Năm 1986, VN khai thác tấn dầu thương mại đầu tiên. Sự kiện ấy được đánh giá “góp phần quan trọng cho sự nghiệp đổi mới đất nước thành công”. Phía sau thành công ấy là cả một cuộc trường chinh đầy khát vọng để tìm kiếm nguồn “vàng đen” ròng rã suốt mấy chục năm trời. Tuổi Trẻ “giải mã” hồ sơ về cuộc trường chinh đặc biệt này.

Kỳ 1: Những vụ nổ dưới lòng đất

Hà Nội, đầu đông 2010. Trong căn nhà nhỏ đầy kỷ vật dầu khí, tiến sĩ (TS) Trương Minh, nguyên viện phó Viện Dầu khí VN, bồi hồi nhớ lại cuộc trường chinh tìm “vàng đen” gian khó của đất nước thời chiến tranh.

“Lửa bom giội xuống đầu. Còn chúng tôi đi tìm lửa dưới lòng đất. Đó là hành trình ròng rã suốt nhiều năm liền trong thiếu thốn, gian khổ, hiểm nguy nhưng đầy ý chí quyết tâm!”.

Ước nguyện nửa thế kỷ trước...



Bác Hồ đi thăm mỏ dầu khí Bacu (thuộc Liên Xô cũ) năm 1959 - Ảnh tư liệu

Lặng lẽ cùng tôi ngắm các tấm hình mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen đang rực sáng đuốc dầu trên biển, TS Minh bất ngờ hỏi: “Anh đã lần nào đặt chân lên các giàn khai thác này chưa?”. Tôi trả lời đã được vài lần bay ra Bạch Hổ và Sư Tử Đen. Rồi khi nghe tôi kể cảm xúc trên những giàn khai thác hiện đại và quy mô lớn này, TS Minh lại bất ngờ nói: “Đó là hình ảnh ngành dầu khí hôm nay. Còn gần nửa thế kỷ trước chúng tôi đã đi chân đất, cõng đồ trên vai để tìm vàng đen đấy”.

Trong ký ức của vị TS địa vật lý lớn tuổi này, sự kiện khởi đầu quan trọng là ngày 23-7-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vùng dầu mỏ phía bắc TP Bacu, nước Cộng hòa Azecbaijan thuộc Liên Xô cũ. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ ngành công nghiệp đặc biệt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng khi VN kháng chiến thắng lợi, nước bạn sẽ giúp đỡ VN khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng khu công nghiệp dầu khí mạnh...

Tuy nhiên, mong muốn lớn lao cho đất nước này đã không phải chờ đến ngày thống nhất. Ngay từ ngày 27-11 - 1961, Tổng cục Địa chất đã quyết định thành lập đoàn thăm dò dầu lửa 36 với nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò dầu hỏa và khí đốt. Đây là sự chính thức hóa chủ trương thăm dò tiềm năng dầu khí từ nửa cuối thập niên 1950 ở miền Bắc.

Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ buổi đầu “cuộc trường chinh tìm vàng đen”, một số người tiên phong không còn nữa, nhưng nhiều người còn khỏe mạnh và hồi tưởng kỷ niệm xúc động như chuyện mới hôm qua.

Ban đầu đoàn 36 có 15 chuyên gia Liên Xô, 22 kỹ thuật, 123 công nhân, 36 kỹ sư và trung cấp nghiệp vụ. Trụ sở đầu tiên của đoàn 36 ở Bắc Ninh, sau chuyển về Hưng Yên và phải di chuyển liên tục vì chiến tranh. Hầu hết đều là nhà tranh vách đất, chỉ một ít có tường xây để bảo quản máy móc. Còn các lãnh đạo, kỹ sư, công nhân đều vui vẻ ở trong các gian nhà “dễ nhìn ngắm bầu trời” vì mái tranh thủng dột...

Phát hỏa đầu tiên



Học Liên Xô về, TS Minh cùng các đồng nghiệp Hồ Đắc Hoài, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Ngọc Cư, Nguyễn Đức Lạc, Nguyễn Quang Hạp... đã tham gia “cuộc trường chinh tìm vàng đen” ngay giai đoạn đầu. Ngày 25-6-1962, phát nổ địa chấn phục vụ khảo sát dầu khí đã bùng lên ở làng Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

TS Minh nhớ cả đêm trước anh em đã thao thức để mong trời sáng. Hồi ký của ông kể: “Đây là phát nổ đầu tiên xem có sóng phản xạ từ lòng đất không... Hai ngọn cờ đỏ đuôi nheo phần phật gió chắn hai đầu đường đồng đầy cỏ may. Hai tốp bảo vệ đeo băng đỏ vừa nghiêm trang vừa tươi cười hướng dẫn bà con đi vòng lối khác. Một việc làm, hai tác dụng: bảo vệ an toàn tính mạng và tránh gây nhiễu ảnh hưởng độ chính xác của thí nghiệm.

