cách đây 2 năm, do đó quan chức Assam chuyển mục tiêu tìm kiếm sang Uttar Pradesh.
Tại Uttar Pradesh, việc tìm kiếm được triển khai ở Meerut, nơi sinh sống của một gia đình nổi tiếng với nghề đao phủ. Kalu Kumar, bản thân là cháu trai của một đao phủ, đã nổi tiếng toàn quốc vào năm 1989 khi treo cổ hai kẻ ám sát Indira Gandhi, cựu thủ tướng. Kalu Kumar qua đời cách đây vài năm song đã truyền nghề cho con trai là Mammu Singh, người đã thực hiện 11 vụ treo cổ.
Singh rất thích hợp để đảm nhiệm vai trò đao phủ tại Assam song nhân vật này đã qua đời vào ngày 19/5. Nhà chức trách đã viện tới đao phủ duy nhất của bang hiện sống ở Lucknow song người này bị gãy tay và cũng không nhận làm.
Có vẻ như, cuộc tìm kiếm đã rơi vào ngõ cụt.
Sau đó, con trai cả của Mammu Singh là Pawan Kumar đã quyết định tiếp nối sự nghiệp của gia đình. Mười ngày sau khi cha chết, Kumar đã nộp đơn xin giấy chứng nhận của chính phủ về việc mình là đao phủ. "Tôi muốn tiếp tục di sản của gia đình. Tôi là thế hệ thứ 4. Bạn có thể thấy, không có nhiều người tự nguyện làm đao phủ. Tôi phục vụ cho đất nước".
Số tiền một đao phủ nhận được không cao, một phần do sự hiếm hoi của các vụ tử hình và cũng do công việc này được coi là việc thời vụ. Tới giờ, ông Kumar vẫn làm người bán hàng dạo, bán quần áo trên xe đạp và đang chờ việc được trả 75 USD một tháng với tư cách là đao phủ.
Kumar đã được giới chức nhà tù mời phỏng vấn vào tháng trước. Tới giờ, Ấn Độ có lẽ không còn cần một đao phủ nữa.
- Hoài Linh (Theo NY Times)