Với mục đích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực, cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, Thanh Hóa đã triển khai sáp nhập nhiều trường tiểu học và THCS, thế nhưng, sau sát nhập đã tồn tại nhiều bất cập.
Ảnh hưởng chất lượng giáo dục?
Tháng 8/2013, Trường TH và THCS Yên Lễ, huyện Như Xuân được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ 4 điểm trường TH và 1 THCS. Cùng thời điểm này, 3 xã khác của huyện Như Xuân cũng thực hiện sáp nhập các trường TH và THCS là xã Cát Vân, Thanh Hòa, Tân Bình.
Trường Tiểu học và THCS Yên Lễ (Ảnh: Hoàng Lam) |
Khó khăn sau khi sáp nhập trường mới chưa kịp giải quyết xong thì những bất cập ngay trong năm học đầu tiên buộc trường phải thực hiện tách cấp học trở lại như cũ.
Cụ thể, tại Trường TH và THCS Yên Lễ sau khi sát nhập có 2 hiệu phó, 1 hiệu trưởng xuống làm giáo viên, còn 1 hiệu trưởng xuống làm hiệu phó. Việc đang là lãnh đạo, quản lý xuống làm giáo viên đã ảnh hưởng đến tâm lý của một số người. Tuy nhiên, khó khăn này đã được các thầy, cô giáo động viên, khắc phục. Tuy nhiên, bất cập khác xuất hiện khiến cho hoạt động giáo dục sau khi sáp nhập của 2 cấp học ảnh hưởng không hề nhỏ.
Cụ thể, thời lượng mỗi tiết học, giờ ra chơi, ở 2 cấp học khác nhau. Trong cùng một không gian, nếu sử dụng nhiều tín hiệu (chuông, trống) báo hết giờ học sẽ ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Do đó, có nhiều trường sáp nhập, nhưng thực tế học sinh ở trường nào thì vẫn học ở trường đó.
Trong khi đó, chưa có văn bản hướng dẫn về công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia cho mô hình trường sau khi sáp nhập khiến cho các hoạt động này phải làm từng cấp riêng (giống như thời điểm chưa sáp nhập). Việc tổ chức họp cũng gặp nhiều khó khăn do có 2 khối chuyên môn khác nhau, không thể tập trung kỹ, chuyên sâu…
Từ nhiều bất cập trên, nên sau năm học đầu tiên sáp nhập, đến năm học 2014 – 2015, Trường TH và THCS Yên Lễ đã tách các lớp bậc THCS về trường cũ.
Trao đổi với Tiền Phong, cô Lê Thị Liên – hiệu trưởng Trường TH và THCS Yên Lễ cho biết: Việc sáp nhập có những thuận lợi nhất định như giáo viên đặc thù có thể dạy được 2 cấp học. Giảm bớt được một bộ phận quản lý… Tuy nhiên, rất nhiều bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến chuyên môn, chất lượng giáo dục. Theo đó, chúng tôi cũng đã có ý kiến với ngành chức năng về việc không nên sáp nhập 2 cấp học trong một xã mà chỉ nên sáp nhập các trường cùng cấp trong xã.
Tạm dừng
Trường TH và THCS Yên Lễ có 1 khu chính và 4 khu lẻ. Các khu lẻ lại cách xa nhau nên khó khăn trong việc chỉ đạo, quản lý chuyên môn của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng. Do khối lượng công việc nhiều hơn, nên thời gian dự giờ thăm lớp, thăm các khu lẻ cũng bị giảm đi.
Số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên đông nên trong các buổi giao ban, họp hội đồng không đủ thời gian đi sâu, cụ thể vào từng mảng của các cấp học, khối học. Việc tổ chức các buổi hội họp khó bố trí thời gian. Các buổi họp đánh giá, xếp loại phải kéo dài thời gian thành nhiều buổi.
Trong khi đó, dù đã sáp nhập hai cấp học thành một nhưng công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, phổ cập, kiểm định chất lượng trường học, thông tin báo cáo, tài chính kế toán vẫn phải báo cáo riêng từng bậc học như 2 trường riêng biệt, sau đó lại tổng hợp thêm một báo cáo chung…
Bà Nguyễn Thị Lan, hiệu phó Trường TH và THCS Yên Lễ cho biết thêm: Giáo viên dạy môn đặc thù do phải đi nhiều khu nên khó khăn cho việc sắp xếp thời khóa biểu.
Do học 2 buổi/ ngày, thời khóa biểu của 2 cấp học khác nhau nên việc sắp xếp, bố trí thời gian hội họp của nhà trường, sinh hoạt của tổ, khối chuyên môn rất khó khăn, thường phải tổ chức vào các ngày nghỉ. Thậm chí, bậc tiểu học phải nghỉ học buổi 2 để tổ chức hội họp mà không có thời gian dạy bù…
Trước những bất cập trên, sau khi thực hiện sáp nhập các trường ở 4 xã trên, huyện Như Xuân đã có ý kiến với ngành chức năng tạm dừng việc sáp nhập này ở các trường khác trong kế hoạch.
Trong khi đó, vì có những bất cập nên một số huyện khác đã không thực hiện việc sáp nhập liên cấp mà thực hiện sáp nhập theo hình thức các trường cùng cấp, cùng xã. “Vì những bất cập trong việc sáp nhập bậc TH và THCS nên chúng tôi không tiến hành sáp nhập theo hình thức trên mà thực hiện sáp nhập cùng bậc học ở các xã có nhiều điểm trường mà ít học sinh”- ông Lê Quang Hùng – chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn cho biết.
Được biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 20 trường TH và THCS được thành lập trên cơ sở sát nhập bậc tiểu học và THCS.
Trước đó, chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định sắp xếp các trường Mầm non, Tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học hiện có trên địa bàn đến năm 2020. Theo đó, mỗi xã, phường, thị trấn bố trí 1 trường Mầm non công lập; cấp Tiểu học 1 trường công lập có từ 10 lớp trở lên, quy mô học sinh tối thiểu theo vùng miền; cấp THCS có 1 trường công lập từ 8 lớp trở lên.
Theo lộ trình đến năm 2020 tỉnh Thanh Hóa giảm hơn 100 trường học. Các trường Tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với trường THCS trên cùng địa bàn xã; các xã có 2 đến 3 trường Tiểu học, xem xét sáp nhập thành một trường nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và thuận lợi cho học sinh đến trường.
Đối với các trường THCS có quy mô dưới 8 lớp, xem xét ghép với trường Tiểu học trên cùng địa bàn xã, những nơi có điều kiện giao thông thuận lợi thì có thể xem xét sáp nhập theo mô hình liên xã.
Các trường THPT có quy mô dưới 18 lớp, xem xét sáp nhập với trường THCS thành trường phổ thông 2 cấp học THCS và THPT. Trường hợp độ dài đường đi học của học sinh vượt quá theo quy định tại Thông tư 41 và 12 của Bộ GD-ĐT thì xây dựng mô hình trường bán trú.
Theo Hoàng Lam/ Báo Tiền Phong