Đồng tiền, lòng tham cộng với cơ chế lỏng lẻo có thể biến những con người đã từng tử tế, lương thiện thành tội phạm.

Cuối năm, khi  mùa Xuân đang sầm sập đến như thế này, thường người ta chỉ hướng tới sum họp, vui vầy,  tính toán gặt hái những thành quả sau một năm làm việc, thì lại nghe những tiếng sấm vọng từ pháp đình.

Ba vụ án điểm đã được đưa ra xét xử, đặc biệt, cùng thời điểm, ở hai trung tâm nhộn nhịp và quan trọng bậc nhất nước diễn ra hai vụ xử án lớn: tại TP.HCM là vụ siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như với tổng số tiền lừa đảo lên đến 4.000 tỷ đồng; còn ở Hà Nội, Dương Tự Trọng, em trai Dương Chí Dũng và 6 người khác bị đem ra xử về tội đưa người trốn đi nước ngoài. Án đã tuyên chiều 8/1, nghiêm khắc như dự đoán.

Báo chí tường thuật từng chi tiết của phiên toà này, diễn biến của nó công khai mà hồi hộp, bất ngờ, đầy kịch tính.

{keywords}

Án đã tuyên chiều 8/1 với Dương Tự Trọng, nghiêm khắc như dự đoán. Ảnh: XĐ

Thêm sự xuất hiện lặng lẽ của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh cũng góp phần gây ra những đồn đoán thú vị trong dân.

Sau màn đọc thơ ở phiên xử cuối vụ án tham nhũng ở Vinalines, liên quan đến việc mua ụ nổi M83, Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, lại khiến cả nước chú ý bởi những lời khai rúng động về người báo tin cho ông ta chạy trốn trước khi có lệnh khởi tố vụ án, rồi quá trình đưa hối lộ hàng trăm ngàn USD để chạy tội, một cách chi tiết, tỷ mỷ và với thái độ khá bình tĩnh... Ngay tại toà, lời khai của Dương Chí Dũng đã góp phần "đẻ ra" ngay một vụ án mới, vụ án "làm lộ bí mật Nhà nước". Dũng đã khai ra những chuyện động trời, liên quan đến cán bộ cao cấp của Bộ Công an.

Vì tính chất nghiêm trọng của tình tiết mới này, mà các cơ quan chấp pháp không thể bỏ qua. Phen này phải làm cho ra người báo tin cho Dũng bỏ trốn, nếu không phải là đồng chí công an bị Dũng nêu tên tại Toà thì phải là một kẻ nào khác, xác minh rõ xem có chuyện ông ta đưa hơn nửa triệu đô la chạy tội hay không, có hay không chuyện môi giới đưa thêm 1 triệu đô la nữa liên quan đến một công ty tư nhân rất lớn phía Nam...

Nếu lời khai của ông ta là có cơ sở thì nó còn góp phần đẻ ra thêm nhiều vụ án nữa, nhiều người nữa sẽ được pháp luật "hỏi thăm"... Còn nếu đấy chỉ là sự vu cáo của  người đã ở thế khốn cùng, không có cơ sở nào, thì cũng phải xử thêm tội cho Dũng đồng thời minh oan cho đồng chí cán bộ công an cao cấp kia và nhiều người khác nữa.

Tôi, và chắc là khá nhiều người, theo dõi phiên toà này với một tâm trạng hỗn độn, buồn nhiều hơn vui.

Một mặt có niềm tin là quyết tâm chống tham nhũng đã được thể hiện qua những hành động cụ thể. Lần đầu tiên, sau án tử hình dành cho Cục trưởng quân nhu Trần Dụ Châu ngày 5/9/1950 về tội tham ô, lại thấy có hai án tử hình vì tham nhũng.

Buồn vì qua diễn biến phiên toà xét xử Dương Tự Trọng, mới ngạc nhiên ngỡ ngàng, sao lại có chuyện công an quan hệ khăng khít với xã hội đen đến vậy. Hy vọng đây chỉ là trường hợp cá biệt, nếu không người dân thấp cổ bé họng còn biết dựa vào ai.

Lo vì những cấu kết phức tạp, ràng buộc tinh vi giữa tội phạm với quan chức theo kiểu lợi ích nhóm. Với những mô thức quan hệ kiểu này thì sự lũng đoạn thao túng cơ chế, chính sách, tham ô, trục lợi và làm những điều đen tối khác thật chẳng khó khăn là bao, mà thật khó phát hiện bóc gỡ biết bao...

Qua ba vụ án này, bao nhiêu con người, thân phận dính vào lao lý, bao gia đình hạnh phúc với truyền thống đẹp đẽ, bị đổ vỡ.

Đồng tiền, lòng tham cộng với cơ chế lỏng lẻo có thể biến những con người đã từng tử tế, lương thiện thành tội phạm, phạm những tội mà chúng ta không tưởng tượng nổi. Nhìn vào những câu chuyện như vậy, khó nói là niềm tin của nhân dân không bị hư hao.

Đồng thời với việc đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, phải bịt cho được những lỗ hổng về cơ chế, chính sách, pháp luật, những lỗi trong quản trị điều hành, nếu không sẽ còn nhiều Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như khác từ những lỗ hổng ấy chui ra.

Thế nhưng, cũng từ đó có một niềm tin được củng cố, rằng cái xấu, cái ác dù ở tầm nào, được che đậy tinh vi ra sao rồi cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng, không có một vùng cấm nào cả.

Sự trưởng thành và vững vàng của thể chế cũng bắt đầu từ đó.

Tử tội Dương Chí Dũng chẳng còn đường nào khác là tích cực đoái công chuộc lỗi, trước pháp luật nghiêm minh và lòng dân rộng lượng, biết đâu đường sống vẫn còn.

Theo Phạm Kinh Bắc/ VOV online