- 42.000 gói snack khoai tây hết hạn sử dụng và đã bị mang vứt ra bãi rác nhưng người dân vẫn đổ xô kéo nhau đi lấy hết sạch chỉ trong chốc lát.

Sự việc trên diễn ra vào sáng ngày 4/2 vừa qua tại một trạm thu gom rác ở đường Hồng Dương, Tấn Môn, Hồng Kong.

Trang báo điện tử Sina cho biết, tổng số lượng snack khoai tây bị bỏ đi lên đến hơn 700 thùng, mỗi thùng 12 hộp, mỗi hộp 5 gói với 3 loại hương vị. Tính ra, có 42.000 gói snack nhỏ đã bị bỏ đi.

{keywords}

Số snack nhanh chóng được người dân lấy đem đi.

Tuy nhiên, khi biết được thông tin lô hàng snack khoai tây hết hạn sử dụng trên bị vứt bỏ, người dân địa phương lập tức đổ xô đi lấy. Từ trẻ nhỏ đến người già, thanh niên, mỗi người một cách, nhanh chóng dọn sạch toàn bộ số hàng.

Một nhân viên làm việc tại trạm thu gom rác trên cho hay, nơi này thường xuyên có những lô hàng lớn bị vứt bỏ nhưng vụ việc lần này vì có người đăng tải lên mạng nên người dân mới hò nhau đến lấy đông như vậy.

{keywords}

Có người còn mang cả xe chở hàng đến để lấy snack miễn phí.

Những người dân đi lấy snack khoai tây hết hạn sử dụng cho biết, số hàng đó họ mang về ăn và chúng vẫn dùng tốt vì hàng chỉ mới "hết date" mà thôi, vứt một số lượng snack khoai tây lớn đến như vậy đi rất lãng phí.

Theo các nhà khoa học, việc đem vứt sọt rác những thực phẩm đã đến ngày hạn sử dụng là quan niệm sai lầm và ước tính làm phung phí hàng năm một lượng lớn thức ăn.

Theo thống kê, thế giới mỗi năm có khoảng 7 triệu tấn thực phẩm bị người tiêu dùng vứt bỏ trong quá trình tiêu thụ trong khi đa phần chúng vẫn còn dùng được dù đã hết hạn sử dụng. Điều này đã gây ra một sự lãng phí rất lớn.

Thực ra, hạn sử dụng được quy định có 2 loại khác nhau: Hạn Use-by date (UB) dùng cho những sản phẩm tươi sống dễ hư hỏng như sữa, cá hay thịt và người dùng nên sử dụng chúng trước ngày này vì sau đó sản phẩm có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bán những sản phẩm quá hạn UB thuộc nhóm hành vi phạm pháp.

Hạn Best-before date (BB) thì được yêu cầu với các mặt hàng đóng hộp hay đồ khô và mức này để chỉ ngày cuối cùng mà sản phẩm vẫn đảm bảo đạt chất lượng tốt nhất. Còn sau đó, giá trị của sản phẩm sẽ giảm dần. Nếu bán đồ quá hạn sử dụng này thì vẫn không bị tính là phạm luật.

Mỗi nhà sản xuất có trách nhiệm phải đưa ra mức hạn UB và BB riêng dựa trên các nghiên cứu khoa học về thời gian vi khuẩn bắt đầu sinh sôi nảy nở rồi so sánh với các dữ liệu đã được công bố trên các sản phẩm tương tự.

Mức an toàn của vi khuẩn trước khi chúng gây ra ngộ độc được thiết lập bởi Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu. Các công ty có thể bị phạt tới 5.000 Bảng Anh (khoảng 169 triệu VNĐ) cho hành vi vi phạm.

Một số loại thực phẩm còn được ghi chú thêm hạn bán (Sell-by date) cũng như hạn trưng bày (Display-by date), được dùng để khuyến cáo các nhà bán lẻ chứ không phải là thông tin dành cho khách hàng.

Theo Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm (FSA), người tiêu dùng hoàn toàn có thể ăn các thực phẩm đã quá hạn BB, chỉ là nó không còn giữ được hương vị thơm ngon nhất mà thôi.

Còn lại, chúng ta nên lưu tâm đến hạn UB hơn vì khi đó nó có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt đối với trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)