- Nhiều người nể trọng phong tặng GS, bác sĩ Nguyễn Tài Thu là "Cây kim vàng", "Ông vua châm cứu" nhưng ông chỉ khiêm tốn nhận là người thầy thuốc chữa bệnh cứu người. 85 tuổi, bác sĩ Nguyễn Tài Thu vẫn hăng say làm việc.
Clip 1: GS Nguyễn Tài Thu kể chuyện chữa những ca bệnh khó. Clip 2: GS Nguyễn Tài Thu nói về những danh xưng, lúc "bất lực" trong chữa bệnh. Xem toàn bộ chương trình về GS Nguyễn Tài Thu.
Nhà báo Hà Sơn: Một buổi sáng theo dõi các công việc từ châm cứu của bác cháu càng cảm phục một người bác sĩ nổi tiếng. 85 tuổi, bác vẫn dành tình yêu và tâm huyết cho nghề châm cứu, động lực từ đâu vậy, thưa bác?
GS Nguyễn Tài Thu: Bạn ca ngợi tôi rất vui nhưng công việc làm suốt cả đời như vậy rồi. Tôi vào nghề này được 55 năm. Tôi từng được đi theo các vị lãnh tụ như Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Phạm Văn Đồng và nhiều đồng chí Trung ương khác, điều đó rất vinh dự.
Không phải khoe khoang gì, tôi nghĩ làm được gì thì làm. Những gì Đảng, Trung ương bảo mà chưa làm được thì tiếp tục cùng với các học trò cố gắng. Bây giờ chưa hoàn thành nhiệm vụ đâu bạn ạ. Thực ra ngành y có biết bao nhiêu vấn đề cần giải quyết. Tôi 85 tuổi rồi nhưng vẫn ăn uống, đi làm bình thường, không sao cả.
Nhà báo Hà Sơn: Trong suốt quãng thời gian hoạt động ngành y, có kỷ niệm đặc biệt nào bác nhớ nhất?
GS Nguyễn Tài Thu: Ví dụ dịp tôi sang Iraq chữa cho một người bị liệt 2 chi dưới. Trước khi đi không biết người đó bị bệnh gì, là ai nhưng khi sang đến Iraq tôi mới biết đó hóa ra là con trai của Tổng thống bị bắn gãy đùi. Lúc đó Trung Quốc và một số chuyên gia các nước cũng đang ở đấy, tôi sang sau cùng. Tôi biết tiếng Trung Quốc nên các bạn Trung Quốc chia sẻ rằng ca này khó lắm, liệu tôi có chữa được không?!
Tôi bảo các bạn Trung Quốc rằng họ có kinh nghiệm riêng và tôi có kinh nghiệm của tôi. Trong chiến tranh chúng ta có nhiều thương binh từng gãy đùi và chúng tôi vẫn mổ mà không có thuốc gây mê phải châm tê. Nhiều ca đã chữa thành công và bệnh nhân vẫn đi lại bình thường và quả nhiên với trường hợp con trai Tổng thống Iraq tôi đã làm thành công.
Nhà báo Hà Sơn: Trong nghề có khi nào bác rơi vào trạng thái bất lực không tìm ra phương pháp và cách chữa cho người bệnh?
GS Nguyễn Tài Thu: Có chứ bạn. Như thời gian tôi sang Iraq, phía họ nhờ mổ một số ca khó. Tôi thấy không làm được nên tôi không làm. Hay như ở Trung tâm chỗ tôi đang làm việc (Viện châm cứu trung ương 49 Thái Thịnh - PV) có những em bé, thậm chí người lớn không chữa được nhưng chả nhẽ bây giờ người ta nhờ cậy, hi vọng mình lại bảo không chữa được. Người thầy thuốc không chối ngay được đâu. Bao giờ cũng phải nghĩ, có thể được không, nếu được thì ngày đêm phải như thế nào.
Nhà báo Hà Sơn: Nghề y là một nghề cao quý được nhiều người tôn trọng vì cứu sinh mạng con người. Có quan niệm người làm nghề y phải là những người có trí tuệ, có lương tâm nhưng cũng có người cho rằng nghề y rất dễ tai tiếng. Là người hoạt động nghề y lâu năm, bác chia sẻ gì về nghề nghiệp của mình?
GS Nguyễn Tài Thu: Ý bạn nói có hai mặt. Những người thầy thuốc chân chính như tôi không nghĩ thế đâu. Họ đều thấy rằng cứu được một người là phúc đẳng hà sa. Nếu thầy thuốc không tận tình không chữa được đâu. Tôi không bao giờ từ chối chữa bệnh cho ai cả. Dù đang bận nhưng có người nhờ đến, kiểu gì tôi cũng sẽ đến.
Nhà báo Hà Sơn: 85 tuổi nhiều người muốn an yên trong đời sống, làm việc ít đi và tự thưởng những giây phút thảnh thơi trong đời sống. Giáo sư lại khác, vẫn đi làm, châm cứu cho già trẻ lớn bé...
GS Nguyễn Tài Thu: Đúng thế, vì thầy thuốc ai cũng thương bệnh nhân nhưng hình như tôi có một tình cảm đặc biệt nào đó không thể không thương người ốm. Tôi cứ nghĩ người ốm đau mà là người thân của mình thì với tư cách thầy thuốc phải có phương pháp nào đó để an ủi khi người ta cần.
Nhà báo Hà Sơn: Nhà nước đã phong tặng cho bác là "Thầy thuốc nhân dân", "Anh hùng lao động" và nhiều người vẫn mặc định bác sĩ Nguyễn Tài Thu là người châm cứu giỏi nhất Việt Nam, bác nghĩ gì về xưng danh này?
GS Nguyễn Tài Thu: Người ta nói thế tôi nghe nhiều nhưng không thể nhận như thế được. Bác sĩ mỗi người một chuyên khoa nhưng về châm cứu tôi đi rất sâu. Khi nào còn cái kim nào, còn huyệt nào thấy có thể hồi phục lại, để thăng bằng âm dương thì vẫn làm. Chữa bệnh đến khi nào thấy không thể nào cứu vãn được, cố gắng hết sức nhưng không qua khỏi cũng chẳng ai trách gì mình đâu.
Phần 2: Niềm đau giấu kín của "Người chấm cứu giỏi nhất Việt Nam"
Sơn Hà - Xuân Phúc - Xuân Quý - Đức Yên