Đúng giờ khai hỏa, 2,5kg thuốc nổ phát hỏa trên mặt đất. Một cột khói bốc cao. Đồng ruộng, nhà cửa rung lên như động đất, nước sóng sánh tràn bờ, tràn lên mặt đường. Trạm máy địa chấn SS-24P của Liên Xô và các máy thu sóng SP-1 đã ghi được các tín hiệu sóng phản xạ đầu tiên, 24 đường ghi trên giấy ảnh hiện lên các sóng địa chấn rõ nét tuyệt vời...”.

Hồi tưởng kỷ niệm, những người trong cuộc tâm sự đó là sự kiện quan trọng của buổi đầu ngành dầu khí. Nếu hình tượng một chút, quy trình thăm dò dầu khí cũng như cấy lúa. Nhà địa chất tiên phong tìm hiểu cơ bản đất đá. Giai đoạn đầu này ở miền Bắc đã được chuyên gia địa chất Liên Xô Kitovani và kỹ sư Nguyễn Giao, Nguyễn Đức Lạc triển khai từ năm 1959.

Đến giữa năm 1961, họ hoàn thành báo cáo “Triển vọng dầu và khí thiên nhiên ở VN Dân chủ cộng hòa”. Tiếp bước nhà địa chất là công việc địa vật lý như TS Minh và đồng nghiệp để nghiên cứu sâu tính chất lòng đất. Từ đó, các kỹ sư khoan sẽ như người đi cấy lúa đợi chờ thu hoạch dầu khí.

Sau phát nổ đầu tiên trên mặt đất Hưng Yên, các chuyên gia tiếp tục khai hỏa trong lòng đất để thu được sóng phản xạ sâu hơn. TS Nguyễn Đăng Liệu, nhiều năm gắn bó với địa vật lý dầu khí, kể: “Chúng tôi thường khoan ba lỗ sâu 15-30m, rồi cho thỏi thuốc nổ 1,8kg xuống.

Sau khi kích nổ, sóng địa chấn thu được đến độ sâu 3.000-3.500m dưới lòng đất. Những khu vực địa chất phức tạp còn cho nổ cùng lúc nhiều điểm sâu với lượng thuốc nổ có thể lên đến 5-7kg mỗi điểm”. Cùng thời gian này, các nhà địa vật lý còn tiến hành phương pháp khác như khảo sát điện, trọng lực để “giải mã” lòng đất.

Việc đo địa chấn thăm dò dầu khí vẫn chưa dừng lại. Từ vài ký thuốc nổ, họ dùng đến... hàng tấn thuốc nổ như tạo ra động đất nhỏ. Đó là phương pháp đo địa chấn khúc xạ sâu hơn 3.500m dưới lòng “địa ngục”. Mỗi lần thực hiện có thể phải khoan hàng chục giếng sâu để nạp thật nhiều thuốc nổ.

Và tháng 10-1966, một cuộc đo địa chấn khúc xạ đã đi vào lịch sử ngành dầu khí. TS Minh chỉ đạo trực tiếp lần đo này nhớ lại: “Tuyến khảo sát địa chấn từ Nam Định đến Hải Phòng nhưng thiếu thốn thiết bị. Chúng tôi phải cải tiến máy thu sóng về tần số thấp, rồi cải tiến cả máy bắn mìn lớn trên 1 tấn thuốc nổ và hệ thống truyền tín hiệu nổ qua vô tuyến điện”.

Vụ nổ khổng lồ đó thu sóng ở Thái Bình nhưng phát nổ tận Phố Viềng, Nam Định và Quảng Yên, Quảng Ninh. Mọi việc diễn ra ban đêm để hạn chế ảnh hưởng đến người dân và hoạt động của dân cũng không ảnh hưởng sóng địa chấn.

Nhiều năm trôi qua, đoàn khảo sát vẫn nhớ lòng tốt của dân khi nổ địa chấn ảnh hưởng ruộng vườn, nứt nẻ nhà cửa. Nhìn chuyên gia, công nhân ai cũng giống ai với đồ đạc lỉnh kỉnh vác lưng, lội ruộng, có ông cụ hỏi TS Minh: “Bọn con toàn công nhân thì bao giờ mới tìm thấy dầu?”. Mọi người bật cười. Thật sự, thời chiến gian khổ, nếu không ăn nhà dân, ở nhà dân và chia nhau từng củ khoai, họ sẽ khó làm được việc.

  • Quốc Việt (Tuổi trẻ)